Không hẹn ngày tái ngộ

Sẽ không có lần thứ hai, ứng cử viên đảng Dân chủ tranh luận trực tiếp với cựu Tổng thống Donald Trump trên sóng truyền hình. Một biểu hiện thoái lui của ứng viên đảng Cộng hòa, hay là “phản chiêu” lấy lui làm tiến?
0:00 / 0:00
0:00
Bà Kamala Harris tự tin sau cuộc tranh luận.
Bà Kamala Harris tự tin sau cuộc tranh luận.

HOÀN toàn khác với thông lệ những kỳ bầu cử tổng thống Mỹ, theo như tuyên bố mới đây, ứng viên đảng Cộng hòa khẳng định ông không cần một trận “tái đấu” với bà Kamala Harris, bởi theo ông Donald Trump, ông đã giành chiến thắng trong cuộc tranh luận vào tối 10/9, bất chấp có nhiều đánh giá từ các chuyên gia và những thành viên của cả hai đảng cho rằng đương kim nữ Phó Tổng thống chiếm ưu thế trong tranh luận.

Tất nhiên, trong một cái nhìn thoáng qua, ai cũng có thể cho rằng: À ông Trump vốn là thế! Cách nhìn này cũng tương hợp với không ít hãng truyền thông dòng chính phương Tây, nhất là những “pháo đài” của đảng Dân chủ, như The New York Times hay CNN. Họ đều có chung một kết luận: Trong cuộc “đối chiến” đó, Donald Trump đã thất thế trước Kamala Harris.

Tuy vậy, với đảng Cộng hòa, hẳn là khi thông báo không tiếp nhận đề nghị tranh luận trực tiếp nào nữa, ông Donald Trump cũng có những lý do của riêng mình, cũng như khi ông còn là Tổng thống Mỹ.

THỰC tế là, theo CNN, kết quả một cuộc thăm dò cho thấy: 63% số người đồng ý rằng bà Kamala Harris đã có sự thể hiện tốt hơn trên “vũ đài” ở Philadelphia, so với ông Donald Trump. Còn theo The New York Times, sau cuộc tranh luận, nhiều chiến lược gia và quan chức của đảng Dân chủ đã hoan nghênh màn trình diễn của bà Harris, trong khi nhiều thành viên của đảng Cộng hòa phàn nàn về “giọng điệu của các câu hỏi” từ những người điều phối và thừa nhận “những cơ hội bị bỏ lỡ” của ông Donald Trump để tung ra những đợt phản kích trọng điểm.

Mặc dù vậy, với cựu Tổng thống Mỹ, “Bởi vì chúng tôi đã thực hiện hai cuộc tranh luận và đã thành công, nên sẽ không có cuộc tranh luận thứ ba. Dù sao thì mọi chuyện cũng đã quá muộn màng, cuộc bỏ phiếu đã bắt đầu”. Song, ai cũng hiểu, đó chỉ là một lý do được đưa lên bề mặt.

Với ông Donald Trump, một hoặc hai cuộc tranh luận nữa sẽ không mang nhiều ý nghĩa, đặc biệt là khi ông cùng những người ủng hộ mình cho rằng mình sẽ bị “xử ép”, bởi cách điều phối chương trình theo hướng ABC News đã từng thực hiện, ngày 10/9. Không chỉ vậy, việc “co mình”, nhất là khi có những thông tin về một âm mưu ám sát nữa nhắm vào ông, lại càng làm dày thêm bức màn sương hấp dẫn.

Và hơn cả, nếu như đương kim Phó Tổng thống Kamala Harris được ca ngợi là người tạo nên bầu không khí sôi động của cuộc tranh luận, thì thật ra, những câu hỏi “móc máy” của ông Donald Trump, về những biện pháp cụ thể để tiếp thêm năng lượng cho nền kinh tế Mỹ, lại chưa từng được trả lời. Cũng vì thế, không mấy ai ngạc nhiên khi Bryan Lanza, cố vấn cấp cao của chiến dịch tranh cử Donald Trump, nhấn mạnh: “Không phải vì sợ hãi, mà là vì ưu tiên của chúng tôi đối với cuộc bầu cử kết thúc. Chúng tôi có nhiều cơ hội hơn thông qua các cuộc phỏng vấn trực tiếp - thông qua các sự kiện tập hợp cộng đồng, thông qua việc đến các bang và tạo ra tác động - hơn là tham gia vào một cuộc tranh luận có thể gây bất lợi cho ông Trump”.

NHƯNG dù thế nào, cả hai ứng viên cũng vẫn chưa tranh luận trực tiếp với nhau kỹ càng về chiến lược đối ngoại mới, nhất là những vấn đề liên quan xung đột Nga - Ukraine hay Israel - Hamas. Cả hai ứng cử viên, dường như đều lựa chọn cách gửi đi thông điệp ưa thích, là nói với những người ủng hộ mình, thay vì trao đổi thẳng thắn với nhau qua cuộc tranh luận trực tiếp.

Điều đó chỉ làm dày thêm những nghi ngại từ các cử tri trung lập, khi ở cả ngoại giao lẫn nội trị, cả hai ứng viên đều chưa tỏ ra thật sự thuyết phục. Tại một góc nhìn nào đó, thậm chí có thể xem rằng cựu Tổng thống Donald Trump đã không thể nắm được cơ hội, để “truy bức” bà Kamala Harris, về những điểm yếu trong cương lĩnh tranh cử của bà. Có lẽ, để tránh rủi ro, ông cũng đã quá cẩn trọng.

Song, trước mắt, cho dù không còn lần tranh luận trực tiếp nào của các ứng cử viên, trong con mắt mọi cử tri, sứ mệnh vực dậy nền kinh tế Mỹ vẫn là mối quan tâm hàng đầu. Và sự lựa chọn, tất nhiên, cũng gắn chặt với tiêu chí này...