Cuộc "giảng hòa" hối hả

Vì sao Hội nghị lần thứ 16 các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (CBD COP16), diễn ra tại Colombia từ ngày 21/10 đến ngày 1/11, lại có chủ đề "Hòa bình với Thiên nhiên (Peace with Nature)"? Vì trên thực tế, mối quan hệ sâu sắc giữa tình trạng suy thoái đa dạng sinh học với các cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu chưa từng được coi trọng đúng mức.
0:00 / 0:00
0:00
Đa dang sinh học chưa từng được quan tâm đúng mức.
Đa dang sinh học chưa từng được quan tâm đúng mức.

Các nhà tổ chức CBD (Convention on Biological Diversity) COP16 không giấu giếm ước vọng thiết lập một cột mốc lịch sử, trong việc thu hút và gia tăng sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với "sứ mệnh" bảo vệ đa dạng sinh học trên hành tinh.

Và đến ngày 28/10, Bộ trưởng Môi trường Colombia, đồng thời cũng là Chủ tịch COP16 Susana Muhamad thông báo: Các nước thành viên tham gia COP16 đã nhất trí đặt vấn đề chống tình trạng giảm đa dạng sinh học ngang hàng với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Theo Bộ trưởng Susana Muhamad, hội nghị đã đạt được mục tiêu ban đầu là nâng tầm cho vấn đề đa dạng sinh học. Bà cũng kêu gọi sự ủng hộ đối với Quỹ Khung đa dạng sinh học toàn cầu (GBFF), nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc thực hiện Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal (GBF), được thông qua tại COP15 (diễn ra ở Canada năm 2022).

Trong quá khứ, do sự suy thoái đa dạng sinh học diễn ra chậm hơn và khó nắm bắt hơn, nên những tác động sâu rộng của nó cũng ít được quan tâm hơn, so không ít vấn đề môi trường khác, ở các dạng COP khác, đặc biệt là biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, gần đây, đã có một lá thư ngỏ được ký tên chung bởi một số lượng lớn các nhà khoa học khí hậu, nhà sinh thái học, nhà khoa học xã hội, luật gia, các nhà quản trị, các chuyên gia môi trường… gửi đến tất cả các bên liên quan chính tham gia vào CBD COP16 và Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC COP29), trong đó nhấn mạnh: "Những thay đổi về khí hậu đang tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học, trong khi mất đa dạng sinh học lại đang khuếch đại sự phá vỡ khí hậu, khiến chúng ta trở nên kém khả năng thích ứng với nó. Tuy nhiên, các chiến lược toàn cầu để đẩy lùi những cuộc khủng hoảng này lại đang được xây dựng riêng biệt, trong hai công ước quốc tế tách biệt".

Liên hợp quốc hiện tạm thời thừa nhận những mối liên kết, bằng cách gọi chung tình trạng biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường bằng khái niệm "Triple Planetary crisis" (Ba phương diện khủng hoảng cấp độ hành tinh). Nhưng rõ ràng, vẫn cần phải có những nỗ lực hành động cụ thể, với khuôn khổ chính sách chung, đồng bộ, thoát khỏi tư duy riêng lẻ.

Với cách tiếp cận ấy, GBF đặt ra 23 mục tiêu nhằm ngăn chặn và đảo ngược tình trạng suy giảm đa dạng sinh học từ nay đến năm 2030, bao gồm khôi phục và bảo tồn ít nhất 30% diện tích đất và đại dương, ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng đối với các loài động, thực vật do các hành động của con người gây ra, kiến tạo nền tảng cho việc đạt được tầm nhìn toàn cầu về một thế giới sống hòa hợp với thiên nhiên vào năm 2050.

Đã có bảy quốc gia (Áo, Đan Mạch, Pháp, Đức, New Zealand, Na Uy, Anh) cùng chính quyền tỉnh Quebec của Canada đã cam kết tài trợ 163 triệu USD, nâng tổng số tiền đã cam kết cho quỹ lên khoảng 400 triệu USD.

Đây dù sao cũng là một tín hiệu khởi đầu tích cực. Tuy vậy, khi đặt cạnh những mục tiêu to lớn mà CBD COP16 hướng tới, món "lễ vật cầu hòa" với thiên nhiên này của loài người dường như vẫn khá "đơn sơ". Nó gợi đến những liên tưởng không mấy khả quan về UNFCCC COP29 (sẽ diễn ra ngay trong tháng 11 tại Azerbaijan), với mối quan ngại chung đang được nhắc đến là dấu hiệu "hụt hơi" trong lộ trình triển khai các giải pháp bảo vệ Hành tinh Xanh, bao gồm cả các tranh cãi về đóng góp tài chính khí hậu.

Mà, như Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres vừa khẩn thiết kêu gọi hôm 24/10: Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang trong tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc". Mỗi ngày chậm trễ, cái giá phải trả sẽ lại càng đắt hơn.