Cũng cần nhấn mạnh: Moscow có thể chìa tay ra với Washington, nhưng đó là khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã chính thức tiếp quản Nhà trắng, nghĩa là sau ngày nhậm chức 20/1/2025, chứ không phải Điện Kremlin thay đổi lập trường đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden (tại nhiệm cho đến tận thời điểm ấy).
Ngay sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi đầu tháng, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã lập tức lên tiếng: Nước Nga “chưa bao giờ từ chối liên lạc với bất kỳ ai’, và “đối thoại luôn tốt hơn là cô lập lẫn nhau”.
Mặc dù rất nhiều nhà phân tích và chính ông Donald Trump từng nói về mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhìn chung, giới quan sát quốc tế cũng không quá lạc quan về tốc độ cũng như triển vọng của lộ trình xích lại gần nhau giữa hai đại cường quốc.
Đầu tiên, như Moscow từng nhận định một cách dè dặt trước thềm cuộc bầu cử Mỹ: Ông Donald Trump cũng chỉ là một cá nhân, và rất khó thay đổi nhanh chóng cả một hệ thống. Bộ Ngoại giao Nga cũng từng lưu ý rằng trong nhiệm kỳ đầu làm tổng thống, ông Trump cũng đã áp đặt lên Nga những biện pháp trừng phạt tương đối khắc nghiệt. Thế nên, hiện tại, vẫn với phương châm “Nước Mỹ trên hết (America First)!”, cũng không dễ gì để tân Tổng thống Mỹ chấp nhận vị trí độc tôn của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ bị thách thức (bởi nước Nga cũng như những thế lực quốc tế đang trỗi dậy mạnh mẽ mà họ đóng vai trò nòng cốt, như khối OPEC+ hay nhóm BRICS+, và rộng hơn là tiếng nói của cả Nam bán cầu, trong các đòi hỏi thay đổi trật tự thế giới mà Mỹ đang nắm quyền lãnh đạo đơn cực), đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế.
Sau đó, trên thực tế, trong khoảng hai tháng còn tại vị, Tổng thống Joe Biden cũng như chính phủ đảng Dân chủ đang cố gắng đặt lại nhiều cạm bẫy nhất có thể. Đơn cử, chỉ ở mặt trận Ukraine, Nhà trắng hiện thời đã liên tiếp tháo dỡ lệnh cấm sự hiện diện trực tiếp trên thực địa của các nhà thầu quân sự Mỹ, gấp rút thông qua những gói viện trợ quân sự quý báu cuối cùng dành cho Kiev, và đồng ý để quân đội Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa hướng về các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
Những động thái này, một cách ngắn gọn, đặt cả Điện Kremlin lẫn ông Donald Trump vào thế khó, khi tiếp tục đẩy mức căng thẳng giữa Nga và Mỹ lên tiệm cận những “giới hạn đỏ”. Nếu Moscow thật sự “đáp trả một cách tương xứng”, chuyện “hạ nhiệt” và “xuống thang” sẽ vô cùng khó khăn.
Tuy nhiên, bởi vì thật ra những động thái này đều đã được tiên liệu (từ cả giới quan sát lẫn các “bộ não” chiến lược quanh Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump), nên những cánh cửa đối thoại vẫn cứ bắt đầu được mở hé.
Ở khía cạnh kinh tế, khi đã thích ứng với trạng thái bị phương Tây cô lập, cũng như đã đứng vững và vượt qua tới khoảng 20.000 lệnh trừng phạt (theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Pankin), đồng thời đang nhanh chóng kiến tạo những “hệ sinh thái” mới, Moscow có lẽ sẽ không quá bận tâm nếu Washington áp dụng trở lại các hình thức bảo hộ thương mại theo hướng "chủ nghĩa biệt lập".
Còn trên phương diện quân sự và địa chính trị, khả năng tiến hành trả đũa bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật, từ đó mở rộng vòng xoáy xung đột, cũng không phải điều được ưu tiên. Hiện tại, quân đội Nga đang nắm giữ rất nhiều ưu thế trong "chiến dịch quân sự đặc biệt" của họ, để không cần thay đổi trạng thái thuận lợi đó theo bất cứ cách nào.
Cả Tổng thống Putin lẫn người đồng cấp tương lai Donald Trump, có lẽ, đều nhìn thấu những vấn đề này. Vậy thì, tại sao họ không thể chìa tay ra với nhau?