Phía sau những công trình

Trong hàng nghìn dự án thủy điện, di dân tái định cư (TĐC) thủyđiện Sơn La được coi là một trong những dự án trọng điểm quốcgia, có cơ chế chính sách tương đối toàn diện, tập trung giải quyết tốt những vấn đề về đời sống, sản xuất cho đồng bào. Trên thực tế, cuộc sống của người dân đang từng bước ổn định, nhưng để bảo đảm lâu dài, vẫn còn nhiều việc phải làm...

Nước sinh hoạt về điểm TĐC Pa Sáng, xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La).
Nước sinh hoạt về điểm TĐC Pa Sáng, xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La).

Từ chân cầu Tạ Khoa, huyện Bắc Yên (Sơn La) chúng tôi xuôi thuyền theo dòng sông Đà qua các xã Song Pe, Sập Xa, Chiềng Sại của huyện Bắc Yên, rồi đến Đá Đỏ, Tân Phong của huyện Phù Yên. Hai bên bờ bản làng soi bóng xuống dòng sông, nhìn thật gợi cảm.

Đằng sau vẻ đẹp ấy, cuộc sống của đồng bào vùng di chuyển dân lòng hồ sông Đà thuộc thủy điện Hòa Bình còn muôn vàn khó khăn.

Chủ tịch UBND xã Chiềng Sại, ông Đinh Công Nén cho biết: Xã có tám bản, 684 hộ, 3.317 nhân khẩu, gồm ba dân tộc Mường, Thái, Mông cùng sinh sống. Sau mấy chục năm di dân thủy điện Hòa Bình, Chiềng Sại vẫn là xã nghèo và còn rất nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng nông thôn hầu như chưa có gì, chưa đạt một tiêu chí nào về nông thôn mới. Đến nay xã chưa có đường ô-tô, 3/8 bản chưa có điện, năm bản thiếu nước sinh hoạt, với 34,4% số hộ nghèo. Một trong những nguyên nhân của thực trạng trên là khi xây dựng thủy điện Hòa Bình chúng ta chưa có những cơ chế, chính sách giải quyết một cách đồng bộ, thấu đáo đời sống, sản xuất cho người dân. Sau này Đảng và Nhà nước đã có các quyết định gọi tắt là dự án 747, 1382, 1460 nhằm ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà thủy điện Hòa Bình. Sau 36 năm thực hiện di chuyển dân, đến nay nhiều vấn đề kinh tế - xã hội vẫn đang tập trung giải quyết, câu chuyện “hậu” thủy điện vẫn còn đó...

Khác với dự án thủy điện Hòa Bình, tròn 10 năm qua tính từ thời điểm tháng 3-2003, những hộ dân đầu tiên thuộc bản Nà Kè, xã Ít Ong, huyện Mường La di chuyển TĐC về Tân Lập (Mộc Châu) đời sống, sản xuất của đồng bào di dân TĐC thủy điện Sơn La đang từng bước được ổn định.

Đồng chí Lò Văn Ón, Phó Trưởng ban QLDA di dân TĐC thủy điện tỉnh Sơn La cho biết: Trong tổng số trên 20.000 hộ dân của ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu phải di rời khỏi vùng ngập thì 12.584 hộ dân thuộc tỉnh Sơn La, chiếm 2/3 số hộ dân trong vùng dự án. Điểm mấu chốt khi triển khai thực hiện dự án lần này là Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ di dân TĐC một cách chặt chẽ.

Trong đó, xác định đây là cơ hội để sắp xếp, bố trí lại dân cư, phát triển KT-XH, ANQP một cách toàn diện vùng Tây Bắc. Tổng số kinh phí Chính phủ vừa phê duyệt lên tới 26.457 tỷ đồng là con số không nhỏ, lớn hơn việc đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện. Điều đó cho thấy chúng ta đã có nhận thức mới về làm thủy điện, quan tâm bảo đảm cuộc sống của người dân, bảo vệ môi trường sinh thái, v.v. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, Chính phủ nhiều lần điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách, thay đổi cách làm cho phù hợp và đã nhận được sự đồng tình của người dân. Đặc biệt là tập trung quy hoạch các khu, điểm TĐC gắn với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, như: Đường, điện, trường học, nhà văn hóa, lớp học mầm non. Thí dụ ở Sơn La, ngoài việc đầu tư những công trình thiết yếu phục vụ cộng đồng dân cư, còn hỗ trợ hộ dân san nền nhà, tạo điều kiện cho người dân tự dựng nhà. Ở các điểm TĐC nông thôn đã tập trung quy hoạch đất sản xuất, phương án sản xuất, lắng nghe giải quyết những vấn đề về không gian môi trường sống, phong tục tập quán, văn hóa, v.v. Còn ở Lai Châu, Ban chỉ đạo di dân TĐC tỉnh chủ trương thanh toán tiền cho người dân để bà con tự mua đất sản xuất, giải quyết những kiến nghị chính đáng làm người dân phấn khởi.

