Những người đo lũ

Ðợt lũ lịch sử xảy ra tại các tỉnh miền trung nhiều ngày qua, ở nơi nguy hiểm, mưa lũ lớn nhất, vẫn xuất hiện bóng dáng của những quan trắc viên thủy văn dầm mình trong sóng gió. Nước sông dâng cuồn cuộn, các quan trắc viên vẫn phải neo mình giữa sông đo nước, đo lưu lượng với mong mỏi mỗi bản tin dự báo, cảnh báo phát ra đến được với chính quyền và người dân vùng thiên tai.

Quan trắc viên Trạm Thủy văn Ðông Hà bảo đảm quan trắc trên tuyến sông Hiếu nơi vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999.
Quan trắc viên Trạm Thủy văn Ðông Hà bảo đảm quan trắc trên tuyến sông Hiếu nơi vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999.

Giữa lằn ranh sống - chết

Nằm bên dòng sông Thạch Hãn, Trạm Thủy văn Thạch Hãn (thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) cũng không thể thoát được cảnh bị lũ vây suốt mấy tuần qua. Thế nhưng, ngay cả khi trạm bị ngập, sinh hoạt của các cán bộ bị đảo lộn, nhưng những thông tin về thủy văn không hề bị gián đoạn.

Theo yêu cầu, cứ cách một giờ, các quan trắc viên của trạm lại khoác áo phao lên một con thuyền nhỏ ra sông để đo nước, đo lưu lượng dòng chảy. Trong điều kiện thời tiết bình thường, công việc cũng nhẹ nhàng. Nhưng ở vào thời điểm nước sông dâng lên không ngừng, áp lực làm sao vừa phải có được những thông số chính xác vừa phải bảo đảm an toàn cho bản thân quả thật rất lớn.

Ngày 18-10, mực nước lũ đã lên đến 7,39 m, cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1999 là 0,1 m, dòng sông đục ngầu, nước chảy xiết, cuốn theo nhiều cây rừng còn nguyên cả cành lá... Khi ấy, quan trắc viên trên một con thuyền nhỏ giữa dòng nghĩ gì? Ðó là câu hỏi tôi rất muốn đặt ra. Chị Mai Thị Thu Sương, công tác tại Trạm Thủy văn Thạch Hãn chỉ giản dị trả lời: “Chúng tôi biết là nguy hiểm lắm, nhưng cũng hiểu tính chất công việc. Vậy nên, thường động viên nhau, vất vả đến mấy cũng không lùi bước”.

Vâng, đã dấn mình vào cái nghề khí tượng thủy văn (KTTV) thì cũng chấp nhận cái nghiệp vào thân vậy. Anh Phan Ngọc Tính - Trưởng trạm Thủy văn Thạch Hãn chia sẻ, trong những điều kiện thời tiết bất thường, quân số ở trạm phải ứng trực 100%. Trong mỗi ca trực, người quan trắc lặng thầm với công việc quan sát hướng gió, đo mưa... Từ số liệu thô, người đo tính toán, mã hóa dữ liệu theo quy ước chung truyền về Ðài KTTV cấp trên. Những con số sẽ giúp cơ quan phòng, chống thiên tai xác định được khu vực ngập sâu, khu vực nguy hiểm để có kế hoạch di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Nên họ cũng như những người lính trên mặt trận rất đặc thù.

Dòng lũ không giới hạn, vượt qua mọi mốc lịch sử những ngày qua ở miền trung cũng đã tiến công vào các trạm quan trắc khí tượng thủy văn ở khu vực này. Không ít trạm bị nước cuốn sạt cả góc lớn, nhiều trạm nước dâng lên hết tầng một…

Giữa lằn ranh sống - chết, các cán bộ KTTV vẫn bám trụ kiên cường. Họ kiên cường chèo thuyền đi đo nước, lao ra dầm mưa để đo khi những trạm máy tự động bị hỏng… Có những khi trạm bị sự cố không xử lý được, Giám đốc đài KTTV tỉnh, thậm chí Giám đốc Ðài KTTV khu vực, hoặc các đơn vị kỹ thuật sẵn sàng vượt qua hàng trăm cây số, những cung đường sạt lở đến cứu trợ.

“Giữa bão lũ nguy hiểm nhiều cán bộ quan trắc viên vẫn phải lao vào làm nhiệm vụ. Họ làm thật sự có kỷ luật và trách nhiệm vì nghề. Chỉ khi không thể trụ lại vì đã ở mức trên cùng của sự mất an toàn thì anh chị em mới xin phép rút quân. Và họ vẫn không quên nói câu: Xin lỗi cấp trên, tôi phải rút!”, ông Ðinh Phùng Bảo - Giám đốc Ðài KTTV khu vực Trung Trung Bộ nghẹn ngào chia sẻ.

Những người đo lũ -0
Quan trắc viên Trạm Mai Hóa trên sông Gianh (Quảng Bình), sáng 19-10. 

