Những điều thấy và chưa thấy ở Palestine

Chúng tôi đến Ramallah, thủ đô hành chính của nhà nước Palestine vào đầu tháng Sáu, thời điểm khô hạn nhất trong năm.
0:00 / 0:00
0:00
Núi Cám dỗ nổi tiếng ở thành phố Jericho.
Núi Cám dỗ nổi tiếng ở thành phố Jericho.

Nắng bắt đầu lên từ 6-7 giờ sáng và kéo dài tới 6-7 giờ chiều. Nhiều nắng như vậy, nhưng nhiệt độ mát mẻ, khô ráo, đi bộ cả ngày không ra mồ hôi. Khí hậu như Sapa, Đà Lạt, còn phố thì quanh co, lên xuống; nhà văn Nguyễn Bình Phương nhận xét, thành phố này rất giống phố núi Pleiku. Bầu trời xanh, không một gợn mây, có rất nhiều chim bay và cũng có rất nhiều tiếng... máy bay, từ sáng tới đêm khuya.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa là người đầu tiên nhận ra điều này, ông thắc mắc không hiểu máy bay của quốc gia nào, vì hiện tại Palestine không được phép có sân bay cũng như cảng biển. Đến Palestine chỉ bằng hai lối đường bộ vào duy nhất, đều do Israel quản lý: khu Bờ Tây qua cửa khẩu biên giới với Jordan, còn Dải Gaza qua cửa khẩu biên giới với Ai Cập. Murad Sudani, Chủ tịch Hội Nhà văn Palestine nói với chúng tôi, người dân Bờ Tây muốn sang Dải Gaza, theo phép tắc hiện hành, chỉ được một lần trong vòng... 30 năm.

Từ Jordan vào Palestine chúng tôi đi qua thành phố Jericho. Thành phố này là khu vực thấp nhất thế giới có con người cư ngụ, nằm dưới mực nước biển gần 300 mét. Theo kết quả khảo cổ, loài người bắt đầu xuất hiện ở Jericho từ 9.000 năm trước công nguyên nên Jericho được coi là thành phố cổ xưa nhất thế giới. Jericho có nghĩa là “Mặt trăng”, từ đây, bằng mắt thường ta sẽ thấy mặt trăng có kích thước lớn nhất, lớn hơn bất cứ nơi nào trên trái đất. Đây cũng là một địa chỉ tôn giáo nổi tiếng, nơi Chúa Jesu lần đầu được rửa tội bên bờ sông Jordan; có cây sung 2.000 năm tuổi, theo truyền thuyết là nơi Chúa Jesu từng nghỉ chân khi đi lên núi Cám dỗ, nhịn ăn 40 ngày chống lại sự cám dỗ của ma quỷ, trước khi trở thành vị thánh.

Những điều thấy và chưa thấy ở Palestine ảnh 1
Buổi sáng ở Ramallah.

Từ khi còn ở trong nước, chúng tôi đã ước ao, nếu đến Palestine, nhất định phải tới Biển Chết, nằm ở ngã ba biên giới Palestine, Jordan và Israel. Khi được tham quan Biển Chết, nhiều thành viên trong đoàn đã phấn khởi đi mua quần áo bơi. Tôi thậm chí còn “đặt hàng” các đồng nghiệp chụp giúp mình một tấm ảnh vừa nằm trên mặt biển (vì độ mặn nước biển từ 30-40% nên khi xuống nước người sẽ nổi lềnh bềnh), vừa gọi điện thoại về Việt Nam cho người thân. Ngay cả khi nhìn thấy những hàng rào dây thép gai dài bất tận ngăn cách biển với đường cái, thì chúng tôi vẫn đinh ninh sắp được trầm mình trong làn nước xa xa bí ẩn kia. Đến khi xe bất ngờ dừng lại và Murad Sudani buồn bã nói: “Chúng ta chỉ được phép đi đến đây” rồi chỉ tấm biển sắt gắn trên hàng rào thép viết bằng ba thứ tiếng Anh, Israel và Ả-rập: “Nature reserve closed! No entry! Trespassers will be prosecuted!” (Khu bảo tồn thiên nhiên đóng cửa! Cấm vào! Những kẻ xâm nhập sẽ bị truy tố!) thì chúng tôi mới ngớ người ra. Mohamed Dalla, nhà văn Palestine kiêm phiên dịch tiếng Anh, cay đắng nói: “Nếu bước qua hàng rào này một mét, có thể bạn sẽ bị lính Israel bắn hạ. Chỉ người Israel mới được tự do xuống biển và khai thác các nguồn lợi từ biển”. Sau này, trước khi về nước chúng tôi mua một số sản phẩm của Biển Chết như muối, mỹ phẩm làm từ bùn biển, trên bao bì đều ghi “made in Israel” mới tin những điều Mohamed nói là thật!

