Cạm bẫy sau hào quang

Diễn ra từ ngày 19 đến ngày 22/8 ở thành phố Chicago, bang Illinois, Đại hội cử tri toàn quốc đảng Dân chủ (DNC) Mỹ được bao trùm bởi một bầu không khí lạc quan, cũng như niềm tin tưởng vừa được hồi sinh mạnh mẽ sau bước ngoặt quan trọng, về chiến thắng cuối cùng ở cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Song…
Bà Kamala Harris.
Bà Kamala Harris.

Tại DNC, ngày 20/8, đương kim Tổng thống Joe Biden thực hiện một “nghi thức” bắt buộc, mà nói một cách hình tượng như truyền thông phương Tây là việc chính thức “trao ngọn đuốc” lại cho người “phó tướng” của mình - bà Kamala Harris.

Thực tế, hành động này chỉ còn mang tính thủ tục, bởi kể từ một tháng trước, chương trình vận động tranh cử mà đảng Dân chủ tiến hành đã hoàn toàn rẽ sang một hướng mới, với “nhân vật chính” là bà Harris, sau khi ông chủ hiện tại của Nhà trắng tuyên bố sẽ không tái tranh cử. Một tháng trước, nỗi ám ảnh về thất bại đã trở nên vô cùng nặng nề đối với đảng Dân chủ. Còn hiện tại, theo kết quả thăm dò mới nhất do kênh truyền hình ABC News phối hợp nhật báo The Washington Post cùng hãng khảo sát Ipsos thực hiện, từ phía sau, bà Kamala Harris đã vượt lên dẫn trước ông Donald Trump 5 điểm phần trăm về tỷ lệ ủng hộ (50% trong tổng số hơn 2.300 người được hỏi cho biết sẵn sàng ủng hộ bà Harris, trong khi chỉ có 45% ủng hộ cựu Tổng thống Trump).

Một cách ngắn gọn, đến thời điểm hiện tại, bằng sức hấp dẫn mang nhiều tính biểu tượng gắn với hình ảnh của mình, bà Kamala Harris đã giúp chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ giành lại cục diện, phá vỡ kỷ lục gây quỹ, thu hút đông đảo người ủng hộ trong các cuộc vận động tranh cử, và thậm chí biến các cuộc thăm dò dư luận ở một số “bang chiến địa” thành lợi thế cho đảng Dân chủ. Nhìn về tương lai, đảng Dân chủ đã có thể tự tin nói về khả năng giành lại đa số tại Hạ viện Mỹ, cũng như cơ hội “đánh chiếm” ghế nghị sĩ của đảng Cộng hòa ở một số bang như Arizona, Pennsylvania hay California.

Lần lượt, mỗi ngày diễn ra, DNC giới thiệu một chủ đề thảo luận, với các đề tài giàu sức hiệu triệu: “Vì người dân” ngày 19/8, “Tầm nhìn táo bạo cho tương lai của nước Mỹ” ngày 21/8, “Cuộc chiến vì tự do” ngày 21/8 và “Vì tương lai của chúng ta” trong ngày bế mạc 22/8. Chương trình nghị sự này lan tỏa trên mọi nền tảng truyền thông xã hội (bao gồm cả X, Facebook, Instagram, Whatsapp và TikTok), bắt kịp xu thế, tiếp cận các nhóm cử tri trong thời gian ngắn nhất.

Ở rất xa phía sau hậu trường, như The New York Times hé lộ: Trong vòng ba năm qua, đã có khoảng 3,3 triệu người nhập cư được cấp quyền công dân Mỹ. Còn hiện tại, hàng nghìn người nhập cư đang trở thành “công dân Mỹ mới” mỗi tuần. Quy trình này đã được rút ngắn từ khoảng trung bình 11,5 tháng (năm 2021) xuống còn khoảng 4,9 tháng. Đương nhiên, nhóm cử tri này không có lý do gì để ủng hộ người muốn trục xuất họ, như ông Donald Trump.

Dù vậy, chặng về đích của bất cứ cuộc đua nào cũng sẽ tiềm ẩn rất nhiều cạm bẫy.

Thực tế là khi cương lĩnh của đảng Dân chủ được thống nhất nhằm tạo ra sự tương phản với lập trường của cựu Tổng thống Donald Trump, trong đó tập trung vào các đề xuất tăng lương tối thiểu liên bang, các khoản tín dụng thuế trẻ em, tín dụng thuế thu nhập tối thiểu, tăng thuế suất doanh nghiệp, cấm các loại “phí rác”, tăng cường các dự án năng lượng sạch… thì song song với đó, bài toán đích thực vẫn là chuyện: Theo dự báo của các chuyên gia, nếu không thay đổi bằng các biện pháp khắc nghiệt và cụ thể, giai đoạn 2025-2034, tổng thâm hụt ngân sách liên bang sẽ là khoảng 22,1 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, tổng nợ công nước Mỹ đã vượt mức 34.000 tỷ USD kể từ đầu năm nay.

Đông đảo người ủng hộ đảng Dân chủ đang vô cùng hưng phấn với các chương trình hỗ trợ an sinh xã hội, và đó sẽ là lực đẩy vô giá đối với các cuộc “tấn công” vào lưỡng viện các cấp. Tuy nhiên, ở tầm vĩ mô, để thuyết phục các đại cử tri và tiến vào Nhà trắng, việc giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội sẽ không thể chỉ là những khẩu hiệu chung chung…