NGÀY 2/9, thủ đô Kabul của Afghanistan rung chuyển bởi một tiếng nổ long trời, tại khu vực phía nam. Rất nhanh chóng, ông Khalid Zadran - người phát ngôn cơ quan cảnh sát Kabul - xác nhận: Một đối tượng đã kích hoạt khối thuốc nổ mang trên người, khiến ít nhất sáu người thiệt mạng và 13 người khác bị thương.
Một ngày sau, nhánh truyền thông Amaq của IS chính thức nhận trách nhiệm về vụ đánh bom liều chết này. Thậm chí, Amaq còn nêu rõ: Mục tiêu của vụ tấn công là nhằm vào cơ quan công tố của chính quyền Taliban. Và theo đó, kẻ thực hiện vụ tấn công khủng bố đã đợi đến tận khi giờ hành chính kết thúc, thời điểm các nhân viên ra về, mới hành động.
Có điều, số liệu về thương vong mà Amaq “tự hào” tuyên bố là 45 người, cao hơn nhiều so với ước tính sơ bộ của chính quyền.
ĐÃ 5 năm, kể từ thời điểm Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump tuyên bố rằng IS đã bị tận diệt. Một cách khách quan, kể từ khi Taliban giành lại quyền lực ba năm trước, tình trạng bạo lực tại Afghanistan đã bị đẩy lùi rõ rệt. Mặc dù vậy, ở những vùng biên địa hiểm trở quanh Trung Á, vẫn luôn lẩn lút những “âm hồn”.
Chi nhánh IS ở khu vực Afghanistan - Pakistan này tự xưng là Nhà nước Hồi giáo Khorasan, gọi tắt là IS-K. Tiếp nhận những đám “tàn quân bại tướng” bị đánh bật khỏi Syria và Iraq bởi các liên minh quân sự quốc tế (do Nga và Mỹ dẫn đầu), thực lực của IS-K dần trở nên đáng gờm, để cùng lúc đối kháng với cả chính quyền Afghanistan (được Mỹ hậu thuẫn) lẫn Taliban - “kẻ thù không đội trời chung”, do tranh chấp lãnh thổ, và do cả một vài khác biệt trong quan điểm về cách ứng xử với những nước phi Hồi giáo. Thí dụ, chuyện Taliban có tiếp xúc ngoại giao với Nga và Mỹ bị IS-K xem là sự phản bội công cuộc “thánh chiến”.
Từ đó, chúng ta có thể hiểu vì sao IS-K hung hãn đến như vậy. Năm 2018, theo Chỉ số khủng bố toàn cầu của Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) có trụ sở chính tại Australia, IS-K là một trong bốn tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất thế giới. Chúng từng xung sát với quân đội đồn trú Mỹ, cho đến tận tháng 8/2021. Tháng 9/2022, IS-K đánh bom khủng bố vào Đại sứ quán Nga tại Iran, làm ít nhất sáu người chết. Tháng 3/2024, Chính phủ Nga xác nhận IS-K là chủ mưu vụ tấn công khủng bố nhà hát Crocus (ngoại ô Moscow) làm 144 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương.
Còn ở Afghanistan (của Taliban)? Ngày 29/4, IS-K tấn công một giáo đường Hồi giáo ở Herat vào đúng giờ cầu nguyện, làm năm người chết. Ngày 17/5, IS-K xả súng ở Bamiyan, cướp đi sáu sinh mạng, bao gồm ba khách du lịch Tây Ban Nha. Tuyên bố trên Telegram sau đó nhấn mạnh: Vụ tấn công “phù hợp với chỉ thị” của các thủ lĩnh IS, nghĩa là nhắm mục tiêu vào công dân của các quốc gia thuộc liên minh quân sự chống IS tại Trung Đông do Mỹ đứng đầu, “bất kể họ ở đâu”. Không chỉ vậy, IS-K còn đe dọa tấn công Đại sứ quán Trung Quốc, Ấn Độ, Iran… ở Afghanistan.
CÁCH hành động của IS-K mỗi lúc một tinh vi, táo tợn và có quy mô lớn hơn, thậm chí là được thực hiện xuyên biên giới. Điều này dẫn đến một câu hỏi nhức nhối: Đâu là nguồn tài chính giúp chúng có thể tiếp tục tồn tại, và làm thế nào để cắt đứt được những nguồn lực ấy trọn vẹn? Theo mạch suy tưởng này, chúng ta có một nghi vấn khác: Liệu có phải IS-K vẫn được âm thầm “bơm máu”, để phục vụ những toan tính bí mật nào đó?
Ở một khía cạnh khác, thế giới đã từng cảm thấy được cứu vớt khỏi những cơn ác mộng đẫm máu, khi hai cường quốc hàng đầu là Nga và Mỹ cùng nhau (chỉ là không phải “cùng với nhau”) hành động song song trên thực địa, quét sạch IS khỏi Syria và Iraq. Nhưng, hiện tại, mối quan hệ giữa hai nước đã tụt xuống mức vô cùng thấp.
Trong khi đó, IS và những chi nhánh của nó, như IS-K, vẫn sẵn sàng hiện ra, từ bất cứ “ngóc ngách” nào trên hành tinh này…