Ai sẽ lắng nghe?

Trong khi Dải Gaza vẫn đang mỗi ngày một thêm hoang tàn, đến lượt đất nước Lebanon quằn quại dưới mưa bom. Kẹt giữa những làn đạn, tiếp tục có hàng triệu sinh mạng thường dân bị cuốn đi không thể cưỡng lại, bởi những đợt cuồng phong chiến sự. Và, thế giới lại một lần nữa tuyệt vọng nhìn hình hài của một thảm họa nhân đạo kế tiếp dần dần trở nên rõ rệt.
Một đất nước đã kiệt quệ nhiều năm, giờ lại phải hứng chịu thêm mưa bom bão đạn.
Một đất nước đã kiệt quệ nhiều năm, giờ lại phải hứng chịu thêm mưa bom bão đạn.

Tình cảnh thê thảm ở Gaza "không được phép lặp lại tại Lebanon!" - người phát ngôn Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) Jeremy Laurence khẩn thiết kêu gọi. Ở đó, lúc này, sau những đợt oanh tạc dữ dội của không quân Israel nhằm vào thủ đô Beirut và miền nam Lebanon, thổi bùng lên ngọn lửa xung đột, hàng trăm nghìn người dân ở khu vực tiền tuyến giáp Israel và vùng ngoại ô phía nam Beirut đã buộc phải từ bỏ nhà cửa để di tản.

"Nhiều làng mạc, thị trấn và vùng ngoại ô giờ chỉ còn là đống đổ nát", Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) tại Lebanon, ông Matthew Hollingworth, cập nhật tình hình. Và như ông phân tích, mọi chuyện vẫn còn đang tiếp tục trở nên tồi tệ hơn, khi chính quyền Lebanon không có được sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hỗ trợ dân thường trong xung đột hiện nay do một loạt thách thức mà nước này gặp phải trong suốt nhiều năm qua.

Đến cuối cùng, không phải các lực lượng giao tranh, mà thường dân vẫn luôn luôn là những người phải hứng chịu nhiều hậu quả thảm khốc nhất.

Theo một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình trạng leo thang bạo lực kể từ ngày 23/9 đã buộc ít nhất 37 trung tâm y tế của Lebanon phải đóng cửa, hàng chục nhân viên y tế đã bị thiệt mạng.

Tháng trước, Lebanon rung chuyển bởi cuộc tập kích công nghệ cao vào mạng lưới liên lạc của Hezbollah mà Israel thực hiện, kích nổ hàng loạt máy nhắn tin và bộ đàm. Theo Bộ Y tế Lebanon, các thiết bị này đã phát nổ ở nhiều khu vực công cộng, khiến 20 người tử vong, bao gồm cả trẻ em, và 450 người khác bị thương.

Liền sau đó, những cuộc không kích dồn dập đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 1.250 người, đồng thời làm bị thương hơn 5.000 người. Đáng sợ nhất là chuyện hơn 1,2 triệu người Lebanon phải sơ tán gấp rút, không kịp mang theo bất cứ thứ gì, bởi Tel Aviv công bố kế hoạch dội bom trong một thời gian quá eo hẹp (có lúc chỉ vài giờ trước các đợt oanh kích).

Ai sẽ đáp ứng những nhu cầu tối thiểu như lương thực hay nước sạch, cho khối người hoảng loạn và không nơi nương náu ấy? Bởi vì, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2019 đến nay, nền kinh tế Lebanon nói chung cũng như hệ thống dịch vụ công của đất nước này nói riêng vẫn còn hết sức suy kiệt. Vậy nên, một viễn cảnh gần như chắc chắn sẽ xảy đến là chuyện ngành y tế Lebanon sẽ không đủ sức cấp cứu hoặc chăm sóc số người bị thương ngày một nhiều.

Hơn thế nữa, cũng như thảm trạng trên Dải Gaza, chẳng trẻ em nào còn cơ hội được tiếp tục học hành, nghĩa là tương lai của cả một đất nước bị hủy hoại.

Trong tuyên bố chung đưa ra ngày 8/10, Điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc Janine Blaaschardt và người đứng đầu Lực lượng Gìn giữ Hòa bình tại miền nam Lebanon (UNIFIL) - Tướng Aroldo Lázaro - nhấn mạnh: Đàm phán là con đường duy nhất để khôi phục an ninh và ổn định.

Tuy vậy, cũng như những lời kêu gọi về kiềm chế, bảo vệ dân thường, tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, đàm phán ngừng bắn… mà OHCHR cùng toàn thể cộng đồng quốc tế đã thống thiết đưa ra suốt một năm qua, xoay quanh chiến sự ở Gaza, chuyện không có ai lắng nghe mới là điều tạo nên cảm giác bất lực, cho lương tri nhân loại.

Mỗi quả bom được thả xuống và mỗi cuộc không kích trên bộ được thực hiện đều đã và đang khiến cả Israel và Lebanon xa rời tầm nhìn được nêu trong Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2006, cũng như xa rời các điều kiện cần thiết để bảo đảm an ninh lâu dài cho dân thường ở cả hai bên, trong khi bạo lực sẽ chẳng thể nào giải quyết được các vấn đề cơ bản và dài hạn - ai cũng hiểu điều đó.

Song, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng vẫn đề cập viễn cảnh Lebanon đối diện với "những sự hủy diệt và đau khổ mà chúng ta đang thấy ở Gaza", trong một bài phát biểu đầy những ẩn ý đáng sợ hướng đến người dân Lebanon…