Thực tế, đây là một kết quả từng được nhiều nhà quan sát tiên liệu. Tuy nhiên, cách mà nó trở thành hiện thực lại hoàn toàn có thể xem là điều bất ngờ, với hàng loạt chiến thắng mà ông Donald Trump giành được trong “Ngày Phán xét” tại các bang chiến địa (swing-states) - vốn là những địa điểm thường sẽ đóng vai trò quyết định người chiến thắng.
Lần lượt Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, North Carolina, Wisconsin và Pennsylvania xác nhận uy tín vượt trội của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong đó, kể cả khi Michigan phải tiến hành kiểm đếm lại hơn 30.000 lá phiếu gửi qua đường bưu điện (do phát hiện sự cố ở các máy kiểm phiếu), thì chặng về đích của ứng cử viên bên phía đảng Cộng hòa vẫn duy trì được tốc độ vũ bão.
Ngược lại, từ khoảng 12 giờ 45 phút giờ Việt Nam (tức 21 giờ 40 phút, giờ địa phương), bà Kamala Harris đã quyết định hủy bỏ một buổi gặp gỡ những người ủng hộ mình tại Đại học Howard (Washington D.C), như một sự thừa nhận kín đáo.
Tất cả những điều đó đều trái ngược với trạng thái so kè sít sao từng điểm diễn ra trong vòng 24 giờ trước. Và nó cũng không tương thích với cuộc trả lời phỏng vấn của người vừa đắc cử vào thời điểm ấy, khi ông đề cập khả năng mình có thể một lần nữa bị đánh bại.
Song, như một câu ngạn ngữ phương Tây, “điều phải đến cuối cùng cũng đã đến”. Sẽ còn rất nhiều thời gian để các chuyên gia phân tích - bình luận quốc tế “giải phẫu” chiến thắng này từ nhiều phương diện, nhưng nguyên nhân cốt lõi có lẽ không thay đổi: Các cử tri Mỹ (kể cả giới trẻ lẫn không ít người Mỹ da mầu, và cả người Mỹ gốc Arab Hồi giáo - điều thật đặc biệt) cảm nhận được rằng họ nên lựa chọn Donald Trump, người có cương lĩnh tranh cử bám sát và phục vụ những lợi ích thiết thực, sát sườn của họ nhiều hơn, với các ý tưởng cụ thể chứ không mơ hồ, nhất là trong bối cảnh các guồng máy kinh tế-xã hội dường như đều đã cần được tiếp thêm những nguồn năng lượng mới.
Ở cuộc bầu cử được đánh giá là “tốn kém nhất lịch sử nước Mỹ”, cũng như được trông đợi sẽ tạo nên nhiều ảnh hưởng nhất đến cả hiện trạng Hợp chúng quốc Hoa Kỳ lẫn cục diện địa chính trị thế giới này, các công dân Mỹ không thờ ơ như khi Donald Trump vượt qua đối thủ Hillary Clinton năm 2016 (có tới 46,9% cử tri không đi bầu), và cũng không xung đột dữ dội trong chia rẽ sâu sắc như cuộc bầu cử đầy tranh cãi năm 2020. Dường như, dưới gánh nặng hơn 34.000 nghìn tỷ USD nợ công, cùng mức chi phí sinh hoạt ngày càng lớn, chưa kể tới lãi suất thắt chặt đối xứng với nguy cơ lạm phát, thứ “chủ nghĩa biệt lập” mà ông Donald Trump theo đuổi được gia tăng thêm gấp bội sức hấp dẫn, đối với phần đông những người có quyền bỏ phiếu (và có nghĩa vụ đóng thuế).
Kể từ nhiệm kỳ trước (2016-2020), để “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại (Make America Great Again)” với phương châm “Nước Mỹ trên hết (America 1st)”, ông Donald Trump đã sẵn sàng tìm mọi cách đưa những phần giàu lợi nhuận nhất trong chuỗi cung ứng toàn cầu về trong lãnh thổ Mỹ. Dĩ nhiên, kèm theo đó là những dòng tiền thiết yếu. Và không chỉ vậy, khi cho rằng nước Mỹ đã phải “cáng đáng” quá nhiều nghĩa vụ đối với các đồng minh, ông không ngại ngần đòi hỏi họ phải nâng cao mức đóng góp vào công việc chung, bất chấp khả năng tạo căng thẳng đối ngoại.
Nhìn lại quá khứ gần ấy, nhiều khả năng, quỹ đạo đã bị ngắt quãng ngày đó sẽ được ông nối lại, theo cách tiếp cận vấn đề mà ông tin rằng đó chính là điều tốt nhất cho đất nước của mình. Tiếp sức cho ông, chính là chiến thắng của đảng Cộng hòa ở Thượng viện Mỹ, với 51 ghế.
Dĩ nhiên, cả nước Mỹ lẫn thế giới năm 2024 đã khác xa năm 2016, thậm chí là khác biệt so năm 2020. Có rất nhiều vấn đề mới đã nổi lên, bao gồm cả các thách thức chiến lược lẫn những điểm nóng xung đột toàn cầu, chưa kể tới những mối đe dọa an ninh phi truyền thống ngày càng gay gắt. Bên cạnh đó, sau bốn năm, chính xã hội Mỹ cũng đã phân hóa và trở nên phức tạp hơn, trong nội tại.
Nhưng dù sao, chiến thắng này của “người cũ” cũng đã chính là một sự khởi đầu mới.