Thế giới, trên những lằn ranh đỏ

Vấn đề không còn là cuộc đối đầu quân sự Israel - Iran sẽ nổ ra vào thời điểm nào, mà điều duy nhất quan trọng chỉ có thể là việc: Làm thế nào để dập tắt ngọn lửa xung đột? Bởi, với toàn bộ cộng đồng quốc tế, "cuộc chiến đa mặt trận" mà Tel Aviv tự xác định cho mình đó sẽ có thể tạo nên chồng chất những tàn phá và tổn thương, cho tất cả.
Hệ thống phòng thủ Vòm Sắt (Iron Dome) của Israel liên tục phải hoạt động, nhằm ngăn chặn hỏa tiễn đối phương.
Hệ thống phòng thủ Vòm Sắt (Iron Dome) của Israel liên tục phải hoạt động, nhằm ngăn chặn hỏa tiễn đối phương.

NGÀY 6/8, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính thức cảnh báo: Các công dân Việt Nam không nên đến Lebanon, Iran và Israel trong thời điểm này, do tình hình căng thẳng giữa Israel với Lebanon và Iran gia tăng và diễn biến phức tạp. Đối với những công dân đang ở Lebanon, Bộ Ngoại giao khuyến cáo cần sớm sơ tán người và tài sản đến nước thứ ba hoặc về Việt Nam.

Không chỉ Việt Nam, hàng loạt quốc gia trên thế giới, bao gồm cả những cường quốc hàng đầu - thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc như Mỹ, Anh hay Pháp cũng đã đưa ra những thông báo tương tự. Thế giới nín thở chờ đợi "thùng thuốc súng" Trung Đông bùng nổ - điều dường như khó tránh khỏi, sau khi nó đã được châm ngòi bằng những vụ sát hại thủ lĩnh lực lượng Hamas, ông Ismail Haniyeh, ngay trong lãnh thổ Iran cùng chỉ huy cấp cao của Hezbollah, ông Fuad Shukr, tại Lebanon.

Những giới hạn cuối cùng đã bị phá vỡ, đến mức độ từ bên kia Đại Tây Dương, Tổng thống Mỹ Joe Biden phải than thở rằng các sự vụ chấn động đó "làm ảnh hưởng trầm trọng đến nỗ lực đàm phán hòa bình ở Trung Đông". Và, như một hệ quả tất yếu, trước nguy cơ chiến tranh, hàng loạt guồng máy kinh tế-xã hội theo nhau ngưng trệ.

MỖI ngày chờ đợi cuộc chiến thảm khốc khai màn, là một ngày thị trường chứng khoán toàn cầu thêm trở nên hỗn loạn. Đơn cử, ngày 5/8, "bão tố" quét qua hàng loạt sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới, để lại sắc đỏ kinh hoàng đối với mọi nhà đầu tư. Chỉ số chứng khoán Nikkei 225 trên sàn giao dịch Tokyo giảm khoảng 7% với biên độ dao động của chỉ số tăng 50%, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020. Chỉ số chứng khoán KOSPI của Hàn Quốc cũng giảm 8,8%, mức giảm lớn nhất kể từ năm 2008. Tại Mỹ, cuối phiên 5/8, chỉ số Dow đã giảm khoảng 1.000 điểm, Nasdaq giảm gần 4%. Tại châu Âu, chỉ số Stoxx 600 khu vực giảm 2,54%. Bóng dáng một đợt suy thoái kinh tế toàn cầu mới đã lại lờ mờ hiện lên, khi thậm chí nền kinh tế thế giới còn chưa kịp hồi phục sau những "vết thương" cũ.

Trong trùng điệp rủi ro vây phủ, nỗi sợ hãi về nguy cơ bất ổn địa chính trị mang đến những tác động có tính chất quyết định. Bởi lẽ, vào thời điểm mà Tehran hành động đáp trả Tel Aviv, điều đó có nghĩa là toàn bộ khu vực Trung Đông - vừa là "rốn dầu"của thế giới, vừa là khu vực có những tuyến đường hàng hải huyết mạch - sẽ chìm trong bão lửa, và mọi guồng máy sản xuất - kinh doanh đều sẽ tê liệt.

