Chuyện đời chuyện nghề

Như con ong nhả mật cho đời

Tóc đã bạc, mắt đã kém nhiều và chân đã chậm nhưng ở cái tuổi ngấp nghé 90, GS, NGND Hà Minh Đức vẫn đều đều ra sách. Mỗi lần như vậy, thầy lại gọi điện cho những học trò gần gũi, thân tình đến nhận sách thầy tặng.
0:00 / 0:00
0:00
Ký họa chân dung GS Hà Minh Đức của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.
Ký họa chân dung GS Hà Minh Đức của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.

Lớp ngữ văn K17, Đại học Tổng hợp Hà Nội chúng tôi (trước đây) nhận giấy báo nhập học giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt (năm 1972) và tốt nghiệp khi hai miền nam-bắc đã liền một dải vào cuối năm 1976. Theo sự phân công của nhà trường, thầy Hà Minh Đức làm chủ nhiệm khóa học suốt bốn năm liền.

Hoàn cảnh chiến tranh, thầy và trò phải đi sơ tán nhiều năm liền hết Đại Từ (Thái Nguyên) rồi về Yên Phong (Hà Bắc cũ). Vả lại, thời kỳ này các giáo trình phục vụ học tập của các khoa nói chung, trong đó có Ngữ văn nói riêng chưa định hình và khan hiếm nên cán bộ giảng dạy như thầy phải giành thời gian nghiên cứu, viết tài liệu để phục vụ sinh viên học tập và tham khảo.

Bởi vậy, mối liên hệ giữa giáo viên chủ nhiệm và các học trò chủ yếu thông qua ban cán sự lớp, hoặc chúng tôi chỉ được gặp thầy qua một số buổi thầy lên lớp về lý luận văn học. Sau này công cuộc đổi mới mở ra, đời sống dễ chịu hơn, lại được làm việc ở khu vực Hà Nội thì việc gặp gỡ các thầy, cô giáo thời đại học, nhất là GS Hà Minh Đức mới thuận lợi hơn.

Nhiệm sở nơi tôi làm việc cách cơ quan thầy chừng 5-7km. Khi thầy làm Chủ nhiệm Khoa Báo chí (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) hay thời kỳ giữ trọng trách Viện trưởng Viện Văn học, tôi càng có dịp tiếp xúc và gặp gỡ thầy nhiều hơn thông qua các hội nghị, hội thảo. May mắn nữa là mỗi lần có công trình được xuất bản, thầy lại gọi một vài học trò mà thầy quý trong đó có tôi gặp nhau ở Lê Ngọc Hân hoặc Trần Hưng Đạo để thầy “khao” và tặng sách.

Gần 50 năm gắn bó với hoạt động giảng dạy văn học, báo chí ở bậc đại học ngoài hướng dẫn khóa luận, luận văn tốt nghiệp cho hàng nghìn lượt sinh viên, GS Hà Minh Đức cũng đã hướng dẫn chính cho 22 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Dạy đại học là phải nghiên cứu. Đó dường như là phương châm làm việc của thầy Hà Minh Đức. Và phương châm này đã giúp ông gặt hái được nhiều thành tựu về lý luận và phê bình trong suốt quá trình gắn bó với giảng dạy ở Khoa Ngữ văn (Đại học Tổng hợp Hà Nội) và sau này là Khoa Báo chí (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội).

Như con ong nhả mật cho đời ảnh 1

Nhóm cựu SV K17, Khoa Ngữ văn chúc mừng thầy Hà Minh Đức nhân Ngày 20/11.

Đến nay trong sự nghiệp nghiên cứu lý luận văn học, báo chí, thầy Hà Minh Đức đã trình làng hơn 70 tác phẩm với đủ các thể loại: Tiểu luận, chuyên luận, khảo cứu, chân dung tác gia và hàng chục sáng tác thơ, bút ký, truyện ngắn khi tuổi đời đã vào ngưỡng “xưa nay hiếm”.

Trong đó đáng chú ý phải kể đến một số công trình mà GS Đức ấp ủ “thai nghén” trong hàng chục năm như “Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại” (1974, tái bản năm lần), “Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà thơ lớn của dân tộc” (1979, tái bản sáu lần), “Tác phẩm văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh” (1985, tái bản sáu lần), “Ba lần đến nước Mỹ” (2000), “Tự lực văn đoàn - trào lưu và tác giả” (2007), “Các Mác, Ph.Ăngghen, V.I Lênin với báo chí” (2010), “Đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật” (2018)... Đặc biệt cụm công trình “Sự nghiệp văn học, báo chí Hồ Chí Minh và một số vấn đề lý luận, thực tiễn văn hóa, văn nghệ Việt Nam” đã giúp thầy Hà Minh Đức giành Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học xã hội và nhân văn năm 2012.

Nghiên cứu về Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trước thầy đã có không ít học giả như GS Đặng Thai Mai, GS Nguyễn Khánh Toàn, GS Hoàng Xuân Nhị, nhưng đến GS Hà Minh Đức thì nghiên cứu về Bác được toàn diện và sâu sắc hơn. Bởi bên cạnh hàng loạt công trình về văn học Việt Nam hiện đại và lý luận văn học, thầy Hà Minh Đức đã dành khoảng 35 năm đeo đuổi nghiên cứu về Hồ Chí Minh dưới góc độ là Anh hùng dân tộc và tầm ảnh hưởng thời đại, là nhà thơ, nhà văn lớn của dân tộc.

