ĐỘNG thái bất ngờ này được hãng CNN tiết lộ, dựa trên một bức thư do Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ký tên chung, gửi tới Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant và Bộ trưởng Các vấn đề Chiến lược Israel Ron Dermer ngày 13/10. Trong đó, các đại diện cấp cao của nước Mỹ bày tỏ sự lo ngại về tình hình nhân đạo tại dải đất phong tỏa của người Palestine, đồng thời yêu cầu “Chính phủ Israel có những hành động khẩn cấp và bền vững để đảo ngược quỹ đạo này”.
Hiện trạng khốc liệt trên Dải Gaza, sau đó, ngày 15/10, một lần nữa được Người phát ngôn của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) James Elder tô đậm: “Về cơ bản, đây là vùng đất (mà con người) không thể tồn tại được nữa”, do thiếu hàng viện trợ, cùng với các cuộc không kích liên tiếp và khoảng 85% lãnh thổ bị áp đặt lệnh sơ tán.
Thậm chí, “Mỗi ngày trôi qua, tình cảnh của trẻ em ở đây lại trở nên bi đát hơn trước”. Thế nhưng, những tuần qua, có nhiều ngày không một chiếc xe chở hàng cứu trợ hay thương mại nào được phép tiếp cận các vùng phong tỏa.
Kể từ tháng 5 vừa qua, nhiều cửa khẩu đã bị chặn. Trong khi đó, khu vực phía bắc Gaza dự kiến sẽ không nhận được thực phẩm hay hàng viện trợ trong tháng 10 này. Lượng viện trợ nhân đạo chuyển đến Gaza đã giảm hơn 50%, còn lượng viện trợ được chuyển đến trong tháng 9 đã xuống mức thấp nhất trong năm qua.
TRÊN cơ sở hiện thực đó, Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ yêu cầu Israel: Cho phép ít nhất 350 xe tải mỗi ngày vào Gaza qua cả bốn cửa khẩu chính; mở thêm một cửa khẩu thứ năm; và thực hiện lệnh tạm ngừng bắn trên khắp Gaza khi cần thiết để có thể thực hiện các hoạt động nhân đạo, bao gồm tiêm chủng và phân phối hàng viện trợ, trong ít nhất bốn tháng tới.
Phía Mỹ cũng yêu cầu Israel cho phép người dân ở khu vực nhân đạo Al-Mawasi bên trong Gaza di chuyển vào sâu bên trong nội địa trước mùa đông, đồng thời tăng cường an ninh cho các đoàn xe cũng như hoạt động nhân đạo. Nếu không, kế hoạch viện trợ trong tương lai của Mỹ dành cho Israel có thể gặp rủi ro.
Những phản hồi đầu tiên từ Tel Aviv là tương đối tích cực. COGAT- cơ quan quản lý chính sách đối với các vùng lãnh thổ của Palestine và dòng viện trợ vào dải Gaza của Israel - đã đăng tải trên Twitter: “30 xe tải đã vào miền bắc Gaza qua cửa khẩu Erez vào sáng nay… Israel sẽ tiếp tục cho phép đưa viện trợ nhân đạo vào Gaza cho người dân, song song các hoạt động phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự và quản lý của Hamas”.
THỰC tế, điều đáng quan tâm lại là chuyện: Vì sao chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden lại đột nhiên tỏ ra cứng rắn như vậy đối với Tel Aviv?
Câu trả lời nằm tại chính ưu tiên trọng tâm của nền chính trị Mỹ lúc này: Cuộc bầu cử tổng thống chuẩn bị diễn ra vào tháng 11 tới, mà cụ thể là thái độ của nhóm cử tri gốc Arab và Hồi giáo tại các bang chiến địa.
Trong kỳ bầu cử năm 2020, họ góp phần quan trọng vào chiến thắng của đương kim Tổng thống Joe Biden trước cựu Tổng thống Donald Trump - người luôn thể hiện quan điểm ủng hộ Israel vô điều kiện, nhất quán và triệt để. Song, đến hiện tại, tỷ lệ ủng hộ mà họ dành cho bà Kamala Harris, ứng viên đảng Dân chủ, đã sụt giảm đáng kể, từ khi hoạt động quân sự của Israel nhắm vào Dải Gaza bắt đầu cuối năm ngoái, mà chính quyền Mỹ không có những hành động thiết thực bảo vệ thường dân Palestine.
Ở bối cảnh cuộc so kè đang hết sức sít sao, có nhiều lý do để tin rằng: Không còn cách nào khác, Nhà trắng, Bộ Ngoại giao và Lầu Năm góc đương nhiệm bắt buộc phải đưa ra “cây gậy” răn đe, đi kèm “củ cà rốt” quân viện đối với Tel Aviv, nhằm “xoa dịu” và bảo vệ những lá phiếu từ nhóm cử tri gốc Arab - Hồi giáo.
Vấn đề là, khi hạn chót được đưa ra trong bức thư đã nêu là ngày 5/11, nghĩa là sau khi cuộc bầu cử tổng thống khép lại, thì có đủ để Ủy ban hành động chính trị người Mỹ gốc Arab bị thuyết phục không?