Trên bậc thềm lịch sử

Đến tận ngày 19/8, Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ Mỹ mới diễn ra. Song, ngay từ ngày 30/7, một chiến dịch quảng bá vận động tranh cử rầm rộ trị giá tới 50 triệu USD đã được Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tiến hành, với khát vọng khắc vào lịch sử chính trường Mỹ một dấu mốc vô tiền khoáng hậu.
0:00 / 0:00
0:00
Trên bậc thềm lịch sử

NÓI như vậy, bởi nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, bà Kamala Harris sẽ vừa trở thành nữ tổng thống đầu tiên, đồng thời cũng sẽ là nữ tổng thống da mầu đầu tiên của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Hình ảnh ấy còn giàu tính biểu tượng gấp bội, so với những gì mà bà Hillary Clinton - ứng viên của đảng Dân chủ kỳ bầu cử năm 2016 từng hướng đến - trước khi bị đánh bại bởi một đối thủ "tay ngang" (cũng chính là ứng viên đảng Cộng hòa hiện tại, Donald Trump).

Nhưng lần này, những người ủng hộ bà Kamala Harris đang chờ đợi một kết cục khác, như mục tiêu mà chính bà khẳng định: "Chúng ta sẽ chiến thắng!", sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố từ bỏ nỗ lực tái tranh cử.

Và theo một kết quả thăm dò được hãng CNN thực hiện, khoảng cách về tỷ lệ ủng hộ giữa ông Donald Trump với bà Kamala Harris đã được thu hẹp với tốc độ chóng mặt, để chỉ còn là 49%-46%. Sau đó nữa, như Bloomberg cùng Morning Consult khảo sát, bà Kamala Harris tiếp tục xoay chuyển tình thế ở một số "bang chiến địa": Vượt lên dẫn trước 11 điểm phần trăm tại bang Michigan, và hai điểm phần trăm ở các bang Arizona, Wisconsin, Nevada.

RÕ ràng, "nữ tướng" của đảng Dân chủ đang sở hữu những ưu thế rất lớn. Sinh khí mà bà mang tới (dù đã 59 tuổi) xua tan đi mọi nghi ngờ về vấn đề sức khỏe. Thông điệp mà bà đưa ra trong video vận động tranh cử cũng trực diện và giàu sức hiệu triệu: "Fearless! (Không sợ hãi!), đặc biệt là với nhóm cử tri trẻ, phụ nữ, da mầu hay nhóm nói tiếng Tây Ban Nha (nghĩa là có gốc gác nhập cư). Không chỉ vậy, bà còn là đương kim Phó Tổng thống, một sự bảo đảm kín đáo về tính kế thừa.

Trên hết, sự xuất hiện của bà Kamala Harris trên "tuyến đầu", sau cuộc "thay ngựa giữa dòng" của đảng Dân chủ, lại diễn ra hết sức trơn tru và thuận lợi, với sự đồng thuận đáng ngạc nhiên. Có lẽ, điều này xuất phát từ việc bà được giới thiệu và hậu thuẫn công khai bởi chính những "ngọn cờ" của đảng Dân chủ, như cựu chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, hay vợ chồng cựu Tổng thống Barack Obama. Ngay cả Tổng thống Joe Biden (cho dù chỉ mới vài tuần trước vẫn còn nhất quyết tuyên bố sẽ không từ bỏ đường đua), sau khi lùi lại, cũng hết lời ca ngợi bà Kamala Harris: "Nhiều kinh nghiệm, mạnh mẽ, và giàu năng lực".

Do đó, chỉ trong vòng một tuần kể từ khi trở thành "Người được chọn", quỹ vận động tranh cử của bà Kamala Harris đã thu hút được tới gần 200 triệu USD, mà 66% số người đóng góp trong đó là những gương mặt mới" (theo Reuters).

MẶC dù vậy, ngưỡng cửa vinh quang nào cũng vẫn tiềm ẩn rất nhiều cạm bẫy – như tiếng vọng lịch sử từ tấm gương của bà Hillary Clinton ngày trước.

Cựu Tổng thống Donald Trump chưa bao giờ là một đối thủ dễ bị đánh bại, trong suốt ba kỳ tranh cử, nhất là tại những cuộc tranh luận trực tiếp. Ông cũng đang nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ đảng Cộng hòa, và cũng đã tạo nên những ấn tượng mạnh mẽ đối với các cử tri trung lập, sau vụ ám sát hụt ở Pennsylvania.

Hơn cả, thách thức lớn nhất đối với bà Kamala Harris sẽ không phải là so kè về sức hút hình ảnh cá nhân, mà là một chương trình hành động thực tế, với những giải pháp kinh tế-xã hội. Bối cảnh hiện tại (giá thực phẩm đã tăng 21% kể từ khi ông Biden và bà Harris lên cầm quyền đầu năm 2021, giá năng lượng tăng 33% và giá nhà ở tăng 18,5%; mức nợ công tăng khoảng 25%, và dự báo thâm hụt ngân sách liên bang sẽ lên đến gần 2.000 tỷ USD trong năm nay) là những phương trình cực kỳ hóc búa, mà bà Kamala Harris bắt buộc phải đối diện.

Những vấn đề ấy, không nghi ngờ gì, sẽ là mục tiêu công kích mà đối phương không thể bỏ qua…