Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1915 - 2015)

Nhớ chuyến đi công tác đầu Xuân Kỷ Tỵ - 1989

Được cử là đặc phái viên của Báo Nhân Dân công tác bên cạnh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, nên tôi có dịp tham gia nhiều chuyến công tác của đồng chí, nhưng có chuyến đi mà tôi nhớ mãi, đó là chuyến đi đầu Xuân Kỷ Tỵ - 1989.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm và làm việc tại hợp tác xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội, năm 1987. Ảnh: TƯ LIỆU
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm và làm việc tại hợp tác xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội, năm 1987. Ảnh: TƯ LIỆU

Thời gian đã lùi xa, gần 30 năm rồi, nhưng vì chuyến đi ấy để lại ấn tượng sâu sắc rất khó quên, đồng thời có những ghi chép để hỗ trợ trí nhớ, cho nên những tư liệu đưa ra là chính xác và khi đọc lại càng thấy sâu sắc về bản lĩnh và sự linh hoạt, thái độ quyết đoán của một đồng chí lãnh đạo đáng kính - người chèo lái con thuyền Việt Nam thời kỳ đầu đổi mới, nhiều thời cơ nhưng cũng lắm thách thức.

Một nội dung quan trọng trong thời kỳ đổi mới là đất nước thực hiện kinh tế nhiều thành phần. Với nhiều người thời đó thì kinh tế tư nhân là điều rất mới mẻ, vì sự kỳ thị với kinh tế tư nhân đã ăn sâu bám rễ trong mấy chục năm trời thực hiện cơ chế tập trung, bao cấp.

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã dành thời gian khảo sát các cơ sở quốc doanh và hợp tác xã trong thời kỳ đổi mới. Lần ấy đồng chí nói với chúng tôi là sẽ khảo sát kinh tế tư nhân trong quá trình sơ khai đang hòa nhập với các thành phần kinh tế khác thực hiện ba mục tiêu kinh tế mà Đại hội lần thứ VI của Đảng đã xác định. Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội mời đồng chí Tổng Bí thư tới thăm tổ hợp sản xuất Bình Thuận ở quận Đống Đa. Gọi là tổ sản xuất hình như để “tránh tiếng”, bởi đây thật sự là một cơ sở kinh tế tư nhân có sự góp vốn của một số người với số vốn khoảng 100 lạng vàng để sản xuất vải hoa xuất khẩu sang Liên Xô, Ấn Độ, Nhật Bản và ý định của người chủ cơ sở là muốn mở rộng sản xuất hơn nữa.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh hỏi chị chủ cơ sở: - Có sợ gì không?

Đây là một câu hỏi tế nhị, cho nên chị chủ chỉ cười, không trả lời. Thấy vậy, đồng chí Tổng Bí thư nói luôn: - Không sợ thành tư sản đâu, miễn là đóng thuế cho đúng, trả lương công nhân sòng phẳng, hợp lý... Làm thêm hàng cho đồng bào dùng lại có hàng xuất khẩu, thế là góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội, cứ vững tâm mà làm, có sức thì nên tiếp tục mở rộng sản xuất.

Rời cơ sở sản xuất tư nhân Bình Thuận, Tổng Bí thư cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội tiếp tục tới thăm cơ sở BEMES ở Bạch Mai. Khác với tổ sản xuất Bình Thuận, cơ sở BEMES có quy mô lớn hơn do Bạch Minh Sơn làm giám đốc. Anh Sơn tốt nghiệp cử nhân toán tại Đại học Tổng hợp, là trí thức trẻ - 42 tuổi - lại đang có vị trí công tác ổn định ở Ban Đối ngoại Trung ương, nhưng thấy không khí cởi mở trong đường lối của Đảng thời kỳ đổi mới cho nên anh xin “về hưu non”. Vốn liếng của anh Sơn không nhiều, gom góp lại cũng chỉ có khoảng một lạng vàng, nhưng anh đã vận động khoảng 50 cán bộ khoa học trẻ cùng chí hướng hùn vốn được khoảng ba tỷ đồng để mở cơ sở sản xuất tư nhân - làm tấm lớp phooc-mi-ca. Cơ sở của anh đang thuê 40 công nhân lao động và sẽ tiếp tục thuê tăng lên 100 rồi 200 người. Với trình độ khoa học - kỹ thuật cùng với khả năng giao tiếp giỏi, cơ sở của anh Sơn đã bắt đầu có sự hợp tác với một công ty của Hungari để mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã xem những sản phẩm của BEMES, thử độ bền sản phẩm, đặc biệt quan tâm đến những kỹ thuật chống nóng ở xứ nhiệt đới như nước ta. Đồng chí tỏ vẻ hài lòng, hỏi giám đốc:

