BÀI DỰ THI "HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH"

Những con chữ nhân hậu

Dù đã về hưu, Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) Nguyễn Thị Thông ở thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) vẫn không rời bục giảng. Ngày ngày, bà đưa con chữ đến với hàng trăm trẻ em và ngư dân nghèo không có cơ hội đến trường. Âm thầm bà mở ra cho con trẻ xứ biển những khát khao và cơ hội thay đổi cuộc sống không còn phải ám ảnh cái nghèo.

Với tấm lòng thiện nguyện, cô giáo Thông đã giúp nhiều trẻ em Ngư Lộc biết chữ.
Với tấm lòng thiện nguyện, cô giáo Thông đã giúp nhiều trẻ em Ngư Lộc biết chữ.

Cô giáo vùng biển nghèo

Dự lớp học tình thương của cô giáo Thông vào một chiều đầu tháng 7-2014, dù thời gian không nhiều nhưng tôi có thể cảm nhận được sự tận tình và hết lòng vì thế hệ trẻ của "người mẹ hiền" vùng biển nghèo Hậu Lộc. Chiều nay, lớp học học chương trình lớp 4 với bài tập đọc và viết chính tả "Đường lên Sa Pa". Tuy các em đọc chưa rõ ràng, mạch lạc, thi thoảng vẫn còn phát âm sai, chữ viết còn chưa được tròn trịa nhưng hơn tất cả là tình thương vô bờ bến của cô giáo Nguyễn Thị Thông.

Là con gái út trong gia đình vùng biển nghèo khó, từ nhỏ, cô Thông đã nuôi mơ ước được đứng trên bục giảng dạy chữ cho con em quê mình. Học hết lớp bảy, cô năn nỉ bố mẹ xin cho dạy lớp vỡ lòng của thôn. Dạy học được chừng một năm, chủ tịch xã Ngư Lộc khi đó thấy cô yêu nghề nên động viên cô đi học sư phạm. Năm 1966 tốt nghiệp, cô về dạy tại Trường tiểu học Đa Lộc, huyện Hậu Lộc. Nhờ nỗ lực phấn đấu, cô được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Đa Lộc rồi Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Đông Sơn. Tới năm 1987, cô về Trường Tiểu học Ngư Lộc 2, đảm nhiệm chức Hiệu trưởng đến khi nghỉ hưu và năm 1996, cô vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu NGƯT. Từ ngày về hưu, cô Thông sống trong căn nhà nhỏ nuôi chị gái mù lòa.

Năm 2002, nhận thấy trong xã số lượng trẻ em thất học nhiều, cô Thông không khỏi trăn trở. Nhớ lời Bác dạy: "Người biết một chữ phải dạy cho người chưa biết chữ!", cô quyết định mở lớp dạy học miễn phí cho các em thất học ngay tại chính ngôi nhà nhỏ lụp xụp của mình. Lúc ấy, lớp học tình thương của cô chỉ có 16 em, trong đó có tới tám em mồ côi. Bàn ghế dành cho học sinh ngồi cũng chỉ là những cánh cửa nhà, cửa bếp ọp ẹp, cũ nát. Chiếc bảng viết ngày đó là tấm cót ép đã rách mép te tua, sách giáo khoa được phô-tô, cấp không cho học sinh... Đó là tất cả những gì mà cô giáo Nguyễn Thị Thông làm hành trang "gieo" từng con chữ nhọc nhằn giữa làng biển mà không hề nghĩ đến một đồng thù lao.

Hiểu được tấm lòng thương yêu trẻ em của cô Thông, năm 2009, chính quyền xã Ngư Lộc đã dành riêng một căn phòng khá rộng rãi trên tầng hai của Trung tâm Học tập cộng đồng để cô tiếp tục dạy học. Tiếp đó, nhiều tổ chức, cá nhân biết chuyện đã gửi tặng đồ dùng học tập cho lớp học, nhờ vậy các em được phát sách vở, giấy bút miễn phí. Giờ đây, tuy đã gần 70 tuổi nhưng đều đặn buổi chiều các ngày trong tuần (trừ chủ nhật), cô đều đứng lớp. Tối đến, lớp học tình thương của cô lại sáng đèn để xóa mù cho những người có độ tuổi từ 35 đến 60 trước đây không có điều kiện đến trường.

