Những công trình chưa có tiền lệ
Ngấp nghé tuổi 80 nhưng phong thái vẫn hoạt bát và sôi nổi, Đại tá, PGS,TS Phạm Ngọc Nam, nguyên Phó Viện trưởng Kỹ thuật công binh nhớ lại: sau sự kiện Gạc Ma xảy ra tháng 3/1988, Đảng và Nhà nước ta sớm nhận ra nguy cơ bị đe dọa về chủ quyền biển đảo nên đã có những chủ trương và quyết sách đúng đắn, sáng tạo. Từ đề nghị của Bộ Quốc phòng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khi đó đã ký quyết định về chủ trương xây dựng các công trình trên các bãi đá san hô ngầm với tên gọi “Trạm dịch vụ-kinh tế-khoa học kỹ thuật”, đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo DK1 do một Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (bây giờ là Phó Thủ tướng Chính phủ) làm trưởng ban. Tham gia các đề tài, dự án DK1 có các lực lượng chính như: dầu khí, giao thông vận tải, Bộ Tư lệnh Công binh, Trường đại học Xây dựng... Trong đó “tổng chỉ huy” các lực lượng thiết kế, sản xuất, thi công là Đại tá Nguyễn Quý, Cục trưởng Kỹ thuật (Bộ Tư lệnh Công binh). Riêng khâu thiết kế do PGS Phạm Ngọc Nam, Phó Viện trưởng Kỹ thuật công binh làm Chủ nhiệm.
Những năm 1989-1990, nền kinh tế đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, phương tiện đi lại trên biển còn thô sơ, thiếu thốn. Trên thế giới cũng chưa có loại công trình đặc thù ngoài biển nào để chúng ta học hỏi, tham khảo cho nên chỉ có cách tự mày mò, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Từ những khảo sát, đo đạc ban đầu của Lữ đoàn 171 (Hải quân), nhóm nghiên cứu do PGS Phạm Ngọc Nam chủ trì và các cộng sự đã ra vùng thềm lục địa phía nam nhiều lần để điều tra, nghiên cứu các thông số như độ cứng của san hô, độ dày của lớp bùn, sức gió từng thời điểm, tác động của sóng vào các công trình. Những chuyến ra khơi làm nhiệm vụ, ngắn thì mươi ngày, dài tận hai tháng lênh đênh trên biển; không ít lần phải đối mặt với sóng to bão lớn, thiếu nước ngọt đến mức anh em phải chia nhau từng ca nước đánh răng, rửa mặt.
Các nhà giàn DK1 được xây dựng trên thềm lục địa nước ta bao gồm các bãi Phúc Tần, Huyền Trân, Ba Kè, Tư Chính, Phúc Nguyên, Quế Đường... có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng. Những ngày đầu, các lực lượng của Ban Quản lý Dầu khí Vũng Tàu, Viện Thiết kế cơ khí Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư lệnh Công binh, Nhà máy X49, mỗi nơi đảm nhận một “công đoạn”, khẩn trương vừa thiết kế vừa thi công. Trong bối cảnh cách đây hơn 30 năm, khoa học và công nghệ còn kém phát triển nên sản phẩm ban đầu chỉ là chiếc “phao lớn” làm bằng các ống kim loại được nhồi bê-tông neo đậu trên nền đá san hô. Giữa bao la trùng khơi, giữa cái nắng nóng 40-41oC, các chiến sĩ hải quân phối hợp công binh khuân vác, ngụp lặn và mô hình nhà giàn đầu tiên cũng được tạo dựng. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, các “phao lớn” này dễ bị di chuyển bập bềnh khi có sóng to gió lớn. Nhờ có khoan thăm dò địa chất và các thiết bị nghiên cứu mới về kỹ thuật công nghệ, từ những năm 1991-1996, các thiết kế về nhà giàn thế hệ thứ hai, thứ ba được hình thành, xây dựng. Lại những chuyến ra khơi trên tàu hải quân hàng tháng trời; khó nhớ hết những lần say sóng mà mấy ngày sau mới hoàn hồn và không ít lần phải đối mặt với gió giật sóng lừng, thậm chí có lúc phải đương đầu với sự quấy nhiễu của tàu nước ngoài. Nhưng vượt lên tất cả, các công trình nhà giàn DK1 có bốn cọc kim loại cắm xuống nền đá san hô sâu hơn 13m; nhà giàn thế hệ thứ ba được thiết kế gồm sáu cọc kim loại cắm sâu 25m vững chãi, phía trên có ba tầng nhà được dựng song song với nhà giàn thế hệ hai bằng một cây cầu thép dài khoảng 45-50m đã từng bước mọc lên. Đặc biệt, có nhà giàn được thiết kế để khi cần máy bay trực thăng có thể lên xuống một cách thuận lợi. Ghi nhận đóng góp, sáng tạo của những người xây dựng nên nhà giàn DK1, năm 2012, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ cho nhóm tác giả mà PGS,TS Phạm Ngọc Nam là thành viên chính.
Khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng
Không kể thời kỳ những năm 1990-2000, khi các cơn bão lớn đã quật đổ, nhấn chìm một số công trình thì đến nay chúng ta có hơn 20 nhà giàn đang sừng sừng giữa thềm lục địa phía nam Tổ quốc. Đại tá Phạm Ngọc Nam chủ nhiệm thiết kế 17 công trình (từ 1990-1998), chưa kể về sau ông còn đảm nhận Trưởng ban DK1 (Bộ Tư lệnh Công binh) và tham gia với vai trò gia cố, nâng cấp một số nhà giàn khác bị xuống cấp. Cuốn “Nhật ký đời biển - DK1” mà PGS Nam cho tôi xem qua tập hợp hàng nghìn ghi chép, hàng trăm bài thơ ngắn trong hơn 30 năm qua. Đó là những chuyến tàu khởi hành từ Tân Cảng Sài Gòn hay xuất phát từ Vũng Tàu ra vùng biển phía nam để khảo sát, nghiên cứu; những trận say sóng, mệt lử người; niềm vui dâng trào khi một nhà giàn nào đó được dựng lên; niềm cảm phục trước tinh thần, nghị lực và hy sinh của cán bộ, chiến sĩ bảo vệ nhà giàn; tâm trạng nhớ vợ, thương con khi hàng tháng trời lênh đênh giữa biển khơi làm nhiệm vụ... Nhưng xuyên suốt trong cuốn nhật ký là những chủ trương, quyết sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và quân đội về vị trí chiến lược của Trường Sa và Hoàng Sa; về tiềm năng kinh tế biển đảo thuộc thềm lục địa phía nam đất nước cần được bảo vệ, giữ gìn và khai thác hợp lý. Cũng vì thế, từ các “phao lớn”, “nhà chòi” ban đầu đến các “mắt thần”, “khách sạn giữa Biển Đông” đã từng bước được đầu tư xây dựng.
Nhiều năm gắn bó với các công trình biển đảo, với nhà giàn, PGS Nam chia sẻ các công trình trên biển là sức lực, trí tuệ của nhiều lực lượng hợp thành, nhưng quản lý, bảo vệ những “cột mốc chủ quyền trên biển đảo” luôn gian nan, thử thách gấp bội. Ông trải lòng: những người thiết kế, thi công như chúng tôi thường ra biển vài tuần, lâu lắm là hai tháng nhưng các cán bộ, chiến sĩ hải quân (tiểu đoàn DK1) làm nhiệm vụ trên các nhà giàn ít cũng mấy năm, thậm chí có cán bộ chỉ huy trong hơn 10 năm di chuyển qua ba, bốn điểm nhà giàn nên hiếm khi được vui Tết, đón xuân cùng gia đình, vợ con. Chẳng hạn như Trung tá Nguyễn Xuân Hà (quê Thái Bình) làm chỉ huy trưởng các nhà giàn hết cụm Phúc Tần, Phúc Nguyên sang cụm Huyền Trân. Có thời điểm người thân qua đời nhưng không về chịu tang được, anh em đồng đội trên nhà giàn ngoài khơi đành tổ chức thắp hương, vái vọng người quá cố nơi quê nhà. Hơn 30 năm qua, không ít cán bộ, chiến sĩ hải quân đã ngã xuống trong khi làm nhiệm vụ bởi những cơn bão giật trên cấp 13 đã quật đổ nhà giàn như các liệt sĩ Trần Hữu Quảng, Nguyễn Văn An, Lê Đức Hồng, Vũ Quang Chương...
Nhà giàn DK1 lâu nay thực sự là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân mỗi lần vươn khơi bám biển. Hàng chục năm qua, cán bộ, chiến sĩ các nhà giàn đã cứu nạn, cứu hộ hàng trăm lượt tàu thuyền, cung cấp hàng nghìn m3 xăng dầu và nước ngọt cho bà con ngư dân. Đồng thời họ cũng là những người góp phần đưa thông tin kịp thời giúp tàu thuyền của ngư dân vào nơi tránh trú an toàn trong mùa mưa bão, hoặc đối phó với những sự cố bất thường trên biển. Những hành động, việc làm nghĩa tình của các chiến sĩ nhà giàn quả thật càng tô thắm thêm phẩm chất “anh Bộ đội Cụ Hồ” giữa biển trời Tổ quốc thân yêu.
Chiến sĩ Nhà giàn Phúc Nguyên 2 chăm sóc những bồn rau xanh. Ảnh: MAI THẮNG |