Đàm luận

Lòng dân ta yêu nước thương nhà

Trong bài thơ “Đất nước”, sáng tác năm 1948, Nguyễn Đình Thi viết: “Súng đạn chúng bay không bắn được/Lòng dân ta yêu nước thương nhà”. Sau này nhà thơ kể lại, cảm hứng sáng tác của ông bắt đầu từ thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, trước sức mạnh công nông như làn sóng trào dâng “người lên như nước vỡ bờ”.
Người dân tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng. Ảnh | ĐỨC ANH
Người dân tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng. Ảnh | ĐỨC ANH

Thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám là thắng lợi của Lòng Dân. Tất nhiên nó phải được soi rọi từ ánh sáng của Đảng. Người đã thấu tỏ thời cuộc, đã nắm vững thời cơ và truyền đi mệnh lệnh kêu gọi toàn thể đồng bào nhất tề đứng dậy là Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng của chúng ta! Năm 1945, Đảng ta mới chỉ 15 tuổi, với số lượng ít ỏi gần 5 nghìn đảng viên nhưng Đảng đã hòa trong Dân, đã truyền đi ngọn lửa, soi sáng và thức tỉnh, mang lý tưởng giải phóng dân tộc đến với mọi người mọi nhà từ thành thị đến nông thôn, từ Tân Trào-Quốc dân Đại hội đến Hà Nội nơi đầu tiên phất cao cờ Tháng Tám.

Quốc dân Đại hội Tân Trào ở thời điểm cách đây 79 năm, tuy chưa có điều kiện tập hợp hết thảy các đại diện tầng lớp, nhưng cơ bản đã đại diện cho nhân dân Việt Nam, cho những người yêu nước cách mạng để quyết định vận mệnh của dân tộc.

Sau khi nước nhà giành độc lập, cả dân tộc lại phải ròng rã chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi 21 năm chống đế quốc Mỹ và sau đó là chiến tranh bảo vệ biên giới. “Người chiến thắng là người xây dựng mới”, sau gần 40 năm Đổi mới, thế và lực của đất nước đã trên tầm cao mới - tầm cao của “thời đại 4.0”, khi loài người liên tục chiếm lĩnh những đỉnh cao mới của cách mạng khoa học và công nghệ. Và, dù trong thời đại nào, bất kể hoàn cảnh nào, Lòng Dân vẫn luôn luôn là sức mạnh vô địch, quyết định thành bại của cách mạng.

Có một câu chuyện nhiều người thường kể. Câu chuyện ấy như sau: Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945, có một vị lãnh đạo cao cấp hỏi Bác: Thưa Chủ tịch, cách mạng thành công rồi, chính quyền về tay nhân dân, Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, Bác có sợ điều gì không ạ?. Bác trầm ngâm suy nghĩ một lát rồi trả lời: Bác vẫn còn một điều sợ, đó là sợ các chú làm bậy, ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ, dẫn đến mất lòng tin của nhân dân.

Bác nói và đã viết điều gan ruột ấy trong bài “Sao cho được lòng dân”. Bài đăng báo Cứu quốc ngày 12/10/1945: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh... phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”.

Muốn cho Dân yêu thì phải làm điều có lợi, tránh điều có hại. Và quả thật, suốt cuộc trường chinh của dân tộc, “Lòng dân yêu Đảng như là yêu con” (Tố Hữu), nhờ đó đã làm nên những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa trong thời đại mới.

Lòng Dân yêu Đảng, gần đây nhất, được thể hiện khi đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vĩnh biệt chúng ta. Từ khi biết tin đến lễ viếng, lễ truy điệu, lễ an táng nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng có biết bao câu chuyện cảm động, báo chí trong nước và thế giới đã dành tình cảm đặc biệt thông tin và bình luận. Người dân cả nước đều có cách riêng để bày tỏ lòng tôn kính và tình cảm của mình. Lòng dân trong “thời 4.0” vừa thể hiện ở những suy nghĩ, việc làm mới mẻ, tân tiến, vừa truyền thống, thiết thực rất Việt Nam. Dân vừa tiễn biệt một nhà lãnh đạo có “ân, uy, trí, tín” đi gặp Cụ Hồ, vừa như là chia tay một người bác, người anh, người bạn trước một chuyến đi dài! Từng đoàn người nối nhau lúc đêm khuya hay dưới trời nắng nóng tới 38-39 độ C, giơ cao những tờ báo có in Di ảnh Bác Trọng, nước mắt lăn dài trên má, dặn dò nhau điều này: “Danh dự là điều thiêng liêng cao quý”. Lặng lẽ những anh lái xe ôm chở miễn phí cho các bác lớn tuổi kịp đến nơi tổ chức lễ viếng. Âm thầm những nhà dân ven đường xoay những chiếc quạt cây ra phía ngoài, mong làm dịu cái nắng hè oi ả. Dịu dàng áo xanh thanh niên tình nguyện tặng bà con chiếc mũ tai bèo, chai nước lọc, tấm bánh mì...

