Phương trình hóc búa

Sau khi hạ dự báo về mức tăng trưởng nhu cầu toàn cầu trong báo cáo mới nhất vừa được công bố, Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng những quốc gia sản xuất dầu mỏ liên minh (OPEC+) sẽ bắt buộc phải tính toán lại, nhằm lựa chọn giữa việc duy trì cắt giảm sản lượng hay đảo ngược kế hoạch ấy, để tạo nên những đòn bẩy cần thiết cho thị trường.
Mọi nhận định về thị trường dầu mỏ trong ngắn hạn đều đang phụ thuộc quá nhiều vào các biến số không thể kiểm soát.
Mọi nhận định về thị trường dầu mỏ trong ngắn hạn đều đang phụ thuộc quá nhiều vào các biến số không thể kiểm soát.

THOẠT nghe, có vẻ là mâu thuẫn, khi việc tăng sản lượng khai thác lại có thể thúc đẩy mức tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ thế giới. Tuy vậy, với những điểm cốt yếu trong Báo cáo tháng 8 của OPEC, câu chuyện cũng không quá khó nắm bắt.

Được điều chỉnh dựa trên các dữ liệu thực tế những tháng đầu năm 2024, đặc biệt là khi những dự báo về đà tăng của nhu cầu dầu mỏ từ thị trường Trung Quốc đã “việt vị”, bản báo cáo (công bố ngày 12/8) đã buộc phải hạ thấp những kỳ vọng của OPEC. Song, điều đó không có nghĩa là nhu cầu dầu mỏ toàn cầu không tăng. Trái lại, nó vẫn được dự báo sẽ tăng 2,11 triệu thùng/ngày trong năm nay. Chỉ có điều, mức tăng ấy thấp hơn khá nhiều so với dự đoán tăng 2,25 triệu thùng/ngày, theo các phân tích kỳ trước.

Thậm chí, OPEC vẫn lạc quan rằng mức tăng nhu cầu trong năm nay chắc chắn sẽ cao hơn mức trung bình 1,4 triệu thùng/ngày, được ghi nhận trước đại dịch Covid-19 (năm 2019). Cơ sở của niềm tin ấy là chuyện nhu cầu nhiên liệu phục vụ vận tải vẫn đang tăng, bởi nhiều nguyên nhân, đặc biệt là chuyện tình hình căng thẳng leo thang quanh kênh đào Suez đã khiến hầu như tất cả mọi hãng vận chuyển hàng hải lớn nhất thế giới phải tái định tuyến các hải trình, chấp nhận đi vòng thêm những quãng đường dài gấp bội.

KỊCH bản “giảm, nhưng vẫn là tăng” ấy cho phép OPEC cũng như OPEC+ có thể bắt đầu phác thảo những lộ trình nới lỏng việc cắt giảm sản lượng (đồng nghĩa với bình ổn giá dầu tại những mức hợp lý) nhằm thu hút khách hàng từ các thị trường mới, để “đón trước” thời cuộc, dự phòng cho nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, đồng thời lấp đầy khoảng trống khá “mênh mông” mà sự hao hụt nhu cầu từ nền kinh tế Trung Quốc để lại.

Song, kế hoạch này lại cũng tiềm ẩn không ít cạm bẫy, và đòi hỏi OPEC+ chấp nhận mạo hiểm. Đầu tiên, nó đi ngược lại cam kết chung vừa được đưa ra hôm 1/8, tại Ủy ban Giám sát chung cấp Bộ trưởng của OPEC+, về việc gia hạn cắt giảm sản lượng ít nhất đến hết quý III năm nay. OPEC+ đã cắt giảm mạnh sản lượng kể từ cuối năm 2022 nhằm điều chỉnh thị trường, không để giá dầu lao dốc, và phần lớn các mức giảm này, theo kế hoạch, có thể được duy trì đến tận cuối năm 2025.

Vấn đề là, trong bối cảnh địa chính trị đầy những diễn biến khó lường hiện tại, mọi dự báo đều trở nên bấp bênh. Và không chỉ vậy, còn tồn tại cả những khác biệt trong nhận định về tình hình kinh tế thế giới, cũng như tốc độ chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Đơn cử, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đưa ra những dự đoán về tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ thấp hơn nhiều so với các số liệu từ OPEC.

SAU khi báo cáo của OPEC được công bố, giá dầu thế giới được giữ tương đối ổn định tại mức trên 80 USD/thùng. Tuy nhiên, mới khoảng một tuần trước đó, giá dầu đã sụt xuống 75 USD/thùng, trong tâm trạng hoảng loạn chung của các thị trường chứng khoán quốc tế. Ở mức giá khá “hời” ấy, một lượng lớn dầu mỏ đã được ký kết “sang tay”, trong sự hài lòng của cả kẻ bán lẫn người mua.

Có điều, cũng chính vì vậy, nguy cơ dư thừa nguồn cung vẫn tồn tại song hành cùng điều đối nghịch - khả năng giá dầu được “treo” ở mức cao trong ngắn hạn, khi có quá nhiều biến số có thể ảnh hưởng đến bức tranh toàn cảnh (đặc biệt là các nguy cơ suy thoái tại các nền kinh tế hàng đầu, và xung đột leo thang ở khu vực Trung Đông). Bởi vậy, tăng sản lượng khai thác (hay nói cách khác là đảo ngược kế hoạch cắt giảm sản lượng) dầu thô cũng có thể sẽ trở thành việc OPEC+ “tự bắn vào chân mình”.

Cho dù, đến thời điểm này, vai trò của dầu mỏ vẫn là gần như không thể thay thế trong cơ cấu thị trường năng lượng thế giới, khi tổng cầu vẫn liên tục tăng thêm…