Cho đến ngày 26/11, giao tranh vẫn tiếp diễn khốc liệt tại miền nam Lebanon, với việc quân đội Israel tuyên bố rằng họ đã không kích khoảng 30 mục tiêu của lực lượng Hezbollah ở khu vực này, bao gồm cả al-Noueiri, một địa bàn đông dân cư ở trung tâm thủ đô Beirut của Lebanon.
Cùng ngày, Chính phủ Israel nhóm họp, chung quanh khả năng đàm phán thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức. Đây là điều cũng đã được Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) thúc đẩy, tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao của nhóm đang diễn ra. Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Ngoại giao G7 nhấn mạnh: “Chúng tôi ủng hộ cuộc đàm phán đang diễn ra về lệnh ngừng bắn ngay lập tức giữa Israel và Hezbollah. Giờ là lúc để dàn xếp một giải pháp ngoại giao”, như “con đường duy nhất để khôi phục an ninh” cho người dân ở Lebanon và miền bắc Israel.
Thông tin về những cuộc đàm phán này được tờ The New York Times dẫn nguồn tin từ hai quan chức Israel hé lộ vào ngày 25/11: Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có khả năng chấp nhận ngừng bắn trong cuộc xung đột kéo dài một năm qua với Hezbollah, dưới sức ép buộc ông phải hoàn tất một thỏa thuận trước Lễ Tạ ơn (ngày 28/11) từ phía Mỹ.
Theo những phác thảo, thỏa thuận ngừng bắn sẽ bao gồm việc quân đội Israel rút khỏi Lebanon trong vòng 60 ngày, trong khi lực lượng chiến binh Hezbollah sẽ di chuyển lên phía bắc, ra xa hơn biên giới Israel. Đồng thời, quân đội Lebanon sẽ triển khai đến miền nam nước này, nhằm bảo đảm Hezbollah ở lại phía bắc sông Litani, trên thực tế là tạo ra một vùng đệm dọc theo biên giới Israel.
Một cách ngắn gọn, nếu được thực thi, lệnh ngừng bắn này sẽ chính thức là một thỏa thuận giữa Israel, Lebanon và các quốc gia trung gian, bao gồm cả Mỹ. Và không chỉ G7, Iran - đồng minh và cũng là chỗ dựa chính của Hezbollah - cũng đã từng ủng hộ một thỏa thuận ngừng bắn như vậy, hồi đầu tháng 11.
Điểm tồn tại mấu chốt gây tranh cãi mà truyền thông quốc tế tập trung, như thể bản kế hoạch chắc chắn sẽ được thực thi, là chuyện: Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khăng khăng bảo lưu quyền nối lại các hành động quân sự, trong trường hợp phía Hezbollah phá vỡ lệnh ngừng bắn. Tuy vậy, trên thực tế, điều đáng quan ngại hơn lại là việc: Cho dù trở thành hiện thực, lệnh ngừng bắn 60 ngày này cũng khó có thể trở thành “điểm kết của cuộc chiến”.
Đúng, nếu hiện hữu, nó sẽ là khoảng dừng vô giá để cộng đồng quốc tế có cơ hội ngăn chặn sự hình thành của một cuộc khủng hoảng nhân đạo nữa tại Lebanon - quốc gia vốn đã bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề bởi các hệ lụy của xung đột, từ trước khi chiến sự bùng nổ vào năm ngoái.
Và đúng, nếu hiện hữu, thỏa thuận này sẽ là bàn đạp để hướng tới và thực hiện những bước tiến gấp gáp hơn, nhằm vãn hồi hòa bình và cứu sống thêm các sinh mạng, trong hoang tàn của Dải Gaza hay Bờ Tây.
Nhưng, đây cũng không phải lần đầu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bị đặt dưới nhiều áp lực đến vậy, và ở mọi lần trước, ông cũng đều đã chứng tỏ được một sự kiên định đến tàn nhẫn, với những tín điều mà ông cho rằng sẽ là cách tốt nhất để phục vụ lợi ích dân tộc mình. Từng có một lệnh ngừng bắn ngắn ngủi được Israel và Hezbollah thực thi khoảng thời gian này năm ngoái. Ngay sau đó, các cuộc giao tranh lại bùng lên, dữ dội và tàn khốc gấp bội.
12 tháng sau, có thể tin rằng người đứng đầu Chính phủ Israel vẫn sẵn sàng tái hiện sự cứng rắn đó, đặc biệt là khi tương quan nguồn lực và vị thế hai bên đã thay đổi.
Ở đây, việc phát đi những tín hiệu sẵn sàng đàm phán thỏa thuận ngừng bắn, nhằm tạm thời tránh nguy cơ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đơn phương ra nghị quyết buộc Israel chấm dứt các hành động quân sự ở miền nam Lebanon là một chuyện. Cơ hội đánh giá lại tình hình và tái tổ chức lực lượng cũng như các cấu trúc an ninh, trong vòng 60 ngày - cũng là khoảng thời gian chờ đợi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump chính thức tiếp nhiệm - là một chuyện khác. Và những gì thật sự sẽ diễn ra, sau 60 ngày ngưng tiếng súng, thì lại là một câu chuyện khác nữa...