Khoảng lặng sau những bản tin

Tại cơ quan đầu não là Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia và các đơn vị nghiệp vụ ở Trung ương, những ngày cao điểm tháng 10 này, mỗi ngày làm việc không có điểm dừng, hết ngày sang đêm và ngược lại để đấu trí với thiên nhiên khôn lường. Những cuộc họp trực tuyến, trực tiếp diễn ra liên tục thông trưa, thậm chí cả vào lúc đêm muộn, cập nhật liên tục những diễn biến thời tiết để có được các bản tin chi tiết từng giờ phục vụ người dân. Gần như các cán bộ bám trụ trong ca trực không thể rời khỏi vị trí, bữa ăn cũng chỉ là cốc mì ăn liền dằn bụng…

Dự báo viên Phạm Thị Phương Dung, Phòng Dự báo số trị viễn thám (Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia), nơi theo dõi và phân tích ảnh mây vệ tinh chia sẻ: “Những ngày qua lúc nào tôi cũng thèm có một giấc ngủ đủ giấc. Công việc căng thẳng, nhưng đến khi ngồi trước màn hình máy tính thấy cảnh người dân phải chạy lũ trong mênh mông biển nước tôi lại quên hết mệt nhọc, cố gắng làm thật nhanh công việc”. Ngày 20-10 năm nay, món quà mong chờ nhất, không phải là bó hoa tươi thắm chúc mừng mà chính là niềm mong mỏi bão lũ sớm qua đi để những cán bộ nữ được trở về, nấu một bữa cơm ngon cho chồng, con và ngủ một giấc thật sâu.

Mỗi kỹ thuật viên đều ý thức rõ trách nhiệm của mình trong việc cập nhật thông số liên tục, chính xác đến mức tuyệt đối cả về thời gian lẫn số liệu. Bởi, chỉ cần chệch một chút, số liệu thay đổi, kết quả dự báo thiếu chuẩn xác có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Khi các hiện tượng mưa đá, lốc xoáy, dông sét... xảy ra, người quan trắc cũng báo cáo tỉ mỉ thời gian, địa điểm, hậu quả để chuyên gia đưa ra nhận định, dự báo sớm nhất. Sau mỗi bản tin KTTV là sự an nguy của không biết bao nhiêu con người.

Thế nhưng, không chỉ đối mặt với thiên tai, những người làm dự báo KTTV hôm nay còn gặp phải không ít những khó khăn, thách thức khác, như phải xử lý kịp thời những tin giả về thời tiết trên mạng xã hội. Chẳng hạn, từ ngày 19-10, trên một số trang Facebook, fanpage có đưa tin về việc Cơ quan Khí tượng Nhật Bản dự báo bão số 8 có khả năng mạnh lên tới cấp 17 (cấp siêu bão) và đổ bộ vào Trung Bộ. Thông tin này là hoàn toàn sai vì đến thời điểm đó Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cũng như các nước khác không có dự báo như vậy. “Tất cả các thông tin nhận định bão Saudel mạnh siêu bão là không có cơ sở, và là nguồn tin giả mạo” - ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia khẳng định, và nhấn mạnh rằng: “Trong khi cả nước đang hướng về miền trung, bà con miền trung đang phải gồng mình lên để chống chịu với mưa lũ, thì những thông tin giả mạo trên là rất đáng lên án”.

Cuộc sống của những dự báo viên, quan trắc viên những năm gần đây đã đỡ vất vả hơn nhờ sự quan tâm, đầu tư của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị từ chế độ tiền lương, đầu tư trang thiết bị hiện đại, đào tạo nâng cao trình độ và nguồn nhân lực chất lượng... Mỗi bản tin thời tiết đến với người dân, đôi khi chỉ vẻn vẹn vài dòng chữ, khô khan, và chẳng ghi tên quan trắc viên phía dưới. Chỉ người làm nghề KTTV mới thấu hiểu, phía sau những con số tưởng như khô khan đó, là biết bao nỗ lực, hy sinh lặng thầm. Với họ, chỉ làm hết trách nhiệm thôi là chưa đủ, mà để có thể gắn bó với cái nghề rất đặc thù ấy không thể thiếu sự đam mê, tinh thần cống hiến và thậm chí chấp nhận sự hy sinh.

Phía sau mỗi bản tin KTTV là sự vô cùng của thời tiết, sự phong phú của cuộc sống, và hơn hết là những con người!

Theo TS Hoàng Ðức Cường, Phó Tổng Cục trưởng Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), để phục vụ phòng, chống thiên tai, giảm thiệt hại về người và tài sản, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới, định hướng chung trong dự báo KTTV là sớm hơn, chi tiết hơn và tin cậy hơn. Như vậy các thiên tai sẽ được cảnh báo sớm hơn, mức chi tiết trước mắt cần đạt đến cấp quận/huyện, sau đó cần chi tiết đến cấp xã trên phạm vi toàn quốc và bảo đảm độ tin cậy đối với tất cả các dự báo, đặc biệt là đối với các loại thiên tai có thể thiệt hại về người.