Kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội (6-1-1946 - 6-1-2016)

Buổi sáng ngày 7-12-2015 là một khoảnh khắc vui của bà Ngô Thị Huệ (Bảy Huệ) - phu nhân của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Đại diện cơ quan T.Ư Đoàn mang đến 50 cuốn Tiếng sóng bủa ghềnh mà bà là tác giả để xin bà chữ ký vào sách làm quà tặng. Bà xoay người trên chiếc ghế dành cho người chân yếu, vừa ký vào trang đầu sách, vừa nói với nụ cười thật tươi: “Vậy cũng vui, vì sách ra được vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm Quốc hội Việt Nam khóa đầu tiên. Mặc dù trong sách hồi ức của tôi chỉ có một đoạn ngắn về sự kiện đó, nhưng đó là quãng đời hoạt động không thể nào quên”.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội (6-1-1946 - 6-1-2016)

Cuối tháng 6-1945, vừa thoát khỏi nhà tù của thực dân Pháp và bản án khổ sai chung thân, bà Bảy Huệ về ngay địa bàn hoạt động xưa cùng các đồng chí của mình tiếp tục hoàn thành sự nghiệp lớn “Mùa thu Tháng Tám”. Về Bạc Liêu, bà được bổ sung vào Tỉnh ủy lâm thời, làm Đoàn trưởng (Hội trưởng) Phụ nữ Cứu quốc tỉnh. Cùng với các cán bộ cốt cán khác của Tỉnh ủy, bà Bảy Huệ đi khắp nơi xây dựng lực lượng nòng cốt về chính trị, quân sự và hậu cần, chuẩn bị nổi dậy giành chính quyền khi có lệnh của Trung ương. Không khí tiền khởi nghĩa sôi sục khắp các xã, làng, thị trấn trong tỉnh. Đến ngày 15-8-1945, tin Nhật đầu hàng quân đồng minh nhanh chóng lan truyền. Dân chúng cả tỉnh lỵ Bạc Liêu đổ ra đường hò reo vang dậy.

Tin Hà Nội, Huế đã giành chính quyền thôi thúc Tỉnh ủy Bạc Liêu phát động dân chúng kéo ra biểu tình trên đường phố và 23-8-1945 được chọn là ngày khởi nghĩa trong toàn tỉnh... Sáng 25-8-1945, một cuộc mít-tinh lớn đã diễn ra tại sân vận động tỉnh lỵ chào mừng ra mắt Ủy ban dân tộc giải phóng tỉnh Bạc Liêu và Ủy ban hành chính cách mạng lâm thời của tỉnh. Dịp này, bà Bảy Huệ được giới thiệu trước dân chúng với cương vị thành viên Mặt trận Việt Minh tỉnh, phụ trách đoàn thể phụ nữ...

Kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội (6-1-1946 - 6-1-2016) ảnh 1

Bà Ngô Thị Huệ.


Không khí hồ hởi, phấn khởi của quân dân Nam Bộ sau khi giành chính quyền thành công ở khắp các tỉnh kéo dài không lâu. Bà Bảy Huệ không thể nào quên không khí đối phó căng thẳng của quân và dân Nam Bộ những ngày tháng 9-1945. Quân Pháp đã chiếm đóng hầu hết các tỉnh Nam Bộ và sắp tràn đến Bạc Liêu. Giữa lúc tình hình rất nguy cấp ấy, Tỉnh ủy Bạc Liêu nhận được chủ trương chuẩn bị Tổng tuyển cử bầu Quốc hội ngày 6-1-1946. Trong những tháng ngày nước sôi lửa bỏng đó, Tỉnh ủy và chính quyền Bạc Liêu đã cử cán bộ về từng huyện, xã tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về ý nghĩa to lớn của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên. Ủy ban Mặt trận Việt Minh giới thiệu đại diện đủ các giới, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, nhân sĩ, trí thức đều được tạo điều kiện thuận lợi nhất, dễ dàng nhất để tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Bà Bảy Huệ được giới thiệu ra ứng cử với tiểu sử ngắn gọn: 27 tuổi, là Tỉnh ủy viên và Ủy viên Mặt trận Việt Minh, xuất thân lao động, tham gia Khởi nghĩa Nam Kỳ khi chưa đầy hai mươi tuổi, vì hành động yêu nước bị Pháp bắt giam và tuyên án khổ sai chung thân, kiên trung trước đòn roi tra tấn của địch, vừa được giải thoát khỏi nhà tù là tích cực lao ngay vào các hoạt động giành chính quyền tại tỉnh, tích cực vận động quần chúng tham gia bảo vệ chính quyền non trẻ.

