BÀ ĐINH THỊ PHƯƠNG LAN (ĐẠI BIỂU TỈNH QUẢNG NGÃI):
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc đầu tư xây dựng phương án thủy điện đã gây ảnh hưởng đến dân cư trong khu vực dự án chiếm dụng một phần đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng, phần nào thu hẹp không gian sống của người dân vùng hồ, đập, tác động tiêu cực nhất định đến môi trường xã hội. Phải mất gần 140 nghìn ha đất, 45 nghìn hộ tái định cư để có được 12.431MW điện. Ngoài việc dành nguồn lực phù hợp thì tôi đề nghị cần rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền lợi của người dân, chất lượng môi trường nơi có đầu tư xây dựng hồ, đập thủy điện. Tôi đặc biệt đồng tình với việc Chính phủ loại khỏi quy hoạch 405 dự án và không xem xét đưa vào quy hoạch 172 dự án vị trí tiềm năng thủy điện nhỏ.
Tuy nhiên, tổng số dự án bị loại khỏi quy hoạch chiếm tới 33,2% trong khi tổng số công suất chỉ có 4,8%. Điều này chứng tỏ các dự án bị loại chỉ là thủy điện nhỏ. Cá biệt có tỉnh có tới 50-70 dự án bị loại, cho thấy tình trạng quy hoạch chưa được kiểm soát tốt. Thiết nghĩ không chỉ dừng lại ở việc rà soát 149 dự án thủy điện nhỏ và chín dự án thủy điện bậc thang mà cần tiếp tục rà soát, kiểm soát kỹ lưỡng chất lượng của 815 dự án thủy điện còn lại, kể cả đối với 268 dự án đang vận hành và 205 dự án đang xây dựng. Trước những diễn biến rất phức tạp, việc xác định mức độ tác động như thế nào của các công trình thủy điện để bảo đảm cùng lúc hai vấn đề tăng trưởng và bền vững là khó khăn.
Chúng ta không khỏi xót xa khi chứng kiến hàng trăm nghìn người chỉ sau một đêm bỗng chốc không nhà, không gia đình, không bà con thân thuộc vì những phẫn nộ của thiên tai. Tôi tin rằng mỗi người trong chúng ta đều trăn trở với những quyết định có tác động đến tương lai của các số phận khác, cuộc đời khác, lại hầu hết là những người dân nghèo khổ, bị động và vô cùng nhỏ bé trước sự tàn phá ghê gớm của thiên tai.
ÔNG HUỲNH MINH THIỆN (ĐẠI BIỂU TP HỒ CHÍ MINH):
Các nhà máy thủy điện đã đóng góp 48% công suất, 44% sản lượng điện của cả hệ thống điện, đã nói lên vai trò tích cực của thủy điện.
Hơn thế nữa, đây là nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo, giá rẻ hơn các nguồn điện khác.
Công bằng mà nói, thành tựu về thủy điện trong thời gian qua là sự nỗ lực lớn của Chính phủ và các bộ, ngành. Việc quy hoạch thủy điện thời gian qua, đặc biệt đối với thủy điện nhỏ, có sự chủ quan, dễ dãi, buông lỏng, nhiều vùng quy hoạch hoàn toàn thiếu những thông tin về địa hình, địa chất, khí tượng, thủy văn; trong khi năng lực chuyên môn của một số cơ quan chức năng, đơn vị tư vấn, giám sát chưa đáp ứng yêu cầu. Nhà đầu tư thủy điện nhỏ đã không thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc thực hiện cho có để đối phó. Nhiều chủ đầu tư đã lách luật, ngoài việc sử dụng diện tích rừng được phê duyệt để xây dựng thủy điện còn lấy sang diện tích lân cận để khai thác gỗ trái phép. Trong khi đó lại buông lỏng việc trồng rừng thay thế, khiến tài nguyên, động vật, thực vật, khoáng sản của rừng bị tàn phá cạn kiệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đất, nước, không khí và sinh vật của khu vực. Vậy nên những nơi có dự án thủy điện, bắt buộc phải làm rõ diện tích rừng cần thay thế và tổ chức việc trồng rừng thay thế bù vào. Cũng cần có ngay giải pháp khắc phục việc 40% số đập chưa được kiểm định, tính toán dòng chảy, khắc phục 78% số đập chưa có phương án phòng chống lũ bão. Nên chăng loại hẳn các dự án thủy điện nhỏ đang tạm dừng và thay vào đó là các giải pháp điện gió, điện mặt trời?
ÔNG NGUYỄN THÁI HỌC (ĐẠI BIỂU PHÚ YÊN):
Ai cũng biết, đời sống người dân tái định cư tại các công trình thủy điện còn rất khó khăn. Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi khảo sát tỷ lệ hộ nghèo của 15 dự án thủy điện thấy: Tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung là 36,6%, cao gấp hơn ba lần tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung của cả nước. Trong khi đó nhiều địa phương tỷ lệ hộ nghèo cao như thủy điện Hòa Bình 43%, thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An) 89%, thủy điện Đồng Nai 3: 60%, thủy điện Sông Hinh (Phú Yên) hơn 90%. Nguyên nhân của thực trạng này xuất phát từ những bất cập trong quá trình thực hiện chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư. Cụ thể là thiếu quỹ đất sản xuất để giao cho các hộ dân tái định cư, chưa quan tâm việc chuyển đổi nghề nghiệp và đào tạo nghề cho người dân. Nếu không tháo gỡ nhanh thì về lâu dài người dân tái định cư còn phải đối mặt với nhiều khó khăn về đất ở, đất sản xuất cũng như lo cái ăn, cái mặc thường ngày. Tôi không phủ nhận mặt tích cực của các công trình thủy điện, nhất là các công trình thủy điện lớn, trọng điểm của quốc gia được đầu tư xây dựng rất có hiệu quả góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhưng thực tế cho thấy nhiều chủ đầu tư các công trình thủy điện không tuân thủ quy định của pháp luật. Họ được khai thác và hưởng lợi từ nguồn tài nguyên, đất đai, rừng, mặt nước, lợi nhuận thu từ thủy điện, từ nguồn tài nguyên quốc gia được chia cho một nhóm người, vì phần lớn các doanh nghiệp này đã được cổ phần hóa, nhóm người này ngày một giàu lên. Trong khi đó người dân ở những vùng tái định cư, mà phần lớn là những đồng bào thiểu số, đã khó khăn lại phải hy sinh nhà cửa, ruộng vườn cho công trình nên đang ngày một nghèo đi, khó khăn hơn. Càng sớm càng tốt, cần có chính sách cụ thể khắc phục sự thiếu bình đẳng, mất công bằng giữa chủ đầu tư, chính quyền địa phương và người dân trong quá trình triển khai thực hiện dự án thủy điện.
Nên chăng loại hẳn các dự án thủy điện nhỏ đang tạm dừng và thay vào đó là các giải pháp điện gió, điện mặt trời? |