Tổng quy hoạch của dự án gồm: 78 khu, 285 điểm TĐC, trong đó 90% thuộc diện TĐC nông thôn. Đối với nông dân, nông thôn miền núi, vấn đề đất sản xuất và nước sinh hoạt là hai yếu tố quan trọng nhất. Ở đâu có đất sản xuất, nước sinh hoạt và các điều kiện thiết yếu tốt thì đời sống ở đó phát triển, thực hiện được mục tiêu nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ.

Chúng tôi đến thăm các điểm TĐC của huyện Thuận Châu (Sơn La) là địa phương giải quyết nhanh, hiệu quả đất sản xuất cho người dân.

Huyện Thuận Châu có 1.575 hộ TĐC, trong đó phải đón 937 hộ từ vùng ngập của huyện Mường La và Quỳnh Nhai. Đến quý I-2013, Thuận Châu đã cơ bản hoàn thành việc giao trên 10.460 ha đất sản xuất cho 1.468 hộ, trong đó tại nhiều điểm TĐC bà con đã nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này giúp bà con an tâm duy trì sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Đến thăm bản Mường Chiên, thuộc điểm TĐC Mô Cổng, ông Lò Văn Lự trưởng bản cho biết: Ngay từ những ngày đầu về nơi ở mới, mỗi hộ đã được tạm giao từ 1,2 đến 2 ha đất sản xuất. Tại đây đã hình thành mô hình sản xuất với hai cây chủ lực là thâm canh chè và cà phê, cùng với chăn nuôi, trồng cây ăn quả, thu nhập bình quân mỗi hộ 70-80 triệu đồng/năm, đời sống đang dần khấm khá.

Bên cạnh niềm vui vẫn còn băn khoăn lo lắng, Bí thư chi bộ điểm TĐC Sơn Pha, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn tâm sự: Ở quê cũ bình quân mỗi hộ có từ 3-5 ha đất, nay về quê mới mỗi khẩu chỉ được giao 2.000 m 2 , mỗi hộ chỉ hơn 1ha. Giá như định mức giao đất sản xuất nhiều hơn, bà con không chỉ đủ ăn mà còn có cơ hội làm giàu. Ở đây bà con trồng mía, mỗi ha cho thu nhập trên dưới 100 triệu đồng. Bởi giá trị đất như thế nên ông trưởng bản Sơn Pha dám bỏ ra 300 triệu để mua một ha đất.

Câu chuyện buồn ở chỗ, giá đất thị trường mấy trăm triệu, nhưng dự án thanh toán bù chênh đất chỉ là 48 triệu đồng/ha. Điều đó cho thấy chính sách bồi thường, hỗ trợ di dân thủy điện Sơn La đã có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn chưa theo kịp thực tiễn cuộc sống.

Việc Chính phủ cho phép thực hiện chính sách di dân TĐC thủy điện Sơn La theo quy chế đặc thù đã tháo gỡ được nhiều khó khăn vướng mắc, đáp ứng phần nào yêu cầu của người dân. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn nhiều khó khăn bất cập. Chúng tôi đến thăm 412 hộ dân xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai được biết, bình quân một nhân khẩu ở đây chỉ được giao 600 m 2 đất đồi núi trọc, đất xấu để sản xuất nông nghiệp. Nguyên nhân của tình trạng trên là do bà con không thực hiện di chuyển theo quy hoạch và cam kết. Tỉnh Sơn La và huyện Quỳnh Nhai đang tập trung tháo gỡ khó khăn, giúp người dân chuyển đổi sản xuất, nhưng xem ra để ổn định được đời sống, sản xuất vẫn chưa thấy gì sáng sủa.

Hiện nay, hàng trăm dự án xây dựng hạ tầng sau một thời gian đưa vào sử dụng cũng đang xuống cấp, nhất là giao thông, các công trình nước sinh hoạt. Có 65-70% điểm TĐC đang thiếu nước, mất nước. Một số điểm TĐC khi quy hoạch thì có nước, nay nguồn nước đều khô cạn. Thậm chí, có nơi người dân phá rừng, môi trường bị tác động dẫn đến cạn kiệt nguồn nước. Đây thật sự là vấn đề đáng quan tâm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của bà con vùng di dân TĐC.

Chính sách bồi thường, hỗ trợ di dân TĐC thủy điện Sơn La đã có tác động tích cực, hỗ trợ người dân từng bước ổn định cuộc sống. Bên cạnh những điểm sáng, đây đó vẫn còn những mảng tối, cuộc sống của người dân còn gặp khó khăn. Đó là kinh nghiệm để chúng ta cẩn trọng khi quyết định đầu tư xây dựng thủy điện. Và trước khi quyết định phê duyệt đầu tư thì vấn đề đời sống, sản xuất của người dân phải đặt lên hàng đầu.

Điểm mấu chốt khi triển khai thực hiện dự án lần này là Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ di dân TĐC một cách chặt chẽ.