Nhưng chưa hết, đối với không ít chuyên gia phân tích quốc tế, đây sẽ còn là "điểm nóng cục bộ" của cuộc chiến tái định hình trật tự thế giới, với tính chất quốc tế hóa như một dạng thức phác thảo cho "Chiến tranh thế giới thứ ba", qua các khía cạnh toàn diện bao trùm. Chúng ta đã thấy nước Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực, với cả những chiến hạm cũng như các phi đội tiêm kích bổ sung, trong lúc Israel ráo riết chuẩn bị cho những trường hợp bị tập kích. Ngược lại, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Sergei Shoigu cũng đã công du tới Iran, vào thời điểm mà Tehran tiến hành lên các kế hoạch, "tập hợp lực lượng", hoạch định các phương án công kích.

TUY nhiên, có thể khẳng định: Từ các trung tâm quyền lực như Nga hay Mỹ, tới Liên hợp quốc, qua những quốc gia láng giềng trong khu vực như Ai Cập hay khối Arab, đến cả những đất nước xa xôi như Việt Nam, không ai muốn cuộc chiến này diễn ra. Hoặc, trong tình huống xấu nhất, nó cũng cần phải được khép lại trong thời gian sớm nhất, với ít hậu quả để lại nhất.

Đây chắc chắn không thể là "chuyện riêng" của Iran và Israel. Trong những ngày này, kể cả khi lác đác đã có hỏa tiễn của lực lượng Hezbollah nhắm tới miền bắc Israel, khi Tel Aviv không giấu giếm ý định tấn công phủ đầu nhằm giành ưu thế, và khi Tehran tái khẳng định về quyết tâm "trừng phạt" của họ, thì giới ngoại giao các nước vẫn nỗ lực chạy đua với thời gian, để cứu vãn những gì có thể.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken kêu gọi tất cả các bên ở Trung Đông tránh leo thang, và nhấn mạnh: Điều cấp bách là tất cả các bên cần đưa ra lựa chọn đúng đắn trong thời gian tới. Cùng lúc, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) triệu tập một cuộc họp bất thường của Ủy ban điều hành ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao, vào ngày 7/8, nhằm thảo luận về tình hình diễn biến thực tế, cũng như đánh giá các hậu quả thảm khốc mà xung đột trên Dải Gaza mang lại.

Trong khi đó, Ai Cập cũng vẫn không từ bỏ nỗ lực ngăn chặn căng thẳng leo thang. Tổng thống Abdel-Fattah El-Sisi đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden, còn Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Badr Abdelatty liên tục kết nối với những người đồng cấp Trung Quốc và Jordan. Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định Bắc Kinh kiên quyết phản đối cũng như lên án mạnh mẽ những hành động làm suy yếu nỗ lực thúc đẩy hòa bình và khiến lệnh ngừng bắn ở Gaza càng trở nên khó đạt được. Ông cũng khẳng định rằng Trung Quốc sẽ tăng cường đoàn kết với các nước Arab và hợp tác với tất cả các bên để tránh căng thẳng leo thang khiến tình hình xấu đi.

Tại một diễn biến khác, trong tuyên bố chung, Bộ trưởng Ngoại giao Italy (nước đang giữ cương vị Chủ tịch luân phiên Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới-G7) Antonio Tajani và người đồng cấp Iraq Fuad Hussein đã đồng ý thực hiện mọi nỗ lực để tránh leo thang trong khu vực. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng kêu gọi kiềm chế ở Trung Đông khi trao đổi với các nhà lãnh đạo Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất.

Những nỗ lực gấp gáp ngay trên các lằn ranh đỏ ấy thể hiện nguyện ước chung của cả thế giới. Thế giới này không cần thêm một cuộc chiến điêu tàn nào nữa. Đã quá đủ đau thương và tang tóc, cũng như đã hao hụt quá nhiều nền tảng hòa bình và ổn định dành cho phát triển…