Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024)

Làm theo lời Bác dạy

Chỉ còn một năm nữa là tròn 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Những người làm báo nước ta bồi hồi tưởng nhớ và ghi sâu công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của Đảng ta và dân tộc ta.
0:00 / 0:00
0:00
Phóng viên tác nghiệp. Ảnh | AN KHÁNH
Phóng viên tác nghiệp. Ảnh | AN KHÁNH

Người không chỉ sáng lập và lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta, mà còn là người xây nền đặt móng, dẫn dắt nền Báo chí Cách mạng Việt Nam, tạo ra bước phát triển mạnh mẽ của đội ngũ báo chí trong gần mười thập niên qua.

"Gia tài” quý giá nhất mà Bác Hồ để lại cho chúng ta - đó là kinh nghiệm, tư tưởng, nhận thức đúng đắn về mục tiêu cao đẹp của Báo chí Cách mạng và phương pháp làm báo để làm sao lan tỏa và thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân trong quá trình thực thi có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong từng thời kỳ cụ thể. Đọc lại những lời giáo huấn của Bác về công tác báo chí, mỗi chúng ta đều thấy thấm thía những điều thật căn cốt và chí nghĩa, chí tình.

Ví như, Bác dặn: mỗi người cầm bút, trước khi viết một tin tức hay một bài báo phải tự mình trả lời câu hỏi: viết cho ai, viết để làm gì, và viết như thế nào? Còn khi chọn đề tài viết báo, thì tại Đại hội II Hội Nhà báo Việt Nam năm 1959, Bác nói chân tình: cả đời tham gia viết báo, Bác chỉ tập trung vào đề tài chủ yếu là giành, giữ độc lập, tự do của Tổ quốc và xây dựng CNXH. Trả lời câu hỏi: làm thế nào có bài báo hay, được đông đảo cán bộ, nhân dân đón nhận, Bác chia sẻ: cần viết sao cho ngắn, gọn, khắc phục hiện tượng “dây cà ra dây muống”, ngôn ngữ phải trong sáng, tránh lối viết khoa trương khoe kiến thức, thích dùng chữ nước ngoài.

Có như vậy, khi đọc xong một bài báo, cán bộ, đảng viên, nhân dân mới dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo. Đề cập mối quan hệ giữa biểu dương và phê phán, Bác căn dặn: trong thực tiễn, nhân dân ta có vô vàn việc làm tốt, cần được phát hiện, biểu dương kịp thời, nhưng không được quên phê bình những điều chưa hay, chưa tốt ở các cơ quan, đơn vị, địa phương, phải “nói có sách, mách có chứng”, người và tập thể được phê bình “tâm phục, khẩu phục” và tiếp thu sửa chữa. Bác cũng lưu ý: báo chí có quyền phê bình những nơi làm chưa tốt; đồng thời mỗi cơ quan báo chí cũng có trách nhiệm tự phê bình những điều mình tuyên truyền chưa tốt hoặc đưa tin thiếu chuẩn xác.

Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động báo chí, nhiều lần Bác nhấn mạnh, mỗi người làm báo cần thấu suốt nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang: Báo chí là một mặt trận. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén. Để hoàn thành trọng trách ấy, mỗi nhà báo cần thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, tài năng phải song hành với đạo đức, trong đó đức là cái gốc.

99 năm qua, làm theo lời Bác dạy, đội ngũ làm báo cách mạng Việt Nam ngày càng hùng hậu về lực lượng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ các hoạt động báo chí ngày thêm tăng cường, kỹ năng làm báo có bước tiến bộ rõ rệt, nhờ vậy đã có những đóng góp tích cực và quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, được Đảng, Nhà nước cùng nhân dân ghi nhận và tôn vinh.

Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0, thời cơ lớn đi liền thách thức không nhỏ, thúc giục những người làm báo không ngừng vươn lên về mọi mặt, vừa trau dồi đạo đức người làm báo cách mạng, thực hiện nghiêm 12 tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam đề ra, gồm 6 tiêu chí cho từng nhà báo và 6 tiêu chí cho từng cơ quan báo chí, rèn luyện sự nhạy bén và trách nhiệm chính trị, nâng cao trình độ tác nghiệp chuyên môn theo công nghệ làm báo hiện đại.

Mỗi nhà báo cần tiếp tục đổi mới tư duy và cách thể hiện, tự vượt lên chính mình để có thêm nhiều sản phẩm báo chí góp sức thổi bùng khát vọng xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh và phồn vinh, sánh vai với các cường quốc năm châu - như tâm nguyện nung nấu suốt đời của Bác.