Đồng thời, Người còn là bậc thầy của báo chí cách mạng Việt Nam. Trên cơ sở xử lý hàng nghìn trang tư liệu tác phẩm báo chí của Bác (dưới nhiều bút danh khác nhau) cuốn sách “Báo chí Hồ Chí Minh - chuyên luận và tuyển chọn” trong cụm công trình được Giải thưởng Hồ Chí Minh, GS Hà Minh Đức đã khẳng định với một tư duy sắc sảo và bút pháp đa dạng, hoạt động báo chí của Bác đã tạo hiệu quả và tác động to lớn, khơi dậy tinh thần yêu nước của quần chúng.

Mặt khác, kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết chống đế quốc, phong kiến; bất luận trong hoàn cảnh nào cũng đấu tranh diệt trừ cái xấu xa, đẩy lùi cái lạc hậu và không ngừng cổ vũ tinh thần yêu thương giữa con người với con người. Mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của lòng nhân ái bao la, đức hy sinh cao cả vì vận mệnh dân tộc và hạnh phúc của đồng bào.

Thầy Hà Minh Đức có hàng chục công trình về chân dung tác gia văn học nhất là các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng xuất hiện trước năm 1945. Chẳng hạn “Nam Cao, đời văn và tác phẩm”, “Xuân Diệu, vây giữa tình yêu”, “Huy Cận, ngọn lửa thiêng không tắt”, “Nguyễn Đình Thi, chim phượng bay về núi”, “Nguyễn Bính, thi sĩ của đồng quê”, “Tế Hanh, mãi mãi hoa niên”... Một lần đến nhà nhận sách thầy tặng, tôi thưa: “Em bái phục sức làm việc của thầy, có những tác giả đã qua đời cách đây 20-30 năm mà thầy vẫn khắc họa được hồn cốt, tinh túy của họ?”.

Thầy Đức thủng thẳng: “Tôi có may mắn và vinh dự là những năm 70-80 của thế kỷ trước được gặp gỡ, trò chuyện với các nhà văn, nhà thơ lớn của đất nước. Mình không thể có trí tuệ siêu phàm để lưu giữ lâu dài những điều mắt thấy tai nghe nên mỗi lần như vậy, tôi đều có ý thức ghi chép một cách tỉ mỉ để làm tư liệu về sau. Đi đến một vùng đất trong nước hay ra nước ngoài, gặp một nhân vật nổi tiếng tôi đều biên chép lại, khi có điều kiện thì giở ra nghiên cứu và thực hiện ý đồ mà mình mong muốn”.

Các PGS Trần Khánh Thành, Đoàn Đức Phương, là những học trò vừa là đồng nghiệp ở Khoa Văn học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn đều cho rằng sở dĩ GS, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức trở thành nhà lý luận, phê bình văn học hàng đầu có nhiều đóng góp lớn lao cho đời sống văn hóa, văn nghệ, bởi thầy luôn thể hiện là một nhà khoa học nghiêm cẩn và là một kho tư liệu sống. Còn với tôi, suốt quãng đời làm báo, tôi học được ở ông tính cụ thể, trung thực trong quá trình xâm nhập thực tế, khai thác tư liệu và cách lập luận có lý, có tình ở từng trang viết.

GS Hà Minh Đức là thầy của hàng nghìn sinh viên văn khoa và báo chí, trong đó hàng trăm người đã thành danh trên lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy đào tạo, sáng tác thơ văn và thậm chí kể cả cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Hằng năm vào các dịp lễ, Tết hay Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, nhiều người lại ghé thăm thầy khi có điều kiện.

Ngược lại, trong sâu thẳm ký ức, GS Hà Minh Đức cũng có hình bóng những người thầy đáng ngưỡng mộ và trân trọng. Ở cái tuổi bảy, tám mươi thời cuộc dù có thay đổi, đời người có lúc thăng trầm, buồn vui nếm trải, nhưng khi nghĩ về “Cõi học và người thầy” ông lại gợi nên những tài năng, đức độ của các bậc thức giả một thời.

Đây là tập hồi ký phác họa gần 30 chân dung về người thầy mà GS Hà Minh Đức đã được thụ giáo hoặc các đồng nghiệp từng gắn bó, gần gũi với ông trong quá khứ. Đó là GS Đặng Thai Mai, dáng vẻ nghiêm trang nhưng nụ cười nhân hậu; con người có kiến thức uyên thâm đông tây kim cổ, song rất quan tâm, dìu dắt lớp trẻ mới vào nghề.

Là GS, Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội (sau này là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), một con người lịch lãm có nhiều năm sống gần gũi Bác Hồ. Chính ông đã định hướng và gợi mở cho GS Hà Minh Đức trong việc nghiên cứu về sự nghiệp văn học, báo chí Hồ Chí Minh.

Với GS Trần Văn Giàu, theo thầy Đức, ông không chỉ là một nhà hoạt động chính trị xã hội, người có nhiều công lao đóng góp đối với phong trào kháng chiến ở Nam Bộ mà ông còn là một bậc sư phụ với giọng nói hào sảng, hùng biện có sức thu phục, cuốn hút người nghe trên giảng đường đại học cũng như trong các hội nghị, hội thảo...

Cuối tháng 9 vừa qua, GS Đức lại gọi điện bảo tôi và vài người bạn khác đến nhà để nhận sách thầy tặng. Cầm trên tay ba cuốn “Những chuyện thường nhật của các nhà văn hóa, văn nghệ” (Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội), “Thơ Hồ Xuân Hương siêu phẩm của thi ca” (Nhà xuất bản Trẻ), và “Đừng sợ” (Nhà xuất bản Văn học) đều ấn hành trong nửa đầu năm 2022, tôi thầm cảm phục sức làm việc dẻo dai của thầy. Chỉ mong sao thầy được mạnh chân khỏe tay để sang năm vào tuổi 90, ông vẫn cần mẫn như con ong tiếp tục nhả mật cho đời...