Lòng dân ta yêu nước thương nhà ảnh 1

Dưới trời nắng gắt, người dân kiên nhẫn xếp hàng để tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng.

Chúng tôi đi bên mấy cụ lão thành tuổi ngoại 80, có cụ chỉ còn một chân, chống nạng bước đi khó nhọc. Thoáng râm mát hiếm hoi, nghe các cụ giãi bày: Năm tháng rộng dài, đường chiều trước mặt. Người ta có thể chín người mười ý, cái tôi có lúc, có nơi gào thét lấn át cái ta, âu cũng là lẽ thường. Cái giỏi của thủ lĩnh là thu phục được nhân tâm bằng chính cái tâm của mình. Thương dân dân lập bàn thờ. Dân đã tin phục thờ ai thì không sai bao giờ...

Điều này, trong Lời Điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Tô Lâm đã xúc động nói: “Nhà cộng sản chân chính, chí tình, chí nghĩa, luôn tâm niệm và yêu cầu toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị “phải có trách nhiệm cao nhất với dân, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân”, “liên hệ chặt chẽ với Nhân dân là quy luật tồn tại, phát triển và hoạt động của Đảng, là nhân tố quyết định tạo ra sức mạnh của Đảng”.

Tại Hội nghị Trung ương hôm 3/8, sau khi được Ban Chấp hành Trung ương bầu giữ chức Tổng Bí thư, đồng chí Tô Lâm một lần nữa nhấn mạnh vai trò to lớn của Nhân dân trong công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng Đảng và Nhà nước ta trong sạch, vững mạnh: “Kiên định lập trường, quan điểm và thực hành “dân là gốc”, “Nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới” (...) Tập trung xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”.

Một khi Đảng hết lòng phục vụ Nhân dân thì chính khí sẽ chủ đạo, tà khí sẽ tiêu tan. Ở đâu đó, ở một thời điểm nào đó, có người giảm niềm tin, xa Đảng có thể một phần do chính những người lãnh đạo chưa gần Dân, chưa hiểu Dân, chưa vì Dân.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói một cách mộc mạc, vì sao lại nói dân là “gốc” của nước, là bởi “lực lượng của dân rất to”, rất đông, rất mạnh. Dân là “gốc” của nước bởi vì dân ta rất tốt, trong mỗi người dân đều có phẩm chất cao quý nhất là lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Của cải, sức mạnh, đạo đức, tài năng, lòng tin của nhân dân đã tạo nên “cái gốc” của nước.

Bác Hồ bao giờ cũng nói thật giản dị. Người xem lời nói là hoa, thực hành đạo đức mới là quả. Càng kinh qua gian khổ, vốn sống càng dầy thì hiểu biết càng thâm sâu. Tìm về những giá trị lịch sử dân tộc để phát hiện quy luật, giúp thế hệ hôm nay không những nhận thức được quá khứ mà còn chuẩn bị cho những khả năng dự báo. Như vậy, lịch sử luôn là một dòng chảy liên tục. “Lòng dân yêu nước thương nhà” luôn là những giá trị vĩnh hằng, gạn đục khơi trong và kết tinh những giá trị mới.

GIÁ trị mới ấy, ta thấy trong tư duy mới của Đảng ta. “Dân giàu, nước mạnh” vừa là giá trị vừa là mục tiêu phát triển của đất nước. Dân giàu nước mạnh là mơ ước ngàn đời, cũng là một chủ trương lớn nhằm “Canh tân đất nước” trong thế kỷ 21. Điều này Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng ta chỉ rõ: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”.

“Người đốt lò vĩ đại” đã đi xa, nhưng cuộc chiến chống giặc “nội xâm” vẫn tiếp tục, không bao giờ do dự, ngưng nghỉ. Từ thời cổ La Mã, học giả Tacitus (58 - 120) đã chói sáng trong tư duy lý luận: Một khi Nhà nước đánh mất lòng tin của công chúng, thì cho dù có nói gì, làm gì đi nữa, xã hội vẫn sẽ đánh giá tiêu cực”. Ngày nay chúng ta gọi thuyết đó là “bẫy Tacitus”. Để chống sa vào “bẫy” này thì công việc trước tiên-công việc lâu dài vẫn là đổi mới và chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch bộ máy Nhà nước.

Lòng dân là Tượng đài vĩnh cửu, quyết định sự hưng thịnh, suy vong của quốc gia, dân tộc. Mất niềm tin của Dân với Đảng là mất tất cả. Được lòng Dân thì “trăm họ” một lòng đi theo con đường lớn vì đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.