Nói không với túi nhựa

Một năm qua, ở Kenya hầu như không còn thấy bóng dáng của những chiếc túi nhựa một thời đã từng tràn ngập mọi ngõ ngách trong các thị trấn, các khu nhà ổ chuột. Quang cảnh sạch sẽ đáng ngạc nhiên đang thay đổi căn bản cuộc sống của người dân. Sông ngòi sạch hơn, dây chuyền lương thực ít nhiễm nhựa hơn và ít “toilet bay” hơn.

Ảnh trong bài: Túi bằng nguyên liệu thân thiện môi trường từng bước thay thế túi nhựa ở Kenya.
Ảnh trong bài: Túi bằng nguyên liệu thân thiện môi trường từng bước thay thế túi nhựa ở Kenya.

Cái kết của những “toilet bay”

Lệnh cấm túi nhựa với mức hình phạt cực kỳ nghiêm khắc: bốn năm tù giam hay 38.000 USD cho bất cứ ai sản xuất, bán hay thậm chí chỉ mang một cái túi nhựa có hiệu lực từ cuối tháng 8 năm ngoái, giờ đây chính quyền quốc gia châu Phi này đã thừa nhận những thắng lợi bước đầu. Những thay đổi là hiện hữu khi trước đây, những đống rác thải cao ngất từ túi nhựa là một cảnh tượng phổ biến ở đây và nhiều nước châu Phi khác. Túi nhựa bỏ đi vương vãi khắp các đường phố, làm tắc nghẽn cống và các dòng chảy, hủy hoại đất và nguồn nước cũng như các con vật ăn phải nhựa. Bộ trưởng Môi trường Kenya Judy Wakhungu nói rằng túi nhựa phải mất từ 20 đến 1000 năm để phân hủy. “Túi nhựa là thách thức lớn nhất đối với việc quản lý chất thải rắn ở Kenya. Nó trở thành cơn ác mộng về môi trường mà chúng tôi phải đánh bại bằng mọi cách”, bà nói. Lệnh cấm này đánh dấu lần thứ ba giới chức cố cắt giảm việc sử dụng túi nhựa ở Kenya, nơi ước tính có tới 100 triệu túi nhựa được sử dụng tại các siêu thị mỗi năm.

Ông David Ong’are, Giám đốc thực thi Cơ quan quản lý môi trường quốc gia (NEMA) nói: “Phố xá giờ sạch sẽ hơn mang lại cảm giác tốt hơn. Bạn không còn nhìn thấy những túi ni-lông bay phấp phới trên phố khi gió thổi. Sông ngòi, cống rãnh ít tắc nghẽn hơn. Ngư dân bên bờ biển và hồ Victoria chỉ còn thấy một vài túi mắc vào lưới của họ”. Ông nói rằng trong các lò mổ đã từng tìm thấy nhựa trong ruột của gần ba trong số 10 động vật được đưa tới đó. Giờ con số này giảm xuống chỉ còn một. Chương trình môi trường Liên hợp quốc cũng cho biết trước đây trong một con bò có thể tìm thấy tới 20 túi nhựa, gây nên nỗi lo sợ thịt bò nhiễm nhựa. Chính phủ đang tiến hành một cuộc phân tích đúng đắn để đánh giá tác động tổng thể của biện pháp này.

Ở những thị trấn lụp xụp, người dân không còn phải chứng kiến những “toilet bay” nữa. Trước đây một số người có thói quen xả thẳng vào túi nhựa, buộc lại và ném lên mái nhà, một sự tiện lợi khiến nhiều người khiếp đảm. “Tôi không biết “toilet bay” bắt đầu từ lúc nào, nhưng chúng không tốt. Bạn không bao giờ biết chúng sẽ “hạ cánh” ở đâu hoặc khi nào chúng sẽ rơi xuống theo mưa. Xe lăn của tôi thường xuyên lăn qua túi và xé rách chúng khiến mùi hôi bám vào bánh xe rất ghê” - ông Johnson Kaunange, một người sử dụng xe lăn nói.

Ở cộng đồng Mathare đây là một tin tốt. Từ khi lệnh cấm được ban hành, ngày càng có nhiều người sử dụng toilet công cộng, với mức phí 5 shilling Kenya cho một lần sử dụng hay 100 shilling cho cả gia đình trong một tháng. Sau khi “toilet bay” bị cấm triệt để “số người sử dụng cao hơn trước nhiều. Chúng tôi đã từng chỉ có khoảng 300 người sử dụng một ngày, giờ là hơn 400 người”, ông Caleb Omondi , một quan chức thành phố nói.

