Ngọn gió đổi thay

Ngay từ những đề cử thành phần nhân sự cho chính phủ mới của vị Tổng thống Mỹ vừa đắc cử Donald Trump, ít nhiều, giới quan sát quốc tế đều đã có thể cảm nhận được những bước ngoặt sẽ xảy ra ngay sau ngày ông chính thức nhậm chức, vào tháng 1/2025.
0:00 / 0:00
0:00
Elise Stefanik, người được ông Donald Trump đề cử làm Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc.
Elise Stefanik, người được ông Donald Trump đề cử làm Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, trước hết, cần phải nhấn mạnh: Cho dù lựa chọn bất cứ ai vào cương vị nào, chắc chắn, những quyết sách mà tân Tổng thống Mỹ ấp ủ cũng sẽ dễ dàng được thông qua hơn so nhiệm kỳ trước của ông (2016-2020), khi đảng Cộng hòa đã “toàn thắng” ở cả lưỡng viện Quốc hội Mỹ.

Và chính là trên cơ sở ấy, nói như tờ The Economist, với việc giành lại quyền kiểm soát Thượng viện, những lựa chọn nhân sự của tổng thống đắc cử sẽ dễ dàng đạt được đồng thuận và nhận được sự ủng hộ cần thiết, thay vì bị ngáng trở, như trong trường hợp Thượng viện nằm trong tay phe đối lập.

Điều chắc chắn là sau những “vết thương” từng phải nhận trong quá khứ, thậm chí bao gồm cả những “nhát dao từ sau lưng”, chính phủ mới đang được định hình sẽ quy tụ các gương mặt giàu năng lực cũng như “trung thành” nhất, mà tổng thống thứ 47 của nước Mỹ có thể trông cậy.

Đứng đầu danh sách nhân sự của “chính quyền Trump phiên bản 2.0”, chúng ta thấy những cái tên như Howard Lutnick, một người bạn lâu năm của ông, chịu trách nhiệm thẩm định các lựa chọn nhân sự. Bên cạnh đó là bà Susie Wiles, 67 tuổi - Chánh văn phòng Nhà trắng tương lai, cố vấn cấp cao trong chiến dịch tranh cử năm 2024 của ông Trump, và cũng được xem là một trong những “kiến trúc sư” chủ chốt của chiến thắng.

Trọng trách kiểm soát người nhập cư được trao cho ông Tom Homan, 62 tuổi, người mà Tổng thống Mỹ đắc cử đánh giá là “Không ai giỏi hơn ông Homan trong việc kiểm soát và giám sát biên giới của chúng ta” vào tối 10/11.

Ở vị trí Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, ông Trump đề cử nữ nghị sĩ bang New York 40 tuổi Elise Stefanik, với niềm tin rằng bà “sẽ là một đại sứ đáng kinh ngạc”, mang lại hòa bình thông qua sức mạnh và các chính sách an ninh quốc gia trên tinh thần “Nước Mỹ trên hết”.

Đến ngày 12/11, Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Mike Walz (sinh năm 1974, từng có 27 năm phục vụ trong Quân đội Mỹ và Lực lượng vệ binh quốc gia) được ông Donald Trump chỉ định vào cương vị Cố vấn An ninh quốc gia (cương vị không cần Thượng viện thông qua). Cùng ngày, ông John Ratcliffe, cựu nghị sĩ bang Texas, từng giữ chức Giám đốc Tình báo quốc gia trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, được lựa chọn cho vị trí lãnh đạo Cục Tình báo Trung ương (CIA). Trên tài khoản mạng xã hội của mình, ông Trump gọi ông Ratcliffe là “chiến binh vì Sự thật”. Đây chính là người từng ra sức bảo vệ tổng thống đắc cử, trước rất nhiều cáo buộc từ đảng Dân chủ, trong quá khứ.

Một động thái đáng chú ý khác: Ông Hegseth (44 tuổi), cử nhân Đại học Princeton và thạc sĩ Đại học Harvard, người dẫn chương trình truyền hình “Fox & Friends Weekends”, đồng thời là tác giả cuốn “The War on Warriors: Behind the Betrayal of the Men Who Keep Us Free (Cuộc chiến nhằm vào người lính: Bí mật về sự phản bội của những người canh giữ tự do)”, được ông Donald Trump đề cử vào cương vị Bộ trưởng Quốc phòng. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Marco Rubio, thành viên Ủy ban Đối ngoại và Tình báo Thượng viện, được đề cử làm Bộ trưởng Ngoại giao.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, những lựa chọn nhân sự này chưa hẳn là nổi bật trong giới tinh hoa ở thượng tầng chính trị Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Tuy vậy, đây là những nhân sự nhiệt thành, sở hữu năng lực đã được chứng minh tại những lĩnh vực cốt yếu. Và điều quan trọng nhất: Tổng thống mới đắc cử nhìn thấy ở họ sự “đồng điệu” với tư tưởng “Nước Mỹ trên hết”, cùng tham vọng “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” mà ông hướng tới.

Chính vì thế, với những cái tên này cùng sự đồng thuận của cả lưỡng viện, những ngọn gió đổi thay sẽ thổi tới cực kỳ mạnh mẽ đối với cả nước Mỹ cũng như trên bản đồ địa chính trị - kinh tế toàn cầu...