Tình thương tỏa rộng

Hơn 12 năm qua, lớp học tình thương của cô Thông đã trở thành "địa chỉ đỏ" cho những người nghèo đói chữ. Ngoài dạy chữ, cô Thông còn dạy các em cách làm người và chăm sóc các em như con đẻ. Biết học sinh nào có hoàn cảnh đáng thương phải nghỉ học giữa chừng, cô thường trích khoản tiền lương hưu ít ỏi để mua gạo, quần áo đem tặng nhằm động viên, khích lệ các em tiếp tục đến trường.

Trong lớp học của cô hiện có em Thủy tật nguyền và em Thắm thiểu năng trí tuệ. Nhờ sự dìu dắt, chỉ dạy tận tâm của cô, các em không những biết đọc, biết viết và làm toán thuần thục. Mỗi lần cô giáo bận họp hành em Thủy còn có thể kèm cặp cho các bạn trong lớp. So với Thủy, Thắm nhiều tuổi hơn nhưng chậm tiếp thu, cô giáo giảng xong là quên hết. Thế nhưng, Thủy thường giúp đỡ Thắm. Thấy bạn học tập khó khăn, mỗi khi ra chơi, nghỉ giữa giờ Thủy lại tranh thủ giảng lại bài cho Thắm, bởi vậy kết quả học tập của cô bé thiểu năng trí tuệ được cải thiện trông thấy.

Nhờ nỗ lực đóng góp với tinh thần thiện nguyện của cô Thông, hàng trăm trẻ em vùng biển không biết chữ được học hết chương trình lớp năm và được vào học ở trường THCS. Cùng thời gian ấy, có 51 người có độ tuổi từ 35 đến 60 đã học hết chương trình xóa mù chữ. Suốt hơn một thập kỷ thiện nguyện, điều hạnh phúc nhất với cô Thông là chứng kiến đám trẻ mình nhận dạy đã ngày càng khôn lớn, trưởng thành.

Hơn ai hết, cô hiểu, cái nghèo đeo bám nơi vùng quê là thiếu vắng ánh sáng của tri thức. Hạnh phúc nào bằng khi nhiều học trò cao tuổi của cô trước đây không hề biết mặt chữ thì giờ đã có thể đọc, viết thành thạo và có thể viết thư gửi cho con cái phương xa cũng như vỡ òa hạnh phúc khi đọc được rành mạch, rõ ràng thư con gửi về. Nhìn vào, ít ai nghĩ cô Thông có cuộc sống cô đơn vì đã hy sinh tuổi thanh xuân, quên đi giấc mơ về một mái ấm gia đình. "Công lao của cô Thông với vùng biển Ngư Lộc kể sao cho hết. Với bà con, nhất là trẻ nhỏ ở đây, cô Thông thật sự là người mẹ hiền và đã đem đến cho chúng tôi ánh sáng tri thức!", bà Nguyễn Thị Minh, một người từng học lớp xóa mù của cô Thông nói về cô giáo của mình với lòng biết ơn.

Ghi nhận những đóng góp của cô Thông, ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho hay: "Bà Thông là một tấm gương sáng. Chính quyền địa phương và bà con ngư dân biết ơn việc làm, sự hy sinh thầm lặng mà ý nghĩa của bà. Ở bà, người ta thấy được đúng chất nhà giáo có tấm lòng nhân ái. Dù tuổi cao, sức yếu, hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng bà vẫn luôn hết lòng dạy chữ và cách sống nhân hậu ở vùng biển Ngư Lộc này".