Chỉ với những dòng giới thiệu như vậy thôi mà đi đến tiếp xúc ở bất cứ nơi nào vận động bầu cử, bà Bảy Huệ cũng đều nhận được sự cảm mến, ủng hộ từ đồng bào cử tri. Đến tận vùng đốt than ở Năm Căn, bà tiếp xúc với hàng nghìn thợ lò, quần áo may bằng bố tời, gương mặt đen trũi bụi than, chỉ còn đôi mắt sáng lấp lóa chăm chú lắng nghe lần đầu tiên trong đời họ về cuộc bầu cử Quốc hội nhằm lập ra chính quyền của Dân đầu tiên ở Việt Nam, nhằm mưu cầu hạnh phúc cho Dân. Sau các buổi nói chuyện với công nhân, tiểu thương, nông dân..., bà không giấu được xúc động trước những lời bàn tán của cử tri: “Bầu cho cô Huệ, người yêu nước, trẻ tuổi, đã kinh qua thử thách đấu tranh và tù đày vì độc lập tự do của đất nước, đáng tin cậy để đại diện cho Dân”. Tâm trí bà Bảy Huệ đến tận giờ, sau 70 năm, vẫn khắc ghi hình ảnh những người mẹ, người chị buôn thúng bán bưng truyền cho nhau đọc những mảnh giấy gói hàng, những miếng lá chuối khô trên đó ghi nguệch ngoạc mấy chữ Ngô Thị Huệ để vận động bỏ phiếu cho bà - một người dám dấn thân vì dân, vì nước.

Cuộc bầu cử ở Bạc Liêu thành công tốt đẹp, ba người trúng cử ĐBQH ở tỉnh là bà Ngô Thị Huệ, ông Cao Triều Phát và ông Nguyễn Văn Đính. Đến cuối tháng 2 năm1946, các ĐBQH của Nam Bộ trong đó có Bạc Liêu được mời ra Thủ đô dự phiên họp Quốc hội đầu tiên. Chuyến đi vô cùng gian khó, phải đi bí mật bằng đường biển từ Mũi Cà Mau, qua Thái-lan rồi bị kẹt ở đó gần sáu tháng (vì Lào đã bị Pháp chiếm đóng nên không đi qua đó được như dự định ban đầu, và tất nhiên không kịp dự phiên họp đầu tiên của Quốc hội). Bằng mọi cách khắc phục và được sự giúp đỡ nhiệt tình của kiều bào ta tại Thái-lan, đoàn tiếp tục đi từ Băng Cốc, qua đảo Hải Nam, về Đông Hưng (Trung Quốc), rồi lên tàu thủy về nước. Tàu chạy qua những vùng biển tuyệt đẹp của Việt Nam: Trà Cổ, Bạch Long Vỹ, Vịnh Hạ Long và cuối cùng cập bến Hải Phòng. Ai cũng xao xuyến, bồi hồi nghĩ đến ngày sắp được về Thủ đô, được gặp Bác Hồ.

