Theo quy định tại Nghị định 10, những xe ô-tô dưới 09 chỗ ngồi (kể cả lái xe) tham gia kinh doanh vận tải hành khách, không theo tuyến cố định, không có hợp đồng vận chuyển, di chuyển theo lịch trình và hành trình do hành khách yêu cầu, được gọi là taxi và phải có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất). Bên cạnh đó, không được phép sử dụng xe cải tạo từ xe có sức chứa từ 09 chỗ trở lên thành xe ô-tô dưới 09 chỗ (kể cả người lái xe), hoặc xe có kích thước, kiểu dáng tương tự xe từ 09 chỗ trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.
Sau khi kết thúc thí điểm, những xe ô-tô trước đây tham gia kinh doanh theo mô hình hợp đồng điện tử sẽ có hai lựa chọn, một là chuyển hẳn sang kinh doanh dạng taxi, hai là tiếp tục thực hiện theo mô hình hợp đồng điện tử. Các hãng xe công nghệ cũng phải lựa chọn để thực hiện là đơn vị chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng công nghệ giúp kết nối hoặc đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải và có thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải). Đồng thời, phạm vi hoạt động của các hãng xe sẽ được triển khai rộng rãi trên cả nước chứ không bị hạn chế như khi thực hiện đề án thí điểm tại năm tỉnh, thành phố (bao gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh và Khánh Hòa). Đây là quy định rất mở để các đơn vị tự xác định và phân định rõ hoạt động của đơn vị mình mà lựa chọn hình thức kinh doanh cho phù hợp.
Việc mở rộng địa bàn hoạt động cho xe công nghệ không chỉ tăng thu nhập cho tài xế, mà còn thuận tiện cho tài xế có môi trường làm việc. Thay vì trước đây tài xế ở tỉnh phải lên thành phố làm việc thì nay tài xế có thể chạy luôn ở các địa phương và chạy nối tuyến hai chiều, ít nhiều giảm được tình trạng ùn tắc giao thông, giảm được áp lực việc làm tại các thành phố lớn.
Trên thực tế, từ khi quyết định 24 có hiệu lực đến nay, taxi công nghệ đã đáp ứng phần lớn nhu cầu của người dân về phương tiện vận tải minh bạch, an toàn hơn so với taxi truyền thống. Từ những lợi ích lâu nay của các ứng dụng gọi xe mang lại, và cả những phát sinh trong quá trình hoạt động của xe hợp đồng điện tử tác động đến người sử dụng dịch vụ, về phía người dân có một số y kiến cho rằng: “Xe công nghệ không gắn mào không khác gì xe của gia đình mình, nó vừa thuận tiện, vừa lịch sự khi sử dụng vào những công việc như đi ngoại giao chẳng hạn. Bên cạnh đó cũng có nhiều bất cập khi nhà cung cấp dịch vụ áp đặt giá với người sử dụng, nhiều khi cao hơn cả taxi truyền thống dùng đồng hồ bấm giờ. Hơn nữa việc quản lý lái xe còn lỏng lẻo cho nên vẫn có những trường hợp không an toàn xảy ra, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em”.
Còn dưới góc nhìn của các đối tác tài xế đang hoạt động kinh doanh theo loại hình này thì cho rằng, hàng vạn xe trong diện này sẽ phải dừng hoạt động hoặc chuyển sang hình thức kinh doanh taxi, trong khi ở một số tỉnh, thành phố, lượng taxi đã quá tải, hơn nữa còn phải chịu những quy định hạn chế phạm vi và thời gian hoạt động đối với taxi tại nhiều tuyến phố.
Theo nhận định của ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, việc chuyển đổi xe hợp đồng điện tử dưới chín chỗ sang loại hình taxi không dễ dàng, vì bản thân các địa phương thuộc diện thí điểm mô hình “taxi công nghệ” lâu nay đều đang rơi vào tình trạng quá tải số lượng taxi. Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, việc chuyển đổi sang loại hình taxi hay xe hợp đồng là phù hợp để tăng hiệu quả quản lý, giúp các loại hình vận tải hoạt động quy củ trong khuôn khổ pháp luật.
Sau hơn bốn năm thực hiện thí điểm, loại hình đặt xe qua ứng dụng công nghệ đã phát huy tác dụng đáng kể, được người tiêu dùng đón nhận. Tuy nhiên, cần phải quy hoạch lại số lượng phương tiện chuyển đổi bởi từ khi loại hình này ra đời, lượng phương tiện cá nhân gia tăng đột biến dẫn đến áp lực đối với giao thông đô thị ngày càng cao.