- Đồng chí có băn khoăn gì không?

Bạch Minh Sơn thưa:

- Thưa đồng chí Tổng Bí thư, Đảng có cho làm thật không? Vì vừa rồi chúng tôi phải “đón” bảy đoàn thanh tra, tuy không phát hiện những sai phạm gì, nhưng cũng làm chậm tiến độ sản xuất của cơ sở tới một, hai tháng, tính ra thua thiệt tới 50 triệu đồng. Nhưng quan trọng nhất là chúng tôi cảm thấy không an tâm.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh hỏi tiếp: - Còn băn khoăn gì nữa không?

Ngập ngừng một lúc rồi anh Sơn nói:

- Thưa đồng chí, tôi là đảng viên nhưng Đảng không có đảng viên làm kinh tế tư nhân, như thế tôi có phải xin ra Đảng không?...

Nhớ chuyến đi công tác đầu Xuân Kỷ Tỵ - 1989 ảnh 1

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Ảnh: XUÂN LÂM

Những tư liệu đưa ra là chính xác và khi đọc lại càng thấy sâu sắc về bản lĩnh và sự linh hoạt, thái độ quyết đoán của một đồng chí lãnh đạo đáng kính - người chèo lái con thuyền Việt Nam thời kỳ đầu đổi mới, nhiều thời cơ nhưng cũng lắm thách thức.

Sau khi thăm và khảo sát tình hình cơ sở BEMES, đồng chí Tổng Bí thư trao đổi ý kiến với các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội (lúc đó là các đồng chí Phạm Thế Duyệt Bí thư Thành ủy, Trần Lưu Vỵ Phó Bí thư và Trần Tấn là Chủ tịch UBND thành phố). Đồng chí nói:

- Xem ra vốn trong dân còn nhiều, nhưng người ta vẫn lo “vỗ béo rồi làm thịt”. Với đồng chí Bạch Minh Sơn thì nên để đồng chí đó tiếp tục ở trong Đảng nếu đồng chí tự nguyện. Việc mình không cho đảng viên làm kinh tế tư nhân cũng thể hiện mình không ủng hộ thành phần kinh tế này, cho nên họ không yên tâm.

Được Tổng Bí thư có ý kiến, nên Hà Nội vẫn đồng ý để đồng chí Sơn trong Đảng. Đến nay Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu này đã trở thành một công ty lớn của Hà Nội, vươn công trình ra nhiều tỉnh, thành phố khác. Công ty có một chi bộ đảng, Bạch Minh Sơn, Tổng Giám đốc vẫn là đảng viên.

Sau này, chúng tôi hay nói với nhau: Bạch Minh Sơn là thí điểm đầu tiên mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cho phép đảng viên được làm kinh tế tư bản tư nhân.

Sự đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với công cuộc đổi mới rất lớn, nhưng chỉ xin kể một chuyện nêu trên. Sở dĩ tôi chọn để kể lại chuyện này trong rất nhiều chuyện, vì vấn đề “đảng viên có được làm kinh tế tư nhân - nên gọi thẳng là kinh tế tư bản tư nhân - hay không” là một cuộc tranh luận kéo dài suốt từ năm 1986 tới năm 2001, nghĩa là 40 năm mới có được kết luận chính thức tại Đại hội lần thứ IX của Đảng. Thông qua câu chuyện này cũng để thấy tư duy linh hoạt, sáng tạo, không “cố chấp” của một bản lĩnh - cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới của Đảng.