Nhà cách mạng Dương Quang Đông

“Mùa thu rồi ngày hăm ba/ Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến”. Lời bài hát “Nam Bộ kháng chiến” của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn làm sống dậy khí thế hào hùng giữa những ngày vận nước “ngàn cân treo sợi tóc”.
Chân dung đồng chí Dương Quang Đông. Ảnh | TL
Chân dung đồng chí Dương Quang Đông. Ảnh | TL

Do công việc, tôi may mắn được nhiều lần hầu chuyện NGND, Anh hùng Lao động, GS Trần Văn Giàu lúc sinh thời. Là cây đại thụ vắt qua hai thế kỷ đầy biến động, Giáo sư vẫn luôn đau đáu với lịch sử và văn hóa dân tộc. Bấy giờ, tuy sức khỏe của ông suy giảm nhiều song trí nhớ còn rất mẫn tiệp. Ông nhắc nhiều đến người đồng chí Dương Quang Đông (Năm Đông):

… Sau khi Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (3/1945) tình hình diễn tiến cực kỳ mau lẹ. Cao trào kháng Nhật, cứu nước phát triển rộng khắp. Tình thế cách mạng đã chín muồi, được tin Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh, Hội nghị toàn quốc của Đảng nhóm họp và quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước.

Ngày 19/8/1945, cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội thắng lợi. Bốn ngày sau, vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị. Trước đó, Xứ ủy Nam kỳ chủ trương: khởi nghĩa phải giành thắng lợi trước tiên ở Sài Gòn với sự hỗ trợ của nông thôn. Ủy ban khởi nghĩa Nam kỳ và Sài Gòn được thành lập, do Trần Văn Giàu đứng đầu. Phong trào công nhân Sài Gòn phát triển mạnh mẽ. Tổ chức công đoàn thu hút hàng vạn đoàn viên, với nhiều cuộc mít- tinh biểu thị tinh thần yêu nước, sẵn sàng hành động. Thanh niên Tiền phong tuyên bố đứng vào hàng ngũ của Mặt trận Việt Minh.

Theo kế hoạch của Xứ ủy, đêm 24/8/1945, quần chúng cách mạng ở Sài Gòn-Chợ Lớn và một số địa phương lân cận tổ chức thành từng đoàn mang theo giáo mác hoặc tầm vông vạt nhọn, rầm rập kéo về nội thành để tham gia khởi nghĩa. Lực lượng đoàn viên công đoàn và Thanh niên Tiền phong có mặt ở hầu khắp mọi nơi, sẵn sàng chiếm lĩnh những mục tiêu được phân công. Chập tối, quân khởi nghĩa tiến chiếm Sở cảnh sát, ga xe lửa, bưu điện thành phố, nhà đèn… Nửa đêm, cờ quẻ ly trên nóc dinh Khâm sai bị hạ xuống, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới. Sở mật thám ở Catinat cũng bị ta chiếm.

Sáng 25/8/1945, một rừng cờ nhuộm đỏ Sài Gòn. Cuộc khởi nghĩa thành công nhanh chóng và trọn vẹn, không có đổ máu. Đầu giờ chiều, trước dinh Đốc Lý, nơi đóng trụ sở của Lâm ủy hành chánh Nam bộ (sau đổi là Ủy ban Nhân dân Nam Bộ), lực lượng tự vệ cách mạng ôm khí giới canh gác và giữ trật tự.

Nhưng niềm vui của người dân Sài Gòn được sống trong độc lập tự do hết sức ngắn ngủi. Được sự tiếp tay của quân Anh (danh nghĩa Đồng minh), thực dân Pháp khiêu khích trắng trợn. Đêm 4/9/1945, một đoàn công nhân Sài Gòn trang bị giáo mác, gậy gộc kéo về trụ sở Tổng công đoàn Nam Bộ biểu dương lực lượng và tuyên thệ “Là chiến sĩ xung phong Công đoàn, xin thề trước bàn thờ Tổ quốc: Quyết cùng anh em lao động không nản chí trước khó khăn, không lùi bước trước hiểm nguy để cùng đồng bào bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn non sông”.

Thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch: “Đồng bào hãy sẵn sàng đợi lệnh Chính phủ để chiến đấu”, Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn xúc tiến chuẩn bị lực lượng, xây dựng các ổ chiến đấu tại những vị trí xung yếu. Thực dân Pháp cho mời Trần Văn Giàu và Phạm Ngọc Thạch đến để “bàn bạc”, hòng khống chế đầu não để đánh úp trụ sở. Hiểu rõ mưu đồ hiểm độc của kẻ thù, lãnh đạo Ủy ban vờ nhận lời để tranh thủ thời gian chuyển ra khỏi dinh Đốc Lý.

Rắp tâm đánh chiếm Sài Gòn, 0 giờ ngày 23/9/1945, thực dân Pháp bắt đầu gây hấn. Mang binh phục của quân Anh đi tuần, các toán lính Pháp bất ngờ nổ súng tấn công vào Sở cảnh sát, trụ sở Quốc gia tự vệ cuộc (Công an), Đài phát thanh, Nhà bưu điện, Ngân hàng, nhà đèn, Khám Lớn. Với sự yểm trợ của xe bọc thép, lính Pháp hùng hổ đổ quân xuống trước dinh Đốc Lý. Tuy nhiên, nơi nào giặc Pháp nổ súng đều vấp phải sự chống trả quyết liệt. Chỉ với súng trường, mã tấu và lựu đạn, lực lượng vũ trang cách mạng đã chiến đấu anh dũng. Người chỉ huy chiến đấu bảo vệ dinh Đốc Lý chính là Dương Quang Đông. GS Trần Văn Giàu khẳng định, Năm Đông là một trong những người nổ súng mở màn cho Nam Bộ kháng chiến, chống xâm lược.

*

Nhà cách mạng Dương Quang Đông ảnh 1

Đồng chí Đỗ Mười và đồng chí Dương Quang Đông (phải).

Quê ở làng Mỹ Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, thuở nhỏ, Dương Quang Đông lên Sài Gòn học ban Thành chung ở trường Huỳnh Khương Ninh. Vì có tư tưởng tiến bộ nên bị đuổi học, ông làm thợ máy, lái xe, lái tàu, kéo xe ở thành phố để kiếm sống.

Năm 1920, Năm Đông bắt đầu tham gia hoạt động trong tổ chức Công hội đỏ do đồng chí Tôn Đức Thắng lãnh đạo, được phân công làm Thư ký và Trưởng ban giao liên của tổ chức. Sau thời gian vận động, ông thành lập được hai tổ chức Công Nông hội đỏ ở Cầu Ngang và tỉnh lỵ Trà Vinh, rồi lan dần tới các địa phương lân cận như Mỏ Cày, Càng Long, Long Hồ...

Năm 1923, đồng chí Tôn Đức Thắng giới thiệu Năm Đông vào làm việc ở hãng Ba Son, nơi tập trung hàng nghìn công nhân, thợ thuyền của Sài Gòn. Năm 1927, tổ chức Công hội đỏ chuyển thành Kỳ bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Tháng 3-1930, sau khi các đồng chí Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu về nam thống nhất Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng, lập ra Ban Chấp hành lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Ngô Gia Tự làm Bí thư, đồng chí Dương Quang Đông được bầu vào Xứ ủy Nam kỳ.

Nhiều lần bị địch bắt bớ, tù đày, nhưng Năm Đông vẫn vững vàng kiên định. Tháng 3/1941, ông cùng với 7 người khác tổ chức vượt ngục Tà Lài thành công, trở về tiếp tục hoạt động cách mạng. Tháng 10/1943, Hội nghị Xứ ủy bầu Dương Quang Đông làm Bí thư và ông đảm nhiệm đến ngày 9/3/1945 thì chuyển giao chức vụ này cho Trần Văn Giàu.

Là Thường vụ Xứ ủy kiêm Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, trên cương vị Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, ông Năm Đông đóng góp quan trọng vào việc giành chính quyền trọn vẹn ở tỉnh này. Khi trở lại Sài Gòn, ông được phân công chỉ huy chiến đấu bảo vệ trụ sở Ủy ban Nhân dân Nam Bộ, đóng trong dinh Đốc Lý.

