Cuối năm “ma men” lại lộng hành

Lái xe sau khi uống rượu, bia đã trở thành vấn nạn ở nước ta từ hàng chục năm nay. Nhiều biện pháp từ Luật đến các chế tài xử phạt nặng đã được ban hành, nhưng tình trạng này vẫn chưa giảm đáng kể, thậm chí gia tăng vào dịp cuối năm, lễ Tết.
0:00 / 0:00
0:00
Cần xử phạt nặng hơn nữa như tước bằng lái xe vĩnh viễn, cấm lái, thậm chí là xử lý hình sự đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Phạm Kiên
Cần xử phạt nặng hơn nữa như tước bằng lái xe vĩnh viễn, cấm lái, thậm chí là xử lý hình sự đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Phạm Kiên

Bằng biện pháp hành chính, chế tài xử phạt đã tăng nặng, lực lượng chức năng nhiều lần ra quân tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, thế nhưng tình trạng lạm dụng đồ uống có cồn điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều người vẫn còn suy nghĩ “uống một chút không sao”, nhưng thực tế uống ít dù chưa đến mức say nhưng sẽ làm giảm tỉnh táo, gây buồn ngủ, nhất là làm hạn chế nhận thức, giảm khả năng phán đoán tình huống, dẫn đến nguy cơ để xảy ra tai nạn giao thông (TNGT). Trước thực trạng này, ngay từ đầu năm 2022, Bộ Công an đã có kế hoạch chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc sẽ thực hiện chuyên đề kiểm soát vi phạm nồng độ cồn và ma túy trong cả năm. Theo Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng Phòng tuyên truyền, Cục Cảnh sát giao thông: “Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) nhìn chung được bảo đảm, TNGT giảm cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên, vi phạm liên quan nồng độ cồn tăng đột biến. 11 tháng đầu năm 2022, lực lượng CSGT xử lý hơn hai triệu trường hợp vi phạm trật tự ATGT, trong đó hơn 295 nghìn trường hợp vi phạm liên quan nồng độ cồn, chiếm 11,36%”. Càng về thời điểm cuối năm, tình trạng lái xe vi phạm nồng độ cồn càng có dấu hiệu tăng mạnh. Thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an cho biết, sau 2 tuần (từ 15/11 - 29/11) thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý gần 20 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tăng 14,2% so với cùng thời gian trước khi thực hiện cao điểm.

Những con số thống kê như trên là rất đáng báo động. Lỗi vi phạm này xảy ra liên tục ở nhiều địa phương và đã có nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Mới đây nhất, tối 10/12, lái xe Nghiêm Thành Đạt điều khiển ô-tô biển số 30G-111.52 đã đâm khoảng 10 xe máy đang dừng đón học sinh tại ngõ 300 đường Bạch Mai (Hà Nội). Qua kiểm tra, người này có nồng độ cồn ở mức 0,501 mg/l khí thở (vượt mức kịch khung theo Nghị định 100 là 0,4 mg/l khí thở).

Ông Phạm Việt Công, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, Việt Nam đã có quy định pháp luật và mức xử phạt khá cao so với thu nhập của người dân, nhưng mới áp dụng mức xử phạt này chưa lâu nên hiệu quả còn chưa thấy được ngay và những thay đổi cũng cần có thời gian và lộ trình. Cũng theo ông Công, quốc tế chú trọng ba vấn đề quan trọng là giáo dục (tuyên truyền để kỳ vọng sự thay đổi hành vi của người dân); cưỡng chế (tăng mức xử phạt và nhiều chế tài khác như trừ điểm bằng lái, phạt lũy tiến, buộc học và thi lại bằng lái xe, lao động công ích, tạm giữ xe và nếu vi phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể phạt tù...) và môi trường (kiểm soát cả việc uống; mua bán, quảng cáo rượu, bia).

Chuyên gia giao thông Vũ Anh Tuấn (Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức) gợi ý: “Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm từ các nước phát triển về cách xử lý đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn, từ đó có thể bổ sung, sửa đổi luật theo hướng khi lái xe vi phạm nồng độ cồn có thể tước giấy phép lái xe vĩnh viễn, tịch thu phương tiện và bắt lao động công ích. Thậm chí có thể bị xử lý hình sự khi vi phạm nồng độ cồn dù chưa gây hậu quả”.

Đại úy Nguyễn Thế Quang, Đội CSGT số 4, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, vi phạm nồng độ cồn có gia tăng, có trường hợp vi phạm gấp ba lần mức cao nhất của khung hình phạt. Nhiều lái xe mất bình tĩnh, không hợp tác, thậm chí có hành vi thái độ khiêu khích lực lượng chức năng. Lực lượng CSGT các địa phương cũng đã tăng cường xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở những tuyến đường có nhiều nhà hàng, quán bar, karaoke, tuy nhiên không ít hàng quán đối phó bằng cách cho bảo vệ, quản lý theo dõi ngược lại tổ công tác để kịp thời báo khách hàng trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng.

Thực tế việc ra quân tăng cường xử lý mới chỉ giải quyết được phần ngọn, do đó để tránh tình trạng “đến hẹn lại lên”, kết thúc đợt ra quân thì đâu lại vào đó, các cơ quan chức năng cần có kế hoạch và duy trì thường xuyên, liên tục công tác này để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.