Đã có 40 người thiệt mạng cùng hơn 60 người bị thương, ở Khan Younis, dưới những mái lều dựng tạm, lay lắt.
Theo Cơ quan Phòng vệ Dân sự Dải Gaza, hàng chục ngôi lều tạm trú đã bị phá hủy dưới mưa bom, chôn vùi toàn bộ nhiều gia đình, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em. Lý do mà quân đội Israel đưa ra, về quyết định thực hiện vụ oanh tạc này, là bởi họ nhắm vào một trung tâm chỉ huy của lực lượng Hamas. Tuy nhiên, Hamas lập tức phản bác.
Chẳng có cách nào để kiểm chứng những tuyên bố đó. Song, vấn đề thật sự đáng lưu tâm là: Tại sao đến cả một khu vực nhân đạo cũng vẫn không thể là nơi trú ẩn an toàn cho thường dân?
Nói như ông Tor Wennesland - Đặc phái viên của Liên hợp quốc về tiến trình hòa bình ở Trung Đông: Luật nhân đạo quốc tế "phải được duy trì mọi lúc". Bởi vậy, ông "kịch liệt lên án các cuộc không kích đẫm máu của Israel vào một khu vực đông dân cư trong vùng nhân đạo do Israel chỉ định ở Khan Younis, nơi những người di tản đang trú ẩn".
Một ngày trước đó, phát biểu khai mạc khoá họp lần thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Volker Turk nhấn mạnh: Các hoạt động quân sự mà Israel thực hiện (bao gồm cả những cuộc oanh kích với quy mô "chưa từng thấy suốt hai mươi năm qua") đang làm trầm trọng thêm tình hình thảm họa.
Thảm họa, về lâu dài, là những tương lai bị hủy diệt. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, ít nhất 45.000 trẻ em sáu tuổi ở Gaza không có cơ hội có được ngày đầu đến trường, bước vào lớp 1, trong dịp khai trường vừa qua.
Ước mơ bình dị ấy, quả thật, là quá xa vời, bởi ngay từ khi xung đột bùng nổ hồi tháng 10 năm ngoái, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Gutterres đã phải thốt lên thống thiết: "Gaza đang trở thành một nghĩa trang của những đứa trẻ". Chuyện học hành không còn quan trọng nữa, khi cái chết luôn rình rập, từ đạn bom, từ cả sự thiếu thốn những nhu cầu cơ bản như miếng ăn hay thức uống, chưa kể việc không được chăm sóc y tế kịp thời, hoặc là cảnh mất cha mất mẹ.
Đến lúc này, chiến sự ở Gaza đã cướp đi hơn 41.000 sinh mạng người Palestine (mà theo số liệu từ cơ quan y tế Palestine, con số ấy phải là hơn 50.000 người), cùng hơn 94.000 người bị thương. Một thảm họa nhân đạo đích thực đã và vẫn đang hiện hữu.
Điều đáng sợ là, khi chứng kiến thảm trạng này, đến cả Liên hợp quốc cũng chưa có cách nào cứu vớt những người già, phụ nữ, trẻ em… đang bị cuốn vào vòng xoáy tử thần đó. Thậm chí, từng có những thời điểm, các hoạt động cứu trợ nhân đạo còn không thể được thực hiện, trước những biên giới đóng chặt lạnh lùng.
Tất cả đều "sốc" với vụ oanh kích Khan Younis, thí dụ như Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Lammy. Cũng như ông, rất nhiều người tiếp tục khẩn thiết nói về một lệnh ngừng bắn trên Dải Gaza. Cao ủy Volker Turk thậm chí còn đòi hỏi gay gắt, rằng cộng đồng quốc tế không thể cứ chấp nhận tình trạng hiện tại, mà cần phải yêu cầu Israel tuân thủ các quyết định của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như Tòa án Công lý Quốc tế, bởi "Chấm dứt giao tranh và ngăn chặn một cuộc xung đột khu vực toàn diện là ưu tiên tuyệt đối và cấp bách".
Song, cho dù quan điểm này nhận được sự tán đồng rộng rãi từ Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), từ Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi, từ việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan yêu cầu Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) tổ chức hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp, từ chuyện Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S.Jaishankar kêu gọi ngừng bắn "càng sớm càng tốt" và nhấn mạnh tình hình Gaza là "mối quan tâm hàng đầu" của New Delhi… thì dường như, vẫn chưa ai hình dung được: Những giới hạn đối với bạo lực và tang tóc ở "vùng đất chết" đó sẽ được tái thiết lập bằng những công cụ (mang tính chế tài) nào?