Quá chênh lệch về binh lực và vũ khí song đơn vị của Năm Đông vẫn dũng cảm cầm cự và trụ vững cho tới khi Hội nghị đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, Quận 5) quyết định phát động toàn Nam Bộ kháng chiến, ông mới cho anh em lui về miền Tây. Mặc dù dinh Đốc Lý và các vị trí trọng yếu ở Sài Gòn đều rơi vào tay quân xâm lược, nhưng không gì che lấp được khí phách hiên ngang của người Sài Gòn và Nam Bộ.

Từ đây, Dương Quang Đông tiếp tục nhận các trọng trách mới. Đầu năm 1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I tại đơn vị tỉnh Trà Vinh. Sáng tạo, tận tụy và liêm khiết, Năm Đông nhận nhiệm vụ tổ chức đường dây vũ khí Xuyên Tây (Nam Bộ - Thái Lan), cả trên bộ lẫn đường biển. Những ngày đầu kháng Pháp cực kỳ gian nan, theo chỉ đạo của Chính ủy Khu 9

Phan Trọng Tuệ, ông Phạm Văn Xô trao 25 kg vàng (do nhân dân ủng hộ trong “Tuần lễ vàng”) cho ông Năm Đông mang ra nước ngoài mua sắm vũ khí chuyển về. Và ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Sau Hiệp định Geneva 1954, đồng chí Dương Quang Đông được Đảng phân công phụ trách công tác chuyển quân tập kết các đơn vị ở Campuchia trở về. Tiếp đó, ông ở lại miền nam, trực tiếp đấu tranh với địch, chuẩn bị cho Hiệp thương Tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng người Mỹ nhảy vào miền nam hất cẳng Pháp, dựng nên chính quyền Ngô Đình Diệm. Mỹ-Diệm thực hiện “tố cộng, diệt cộng” đàn áp đẫm máu những người cách mạng và kháng chiến. Tới khi Khu ủy Sài Gòn-Chợ Lớn thành lập, Năm Đông là Khu ủy viên, phụ trách binh vận. Khi chưa có đường 559, ông mở các tuyến giao liên đặc biệt, phục vụ lãnh đạo cấp cao của Trung ương Đảng và Xứ ủy.

Từ sau Đồng khởi (1960), được Xứ ủy (sau là Trung ương Cục) giao nhiệm vụ mở đường biển ra Hải Phòng, ông lựa chọn một số chiến sĩ dũng cảm, tổ chức tuyến đường từ Mã Đà qua sông Đồng Nai, xuyên rừng với dăm khẩu súng, không một xu dính túi, đào củ chụp và hái rau rừng ăn thay cơm. Hơn nửa tháng, về đến căn cứ Mây Tào, ông chọn bến Lộc An (Bà Rịa) làm nơi xuất phát. Khi lập Đoàn 555 đưa người ra bắc tiếp nhận vũ khí, ông Năm Đông là Đoàn trưởng kiêm Chính trị viên.

Tới năm 1963, Đoàn 1500 được lập, ông làm Đoàn phó kiêm Phó Chính ủy Đường Hồ Chí Minh trên biển đã chuyển được hàng chục nghìn tấn vũ khí từ miền bắc vào, phục vụ cho quân dân miền nam chiến đấu thắng lợi. Từ năm 1964-1975, ông được cử làm Trưởng ban Giao liên công khai của Trung ương Cục.

Nhà cách mạng Dương Quang Đông ảnh 2

Đồng chí Dương Quang Đông cùng vợ và các con, cháu.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông tiếp tục cống hiến đến năm 75 tuổi mới nghỉ hưu. Ông là đại biểu chính thức của Đảng bộ TP Hồ Chí Minh dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI.

Với hơn 70 năm tuổi Đảng, nhà cách mạng Dương Quang Đông (1902-2003), người chỉ huy chiến đấu mở đầu cho Nam Bộ kháng chiến đã sống trọn một đời tận trung với Đảng, tận hiếu với dân. Ông là người cộng sản mẫu mực, để lại cho đời bao tiếng thơm! Ông vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.

(Bài viết có sử dụng tư liệu cuốn “Đồng chí Dương Quang Đông, người cộng sản kiên trung, tận tụy, suốt đời vì dân, vì Đảng”, Nxb Tổng hợp TP. HCM, H.2018).