Rồi cũng đến ngày 21-10-1946, đoàn được đưa về Hà Nội, ở trong một căn nhà dành cho đại biểu miền nam nằm trên phố Hàng Vôi. Sáng 28-10-1946 là buổi sáng bà Huệ không bao giờ quên trong đời khi cùng các ĐBQH bước vào Phiên họp thứ hai của Quốc hội khai mạc trang trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Cờ đỏ sao vàng tung bay trên ban công nhà hát. Những tiếng vỗ tay tưởng như không dứt khi Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện. Tại phiên họp này, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đã 70 năm rồi, bà Huệ nói với chúng tôi, mà tưởng như vẫn nghe rõ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trong phiên họp Quốc hội toàn thể ngày 31-10-1946: “Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái...”. Và, trả lời chất vấn của ĐBQH hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chính phủ hiện thời đã cố gắng liêm khiết lắm... Chính phủ đã hết sức làm gương. Và nếu làm gương không xong, thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ - đã trị, đương trị và sẽ trị cho kỳ hết”. Bà Bảy Huệ nhớ lại, cả hội trường đã đứng dậy vỗ tay hồi lâu trước phát biểu ấy. Xúc động nhất là trong giờ giải lao, Bác Hồ đã đến trò chuyện với các đại biểu Nam Bộ. Bác hỏi bà Bảy Huệ: “Khi cô đi tình hình trong tỉnh cô ra sao?”. ĐBQH Ngô Thị Huệ thưa với Bác về không khí chiến đấu sôi sục quyết bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, về tình cảm thắm thiết mà cán bộ, chiến sĩ, đồng bào trong tỉnh dành cho Bác. Anh chị em khác trong đoàn ai cũng xúc động và tranh thủ thưa với Bác tình hình tỉnh nhà...

Sau những ngày tham dự kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa I, bà Bảy Huệ được tham dự một khóa huấn luyện ngắn ngày rồi lại phải khẩn trương trở về Nam Bộ để cùng đồng chí, đồng bào chuẩn bị bước vào những ngày toàn quốc kháng chiến...

Sáng 7-12 vừa qua, khi trò chuyện với tôi đoạn hồi ức đặc biệt về Quốc hội khóa I năm 1946 mà bà vinh dự có mặt với tư cách là ĐBQH, bà Bảy Huệ nói trong xúc động: “Trong số 333 đại biểu khóa đầu tiên ấy, chỉ có 10 phụ nữ thôi và hiện giờ dường như trong số 10 ấy cũng chỉ mình tôi còn sống. Điều đó không quan trọng vì sống chết là quy luật của tự nhiên. Điều quan trọng là Nhà nước nhân dân của chúng ta đã hình thành 70 năm, vẫn đang cố gắng củng cố vững mạnh hơn, tốt hơn theo tinh thần Nhà nước phải thật sự của Dân, do Dân và vì Dân như Bác Hồ đã dạy”.

Lúc chia tay, cụ bà đã đi qua 98 năm cuộc đời ấy bỗng nắm tay tôi kể một chi tiết rất phụ nữ: “Quên, nói chuyện họp Quốc hội khóa đầu tiên mà thiếu chi tiết này không được. Nghe tin tôi đi Thủ đô dự họp Quốc hội, các mẹ, các chị ở tỉnh tặng tôi một xấp vải xuyến đen và lãnh mỹ a. Ra tới Hà Nội, trước khi họp một ngày, tôi tự may quần bằng vải mỹ a, cắt và nhờ thợ may cho cái áo dài bằng xuyến. Ngày 28-10-1946, tôi đã mặc bộ áo dài điệu đà đậm chất phương nam ấy đi họp phiên thứ hai Quốc hội khóa đầu tiên”.

Bà Ngô Thị Huệ từng là Phó Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu trước năm 1954; Đại biểu Quốc hội các khóa I, II, III, IV; Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương; khi nghỉ hưu tại TP Hồ Chí Minh sau năm 1975, bà từng là Tổ trưởng Tổ Sử Phụ nữ Nam Bộ, sáng lập viên Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.

Bà cùng chín người khác là nữ đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên: Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Thục Viên, Lê Thị Xuyến, Bùi Thị Diệm, Nguyễn Thị Thập, Cao Thị Khương, Vũ Thị Khôi, Trương Thị Mỹ, Trịnh Thị Miếng.

Tâm trí bà Bảy Huệ đến tận giờ, sau 70 năm, vẫn khắc ghi hình ảnh những người mẹ, người chị buôn thúng bán bưng truyền cho nhau đọc những mảnh giấy gói hàng, những miếng lá chuối khô trên đó ghi nguệch ngoạc mấy chữ Ngô Thị Huệ để vận động bỏ phiếu cho bà - một người dám dấn thân vì dân, vì nước.