Cũng cần phải nhấn mạnh, trong bản cập nhật mới nhất của báo cáo Triển vọng phát triển châu Á ấy, ADB không hề đánh giá thấp những nguy cơ có thể khiến mọi guồng máy kinh tế bị đẩy chệch khỏi quỹ đạo.
Theo dự đoán từ các chuyên gia quốc tế, sau khi chạm mức cao kỷ lục trong phiên giao dịch ngày 24/9 (2.654,96 USD/ounce), giá vàng thế giới vẫn còn có thể tiếp tục leo thang mãnh liệt trong ngắn hạn. Thứ kim loại quý ấy vẫn đang được số đông nhà đầu tư cũng như người dân lựa chọn làm “nơi trú ẩn an toàn nhất”, và đó cũng chính là sự biểu đạt trực quan cho các hiểm họa mà mọi nền kinh tế đều đang phải đối diện, như căng thẳng địa chính trị gia tăng, sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, tình trạng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu, hay sự suy yếu về sức mua… - những yếu tố được ADB đề cập.
Đến cả Trung Quốc, nền kinh tế số một châu Á và lớn thứ hai thế giới, cũng đang phải nỗ lực tìm cách vượt qua tình trạng giảm phát, bằng cách áp dụng một loạt chính sách thúc đẩy tiêu dùng, hỗ trợ thị trường bất động sản, hay kích thích tiền tệ.
Song, về cơ bản, theo ADB, châu Á vẫn đang đứng vững. Điều này có được là nhờ hoạt động tiêu dùng nhìn chung vẫn diễn ra sôi nổi, cùng nhu cầu vẫn đang rất lớn về các sản phẩm công nghệ. Trên cơ sở đó, ADB duy trì dự báo của bản báo cáo tháng 7: Kinh tế khu vực châu Á vẫn đủ khả năng tăng trưởng ở mức 5% trong năm nay, và 4,9% trong năm sau.
Bên cạnh đó, ADB cũng hạ dự báo lạm phát cho khu vực châu Á đang phát triển, bao gồm 46 quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, xuống còn 2,8% trong năm nay và 2,9% trong năm 2025, từ các mức dự báo tương ứng trước đó là 2,9% và 3,0%.
Những tín hiệu lạc quan này của ADB, có lẽ, cũng còn bắt nguồn từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã khởi động một chu kỳ nới lỏng tiền tệ mới vào tuần trước, với việc giảm mạnh lãi suất 0,5 điểm phần trăm. Theo ông Albert Park - Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB - với động thái trên của Fed, các ngân hàng trung ương sẽ có nhiều dư địa hơn để nới lỏng chính sách, và ADB cũng dự đoán rằng nhiều ngân hàng trung ương sẽ đi theo xu hướng này.
Ngay cả với nền kinh tế Trung Quốc, ADB cũng vẫn đặt rất nhiều sự tin tưởng. Kể cả khi xác định rằng Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ cần nhiều nỗ lực và hành động hơn nữa, với những chính sách chủ động hơn, để làm dịu những lo ngại của người tiêu dùng và nhà đầu tư, và rằng mọi biện pháp thúc đẩy tăng trưởng đều cần có thời gian để tác động đến hiện thực, thì với ông Albert Park, ADB cũng vẫn không quá lo ngại về tình trạng giảm phát ở Trung Quốc. Biểu hiện cụ thể của lòng tin ấy, là việc ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm 2024 đối với Trung Quốc ở mức 4,8%. Dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2025 cũng được duy trì ở mức 4,5%.
Như vậy, một cách ngắn gọn, với nội lực ít bị thương tổn hơn so với không ít khu vực kinh tế khác trên thế giới (bởi những hệ lụy của xung đột cũng như mâu thuẫn khoảng cách giàu nghèo, nhờ sự ổn định rất đáng chú ý về chính trị), và với những cơ hội đang mở ra từ việc Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cùng các ngân hàng lớn tiếp theo tiến hành nới lỏng chính sách tiền tệ, ADB có cơ sở để tự tin về sự vững vàng, ổn định cũng như tiềm lực tăng trưởng của khu vực kinh tế châu Á, nhất là với xu hướng chủ đạo đa phương hóa đang diễn ra.
Nhìn rộng hơn, đây cũng là một cách kín đáo khẳng định vị thế mới của các quốc gia đang phát triển, nhất là cộng đồng nam bán cầu, trong một trật tự đang định hình.