Rất cần một giải pháp thay thế

Lệnh cấm đã chứng tỏ có hiệu lực trong toàn xã hội dù thói quen chưa hoàn toàn biến mất. Trong hàng trăm người đi bộ trên phố vẫn lác đác có một, hai người mang hoặc bán túi nhựa. Anh Elijia nói rằng phải sử dụng túi nhựa để mang lá khat theo bởi nó giữ ẩm tốt hơn nhiều so với túi giấy. Cô Esther, một người bán khoai rán với giá 20 shilling một túi, thở dài khi nói về vấn đề này. Cô đã mua những chiếc túi tự phân hủy sinh học để cố gắng đáp ứng yêu cầu của lệnh cấm, nhưng rõ ràng là nó đang ở bên rìa giới hạn. Loại túi mới này đắt gấp sáu lần túi nhựa nhưng khách hàng không trả thêm tiền và không có trợ cấp từ chính phủ nên cô phải trả thêm phụ phí này. “Việc kinh doanh của tôi bị ảnh hưởng lớn. Tôi không chống lại việc cấm túi nhựa nhưng lẽ ra phải có biện pháp thay thế giá rẻ”, cô nói. Tất nhiên bất cứ lệnh cấm nào đi cùng với sự ép buộc và điều này không phải lúc nào cũng dễ chịu.

Chính quyền cũng đã trừng phạt thẳng tay những người bán túi nhựa. Vào tháng 2, hơn 50 người bị bắt trong cuộc khám xét ở Mombasa, Kisii, Keroka và Bomet. Giới chức cũng đóng cửa chợ Burma ở Nairobi vì không chịu tuân thủ quy định. Ở Mathare, khu ổ chuột có gần nửa triệu người sinh sống, một người kinh doanh tên Onya đã bị bắt sau khi cảnh sát bắt được anh ta sử dụng túi nhựa để bán đầu gà. Thẩm phán phạt anh ta 15.000 shilling Kenya, thấp hơn nhiều mức phạt cao nhất nhưng tương đương sáu tuần làm việc. Luật mới có vẻ quá nghiêm khắc, một khách hàng của anh nói. Một người bán hàng khác đề nghị khách hàng mang bát hay túi vải theo khi đi mua hàng. Nhưng cả hai thứ đều bất tiện bởi bát dễ đổ còn túi vải thì đắt.

Những người buôn bán nhỏ và các nhà sản xuất túi nhựa phàn nàn lệnh cấm khiến lợi nhuận sụt giảm cũng như nhiều người sẽ mất việc. Ông Samuel Matonda ở Hiệp hội các nhà sản xuất Kenya nói: “Lệnh cấm làm lay động nền kinh tế. Trong một vài lĩnh vực, việc kinh doanh chững lại”. Ông cho rằng chính sách này nên được áp dụng dần dần. Ước tính 80% công ty bị ảnh hưởng, 176 nhà máy sản xuất túi nhựa phải đóng cửa và gần 100.000 người bị sa thải. Tuy vậy ông cũng thừa nhận: “Lệnh cấm đã làm tăng nhận thức về nhu cầu có một môi trường sạch sẽ. Chúng ta đã đạt được nhiều thứ trong sáu tháng hơn hẳn so với 5 năm qua”.

Bộ Môi trường nói rằng thái độ của các nhà sản xuất đã thay đổi. Các công ty giờ tự đưa ra giải pháp cho mình. Với các chai nhựa PET đang trong tầm ngắm của chính phủ, các công ty đề nghị một chương trình tự quản lý nhằm tổ chức thu gom và tái chế sau khi sử dụng.

Khoảng hơn 10 quốc gia châu Phi hiện đã đánh thuế, cấm hoàn toàn hoặc một phần túi nhựa bao gồm Rwanda, Mauritania, Nam Phi và một số nước Đông Phi. Tiến sĩ Arnold Kreilhuber, phụ trách Luật môi trường quốc tế tại Cơ quan môi trường Liên hợp quốc nói: “Nên thúc giục các nước khác trên thế giới cấm túi nhựa và những sản phẩm nhựa dùng một lần chứ không chỉ ở châu Phi. Việc bàn bạc, trao đổi ý kiến trong dân cũng rất quan trọng nhằm bảo đảm giai đoạn chuyển giao thuận lợi khi lệnh cấm được thực hiện. Cấm túi nhựa là một thắng lợi lớn, nhưng nó chỉ là bước đầu. Chúng ta cần đầu tư nhiều vào việc quản lý rác thải để bảo đảm cho người dân Kenya một môi trường sạch sẽ và lành mạnh”.

Những người ủng hộ lệnh cấm ở Kenya cho rằng nó sẽ thúc đẩy một xu hướng kinh doanh mới. Trên thị trường hiện đã bán những chiếc túi giấy, bìa, giỏ tre hay túi vải dùng nhiều lần. NEMA cũng thúc giục những nhà bán lẻ và những chủ cửa hàng tìm kiếm nguyên liệu bao gói thay thế như giấy, thép, hay tre, những túi mua hàng có thể phân hủy hoặc tái sử dụng làm từ tinh bột, ngô hay khoai tây.

Nói không với túi nhựa ảnh 1