Kiến tạo bình yên cho kỷ nguyên số

Theo số liệu ước tính được Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Philemon Yang công bố, các loại hình tội phạm mạng toàn cầu gây thiệt hại tới 8.000 tỷ USD trong năm 2023, và có thể đạt mức 10.500 tỷ USD vào năm 2025. Chính vì vậy, Công ước đầu tiên của Liên hợp quốc về chống tội phạm mạng, mang tên “Công ước Hà Nội” - sẽ được mở ký tại thủ đô Hà Nội của nước CHXHCN Việt Nam vào năm 2025, được xem là bước đột phá lịch sử.
0:00 / 0:00
0:00
Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua bằng đồng thuận Công ước Liên hợp quốc về Tội phạm mạng.
Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua bằng đồng thuận Công ước Liên hợp quốc về Tội phạm mạng.

Như đánh giá từ Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ngày 25/12/2024: “Có thể nói đây là thành quả xứng đáng, sau gần 5 năm Việt Nam cùng các quốc gia thành viên Liên hợp quốc khác nỗ lực đàm phán không mệt mỏi”.

Bên cạnh những lợi ích và tiềm năng không giới hạn đối với sự phát triển của nhân loại, công nghệ số cũng đặt ra nhiều rủi ro và nguy cơ về an ninh, cũng như những mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia, sự ổn định chính trị và lòng tin của xã hội vào sự an toàn của các nền tảng công nghệ. Các cuộc tấn công mạng không chỉ gây gián đoạn hoạt động của các tổ chức và chính phủ, mà còn làm gia tăng những rủi ro tiềm tàng đối với sự phát triển bền vững trong tương lai.

Rõ ràng, sự bùng nổ công nghệ trong kỷ nguyên số luôn hiện hữu hai mặt đối lập nhưng luôn luôn song hành: Đó vừa là động lực thúc đẩy tiến bộ, vừa là mảnh đất màu mỡ cho các hành vi phạm pháp tinh vi, đòi hỏi sự hợp tác quốc tế mạnh mẽ và kịp thời.

Bởi vậy, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Philemon Yang nhận xét: “Với việc thông qua Công ước này, các quốc gia thành viên có trong tay các công cụ và phương tiện để tăng cường hợp tác quốc tế trong việc ngăn chặn và chống lại tội phạm mạng, bảo vệ con người và quyền lợi của họ khi tham gia trực tuyến”. Đồng vọng, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tin tưởng: Công ước sẽ thiết lập nền tảng hợp tác quốc tế chưa từng có, với mục tiêu không chỉ trao đổi thông tin và bảo vệ nạn nhân mà còn phòng ngừa tội phạm ngay từ gốc rễ.

Nói cách khác, “Công ước Hà Nội” có thể xem là một công cụ pháp lý toàn cầu mang tính đột phá, minh chứng cho quyết tâm của cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ không gian mạng như một “không gian chung” của nhân loại, thông qua các nguyên tắc pháp quyền, hợp tác và trách nhiệm chung.

Sau gần 20 năm, kể từ Công ước Liên hợp quốc về Tội phạm xuyên quốc gia, cộng đồng quốc tế mới có thêm một khuôn khổ pháp lý đa phương để xử lý tội phạm trong không gian mạng. Nội dung công ước, bao gồm 9 chương và 71 điều, thể hiện cả quan điểm và lợi ích của nước phát triển lẫn đang phát triển như Việt Nam - vốn vẫn đang vấp phải những khó khăn trong quản trị công nghệ toàn cầu.

Riêng với Việt Nam, như Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn hé lộ: Ngay từ đầu, Việt Nam đã quan tâm và ủng hộ khởi động đàm phán công ước, đồng thời kiên trì quan điểm thúc đẩy xây dựng khuôn khổ pháp lý quốc tế về không gian mạng trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Xuyên suốt tám kỳ họp của ủy ban chuyên trách, Việt Nam luôn tham gia tích cực, chủ động và có những đóng góp thực chất cho nội dung công ước. Chính vì vậy, đề xuất trở thành nước chủ nhà đăng cai lễ ký công ước lịch sử này trong năm 2025 của chúng ta đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ bạn bè quốc tế.

Đây sẽ là lần đầu Việt Nam đăng cai lễ ký một công ước của Liên hợp quốc, đánh dấu mốc son mới trong công tác hội nhập pháp lý quốc tế nói riêng và đối ngoại đa phương của Việt Nam nói chung. Sự kiện này cũng khẳng định cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước ta trong hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, đồng thời tô đậm lập trường nhất quán của Việt Nam là đề cao luật pháp quốc tế, chủ trương chủ động tham gia, đóng góp tích cực vào công việc chung của Liên hợp quốc, nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Điều đó càng khẳng định vị thế cũng như uy tín quốc tế ngày càng cao của đất nước, trong kỷ nguyên vươn mình.