Lớp học nghĩa tình

Không phải là một nhà giáo được đào tạo chuyên môn và có nghiệp vụ sư phạm bài bản, nhưng anh Nguyễn Viết Học (xã Tân Long, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) lại đam mê nghề "gõ đầu trẻ". Dồn tâm huyết lập nên những lớp học, anh không chỉ mang đến cho các em nhỏ cơ hội được học kiến thức miễn phí, mà còn được học cả đạo làm người.

Mái nhà thắp lên ngọn lửa hiếu học cho các em. Ảnh: BÙI THỌ
Mái nhà thắp lên ngọn lửa hiếu học cho các em. Ảnh: BÙI THỌ

Cái duyên đầu

Sinh năm 1963 ở Nông trường Quyết Thắng (Vĩnh Linh, Quảng Trị), lên ba tuổi Nguyễn Viết Học đã mồ côi bố, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Năm 1969, Học theo mẹ đi sơ tán tại huyện Tân Kỳ (Nghệ An) rồi định cư luôn ở đây. Tuổi ấu thơ gắn bó với xứ Nghệ, Học được nghe những câu chuyện về hiền tài đất nước, nhất là về tấm gương Bác Hồ. Điều đó như khơi nguồn cảm hứng cho Học ngấm sâu tinh thần hiếu học.

Năm 1981, anh Học lên đường nhập ngũ, đóng quân ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Sau ba năm, trở về cuộc sống đời thường, anh tiếp tục theo đuổi nghiệp đèn sách. Nhưng ngày đó, gánh nặng cơm áo khiến anh một lần nữa phải dừng việc học để đi làm kinh tế. Vài năm sau, trong những đêm dài thao thức, nghĩ về cuộc đời, anh Học nhận ra: Không có học thì không thể có tương lai tươi sáng. Chính vì thế, anh quyết định rời làng quê xuống thành phố Vinh. Sau một thời gian tìm kiếm, anh Học xin được vào Trường trung cấp Thương mại. Tốt nghiệp, trở về quê hương, anh trở thành cán bộ tài chính của xã Tân Long, huyện Tân Kỳ cho đến nay.

Công việc với sổ sách và những con số khiến anh luôn bận rộn, nhưng anh rất muốn dạy chữ cho những học sinh có học lực yếu hay những đứa trẻ nghèo không có cơ hội đến trường. Nghĩ là làm, cuối năm 2007, anh Học đã dùng ngôi nhà của mình để xây dựng một lớp học nhỏ. "Ngày xưa mình đã mong muốn trở thành một thầy giáo dạy toán rồi. Cũng vì hoàn cảnh nên phải để ước mơ dở dang, nhưng trong tâm mình vẫn khao khát được dạy học. Cho đến khi cái duyên đến rất tình cờ. Đó là lần mình ngồi nói chuyện với bạn bè làm thế nào để học tốt. Bạn nghe thấy hay, liền gửi con cho mình phụ đạo. Em đó tiếp thu tốt, đỗ trường uy tín. Từ đó bạn bè cứ mang con đến nhờ dạy thêm. Rồi mình tìm hiểu về tình hình học tập của trẻ em trong vùng, thấy có nhiều em nghèo không được đi học và nhiều em đi học nhưng hổng kiến thức. Mình đã mời các em về nhà mình, dạy miễn phí vào buổi tối" - anh Học chia sẻ.

Khi mới mở lớp, anh Học cũng bị nhiều điều tiếng. Có người bảo: "Ốc chưa mang nổi mình ốc, còn đòi mang cọc cho rêu". Có người lại nghĩ anh tìm cách kiếm tiền. Nhưng anh không vụ lợi, thu bất cứ một đồng học phí nào. Những học sinh yếu kém đến với anh dần học khá hơn, những đứa trẻ nghèo được biết chữ. Dần dần người dân trong xã thấu hiểu cái tâm của anh, nên ai có con trong độ tuổi đến trường mà học yếu, thì đều mang đến gửi gắm. Cũng từ đó, lớp học của anh không ngừng "tăng quân số". Sau bảy năm mở lớp phụ đạo, có hàng trăm em học sinh trong và ngoài xã đến với lớp học nghĩa tình của anh Học. Hiện tại, lớp học của anh có khoảng 100 học sinh, từ lớp năm đến lớp chín.

