Thách thức từ tương lai

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã chính thức có một Tổng Thư ký mới, ông Mark Rutte, cựu Thủ tướng Hà Lan. Song thật sự, liệu có phải một trang mới trong lịch sử đã được lật qua hay không thì chưa ai dám chắc.
Tân Tổng thư ký NATO Mark Rutte.
Tân Tổng thư ký NATO Mark Rutte.

Trong bài phát biểu vào buổi lễ tiếp nhận cương vị từ người tiền nhiệm Jens Stoltenberg, ông Mark Rutte khẳng định quyết tâm chuẩn bị cho liên minh quân sự lớn nhất thế giới và xuyên Đại Tây Dương đối phó những thách thức trong tương lai.

Cho dù không nói rõ, theo một phong cách "ngoại giao" nhất có thể, nhưng bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được những điều ông Mark Rutte muốn đề cập. Bởi, ngay sau đó, chúng đều được hé lộ một cách "tinh tế".

Ngoài việc cho rằng NATO vẫn sẽ phải thực hiện những cam kết đã đưa ra với Ukraine, trong cuộc xung đột hiện tại mang tên "chiến dịch quân sự đặc biệt" của nước Nga ở miền đông Ukraine, tân Tổng Thư ký NATO còn nhấn mạnh rằng, ông sẽ có thể làm việc "với bất kỳ ứng cử viên nào thắng cuộc trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 diễn ra vào tháng 11 tới", dù là cựu tổng thống Donald Trump hay bà Kamala Harris.

Và chỉ cần thế thôi, giới quan sát quốc tế cũng đã có thể nhận ra nhiều vấn đề "tế nhị".

Đầu tiên, trên thực tế, NATO đang đứng trước những thách thức to lớn, về vị thế đích thực của mình.

Đến đầu tháng 3/2024, trên lý thuyết, khối liên minh quân sự lớn nhất thế giới đã có thêm một bước phát triển, với sự tham gia của hai quốc gia Bắc Âu là Thụy Điển, tiếp nối Phần Lan (gia nhập tháng 4/2023).

Mặc dù vậy, trong một thế giới đang vận động theo quỹ đạo đa cực hóa, khả năng răn đe của NATO dường như tỷ lệ nghịch với biên độ mở rộng. Chúng ta đang không chỉ nói đến cuộc chiến ở Ukraine, nơi nước Nga còn chưa thật sự kích hoạt toàn bộ tiềm lực quân sự, mà vẫn chỉ kiềm chế mức độ hoạt động trong khái niệm "chiến dịch quân sự đặc biệt", để chờ đợi và sẽ có những biện pháp tương ứng với cách NATO thể hiện. Chúng ta còn đang nói đến "lò lửa" Trung Đông, và nhất là những hành động thù địch của lực lượng Houthi trên Hồng Hải, khiến cho không ít hãng vận tải hàng đầu thế giới phải tái định tuyến hải trình. Cho đến lúc này, không như trước đây hơn mười năm, NATO vẫn đang có động thái "hiền hòa" đáng ngạc nhiên, so với "thói quen" cũ (nếu chúng ta nhớ Libya hay Serbia đã từng phải chịu đựng những gì).

Song, hơn thế, điều tân Tổng Thư ký NATO úp mở về người đứng đầu nước Mỹ trong nhiệm kỳ tới mới thật sự là vấn đề hệ trọng.

Một cách thẳng thắn, nếu như ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ, ông sẽ nối lại những kế hoạch gây tranh cãi còn để ngỏ, như chuyện đòi hỏi các đồng minh châu Âu đóng góp nhiều hơn, "giàu trách nhiệm hơn" vào chi phí quốc phòng chung của toàn khối.

Cũng từ đó, câu chuyện về một "quân đội châu Âu" biệt lập với NATO rất có thể sẽ được hồi sinh, sau bốn năm tạm yên ngủ. Và cũng từ đó, thách thức lớn nhất đè nặng lên ông Mark Rutte chính là việc tạo ra sự đồng thuận trong NATO. Hiện tại, chỉ có 23 trong số 32 quốc gia thành viên đạt mục tiêu chi tiêu 2% GDP cho quốc phòng. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, con số này có thể cần tăng lên 2,5%, để sẵn sàng trước các thách thức những đối thủ đã bị chính họ công khai "điểm mặt chỉ tên". Sự phân hóa, trong bối cảnh tình hình tăng trưởng kinh tế cụ thể đang có chiều hướng không mấy khả quan, khiến không phải nước thành viên NATO nào cũng sẵn lòng gia tăng mức chi tiêu cho ngân sách quân sự - điều đang dần dần tạo nên những sự phân hóa rõ rệt.

Nói rộng hơn, về cấu trúc và vai trò, NATO đang có những mâu thuẫn khá lớn với Liên minh châu Âu (EU), khi khối này cũng đang cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc nhiều mặt vào nước Mỹ, đất nước lãnh đạo NATO. Với tư cách là cựu Thủ tướng Hà Lan, tố chất lãnh đạo của ông Mark Rutte được kỳ vọng sẽ giải quyết được các vấn đề phức tạp mà NATO đang đối diện, kể cả nhu cầu thay đổi về cơ chế hoạt động trong trung và dài hạn, nhằm củng cố vị thế giữa thế giới đa cực.

Tuy nhiên, với quá nhiều biến số trước mắt, câu trả lời cuối cùng, có lẽ, cũng vẫn phải đợi thời gian…