Một địa danh nữa mà người Palestine và người nước ngoài đến Palestine không được vào, đó là Jerusalem, hiện do Israel kiểm soát. Đây là vùng đất tối linh thiêng với ba tôn giáo khởi nguồn từ nhà tiên tri Abraham: đạo Do Thái, đạo Ki-tô và đạo Hồi. Cả Israel và Palestine đều tuyên bố đó là thủ đô của mình, nhưng kẻ mạnh hơn mới là người đang chiếm giữ.

Những điều thấy và chưa thấy ở Palestine ảnh 2
Biển Chết bị ngăn cách bởi hàng rào dây thép gai.

Từ Jerusalem, đi khoảng 30 km về phía nam, sẽ đến thành phố Hebron, đô thị cổ đông dân nhất ở khu Bờ Tây. Hebron được UNESCO đưa vào danh sách di sản thế giới cần được bảo vệ của Palestine, thế nhưng an ninh thành phố lại do lính Israel kiểm soát. Nằm ở trung tâm là Đền thờ Ibrahim, tên nhà tiên tri Abraham theo tiếng Ả-rập, đây còn được gọi là khu Lăng mộ các tổ phụ. Đền thờ được chia làm hai khu, trong đó nhà thờ Hồi giáo thuộc về Palestine, phần còn lại là khu hành lễ của người Israel. Với người Palestine và khách nước ngoài, khi vào đền thờ phải thực hiện thủ tục rất rắc rối. Cửa vào bị ngăn bằng rào thép, có binh sĩ Israel cầm tiểu liên canh gác, thái độ xét nét, lạnh lùng và nghiêm khắc. Du khách phải xếp hàng dài trước nhiều lớp cửa sắt, chờ gọi đến lượt, trình hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân, kiểm tra an ninh như trước khi lên máy bay; máy quay phim, máy ảnh đều bị cấm. Trong khi ngay bên cạnh, một con đường rộng thênh thang, thưa thớt người vào ra và không phải chịu bất cứ sự giám sát nào. Trả lời thắc mắc của chúng tôi, bạn giải thích với thái độ bất mãn: “Đó là lối đi dành riêng cho người Do thái”. Bên trong đền, khu nhà thờ Hồi giáo đặt mộ gió của các cặp vợ chồng Abraham và Sara, Isaac (con trai của Abraham) và Rebecca, Jacob (con trai của Isaac) và Leah. Điều đáng nói là, ngoại trừ nhà tiên tri Abraham là tổ phụ chung của người Hồi giáo và Do thái giáo, thì Isaac và Jacob là tổ phụ của riêng người Do thái. Khu hành lễ của người Do thái cấm người lạ vào nên chúng tôi không biết ở đó như thế nào. Có nhiều điều khó hiểu mà chúng tôi chưa thể tìm ra lời giải đáp.