Lớp học nghĩa tình ảnh 1

Nghĩa tình thầy giáo không chuyên

Đến giờ anh Học và bà con hàng xóm vẫn chưa thể quên giai đoạn khó khăn ngày mới mở lớp. Trang thiết bị vô cùng thiếu thốn, anh Học phải nhờ các mối quan hệ bạn bè và xin bàn ghế đã hỏng của xã về sửa sang lại cho học sinh ngồi. Mỗi buổi học anh thường dành từ 10 đến 15 phút đầu giờ để nói về đạo lý làm người. Những bài học về giá trị, tinh thần tiết kiệm, lá lành đùm lá rách... luôn được anh lồng ghép trong bài giảng. Không chỉ dạy lý thuyết, anh còn tổ chức cho các em quét dọn vệ sinh làng, xóm. Bên cạnh đó, anh cũng thành lập Quỹ tình thương giúp đỡ gia đình các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Anh Hồ Phi Thanh, người trong xã, kể: "Anh Học còn được bầu làm Chủ tịch Hội Khuyến học của xã Tân Long, và luôn cùng các thành viên trong Hội bám sát việc học của học sinh trong xã đặc biệt là đối tượng học sinh lớp chín, vì đây là thời kỳ bước ngoặt trong đời các em. Số phận các em sẽ khác đi rất nhiều giữa việc dừng lại và tiếp tục học tập". Nói về kiến thức giảng dạy, anh Học chia sẻ: "Ngày trước mình học kế toán nên kiến thức về khối A cũng nắm tương đối, ngoài ba môn Toán, Lý, Hóa, mình còn dạy các em môn Văn". Và năm nay, anh kèm thêm cả môn Sử.

Tôi hỏi, có bao giờ anh cảm thấy mệt mỏi với công việc mình đã chọn? Anh Học quả quyết: "Cũng có lúc mình mệt đó. Nhưng nghĩ thương các em lắm. Đọc sách về Bác Hồ, mình hiểu con người phải biết hy sinh cho đồng loại. Nếu mình không giúp các em thì các em trông vào ai? Mình sẽ làm đến khi không còn đủ sức".

Vâng, đâu phải bây giờ, từ ngày nảy ra ý định mở lớp, anh Học đã xác định và quyết tâm rồi. Cùng với tình thương cũng như trái tim dám hy sinh của anh, đã bồi đắp nên biết bao nhiêu tâm hồn học sinh hiếu học, thảo kính với bề trên, sống đạo đức. Thêm nữa, anh Học còn giúp đỡ nhiều em có nguy cơ phải nghỉ học giữa chừng. Thí dụ trường hợp của em Thái Văn Hải ở xóm Tân Phú. Bố Hải bị bệnh nặng, mẹ phải sang Ma-lai-xi-a làm ăn nhưng không kiếm ra tiền. Bản thân em Hải lại bị bệnh suy thận gần 10 năm nay. Hằng tháng em phải cùng bố xuống Vinh để chạy thận. Là học sinh giỏi của huyện nhưng em có nguy cơ phải nghỉ học. Thấu hiểu hoàn cảnh của Hải, anh Học không quản ngại đường xa xôi, đã đến động viên gia đình cho em được tiếp tục học. Hằng ngày, anh Học vượt quãng đường 7 km đến tận nhà đón em Hải đến lớp học của mình.

Nói về người thầy đáng kính, em Nguyễn Thị Tâm ở xóm 5, thôn Tân Lập chia sẻ: "Nhà em nghèo không có điều kiện học thêm, nhưng em may mắn được theo lớp thầy Học. Thầy hiền mà dạy dễ hiểu lắm. Thầy quan tâm hỏi han từng bạn trong lớp và chúng em còn được tham gia các hoạt động ngoại khóa nữa".

Những trang vở mới được mở ra, những hoàn cảnh không may mắn ở vùng quê nghèo đã được bồi kiến thức. Anh Học đã giúp cho xã có tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng cao hơn rất nhiều so với trước kia. Nhiều gia đình đã có được hy vọng từ chính sự học của con em mình. Nếu không nhờ phần rất lớn từ nỗ lực và cố gắng của cựu chiến binh giàu lòng nhân ái Nguyễn Viết Học, thì đâu dễ có được những thành quả ấy.