Một địa chỉ tôn giáo nổi tiếng nữa ở Palestine là Nhà thờ Chúa giáng sinh ở Bethlehem. Bethlehem hiện do Palestine quản lý nên chuyến tham quan diễn ra khá thuận lợi và thư thái. Khu chính điện của nhà thờ, có vòm cao hàng chục mét, được đỡ bằng 33 cột đá quý từ Jerusalem, tương ứng với tuổi tại thế của Chúa Jesu. Trên mỗi cột đá có những hình vẽ chìm Đức chúa, đẹp vô cùng. Hướng dẫn viên giải thích, người xưa đã dùng một vật liệu kỳ bí nào đó, giống như để vẽ các hình trong kim tự tháp Ai Cập. Đường xuống hang đá, nơi Chúa Jesu ra đời, khách tham quan xếp hàng dài dằng dặc, may nhờ có can thiệp của ông Phó Chủ tịch thành phố Bethlehem, chúng tôi được ưu tiên. Máng cỏ ngày xưa nơi đức Chúa sơ sinh nằm, bây giờ là một hang nhỏ hình chữ nhật. Chính giữa có một khoảng lõm, hình tròn, chung quanh có những cánh sao, giống như các ngôi của Chúa. Từng người một quỳ xuống, cúi đầu, chạm tay vào khoảng lõm đó, nói lên điều ước hoặc xoa tay lên mặt để xin khước lành. Nhưng nơi này cũng đã từng xảy ra những cuộc đấu súng giữa binh lính Israel và những người kháng chiến Palestine...

Trong hơn một tuần đoàn nhà văn Việt Nam thăm Palestine theo lời mời của bạn, hầu như ngày nào chúng tôi cũng làm việc từ 9 giờ sáng cho tới 9 giờ đêm. Chúng tôi tiếp xúc với người dân, các cơ quan nhà nước, các tổ chức văn hóa - xã hội, các nhà báo, nhà văn, các cựu tù chính trị, các nhà ngoại giao, các vị lãnh đạo của tổ chức PLO và nhà nước Palestine. Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh đã trò chuyện với chúng tôi hằng giờ và thay mặt Tổng thống Mahmoud Abbas tặng Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều Huân chương Văn hóa, Khoa học và Nghệ thuật, vinh danh các trí thức nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động nghệ thuật đã có những đóng góp xuất sắc trong sự nghiệp sáng tạo. Giữa những khoảng thời gian đó là những chuyến đi đến các địa danh nổi tiếng, nơi mỗi mét đất đều chứa đựng hàng nghìn năm lịch sử, cũng như gắn liền với sự tranh chấp kéo dài tới tận hôm nay.

Những điều thấy và chưa thấy ở Palestine ảnh 3
Góc phố yên bình ở Ramallah.

Trong tất cả các lần tiếp xúc, bạn chỉ có một đề nghị duy nhất, các nhà văn Việt Nam hãy viết về những điều mắt thấy tai nghe ở mảnh đất này, chỉ cần viết đúng về điều đó. Nhưng có lẽ công việc quan trọng nhất của nhà văn là viết cả về những điều không hoặc chưa trông thấy, đây mới là việc khó nhất.

Chúng tôi quay lại Jericho trên đường rời Palestine về Việt Nam. Một chuyến đi thật đặc biệt, hiếm có trong đời người đến vùng đất linh thiêng nhưng chứa đựng nhiều bất ổn. Từ bên sườn núi khô cằn, chợt xuất hiện những cơn gió mầu xám chuyển động rất nhanh. Nhìn kỹ thì hóa ra đó là một đàn dê, cừu và cả bò nữa, lên tới hàng trăm con, dưới sự điều khiển của một cậu bé, đang chen nhau chạy. Giữa mùa khô, những ngọn cỏ khô héo như trốn hết vào khe đá, vậy mà những con vật đói khát kia vẫn sục sạo tìm ra thức ăn. Ai đó bỗng nói, khi Chúa để cho một sinh linh xuất hiện ở đâu, thì sẽ chỉ cho nó cách sống và tồn tại.

Tôi chợt nhớ đến câu thơ của nhà thơ nổi tiếng người Palestine Mahmoud Darwish: Di sản đất đai được thừa kế như một di sản ngôn ngữ. Câu thơ này treo trang trọng trong bảo tàng mang tên ông ở Ramallah. Một dân tộc từ bỏ ngôn ngữ của mình, thì dân tộc ấy không còn tồn tại nữa. Ngôn ngữ luôn được kế thừa từ đời này sang đời khác, giống như miền đất nơi người ta sinh ra, lớn lên, mưu cầu hạnh phúc và từ giã thế giới này sẽ luôn thuộc về họ và ngược lại, vĩnh viễn là như thế. Mọi cuộc đấu tranh chính nghĩa bảo vệ mảnh đất của mình tất yếu sẽ về đích như lịch sử đã từng chứng minh như vậy.