NGÀY 3/12, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi tuyên bố: Chỉ cần phía Syria có lời đề nghị chính thức, Tehran sẵn sàng xem xét việc điều động binh sĩ của mình tới Syria, nhằm giúp đỡ đồng minh trấn áp các cuộc tấn công mạnh mẽ từ HTS - lực lượng phiến quân vừa đánh chiếm được một phần Aleppo (đô thị lớn thứ hai của Syria), sau đó mở rộng phạm vi ra các vùng Idlib và Hama.
Cùng lúc, đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzya cũng lên tiếng: Nga lên án mạnh mẽ cuộc tấn công do lực lượng phiến quân Hayat Tahrir al-Sham thực hiện trên lãnh thổ Syria, và Moscow vẫn đang thường xuyên liên lạc với các đối tác ở định dạng Astana (cơ chế do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran bảo trợ) là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ ở nhiều cấp độ khác nhau, để thảo luận về tình hình Syria.
Trong khi đó, hãng thông tấn TASS dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Patrick Ryder cho biết: Lầu Năm góc đã liên lạc với Liên bang Nga “để bảo đảm mở một kênh liên lạc” về vấn đề Syria. Đồng thời, ông cũng làm rõ: Washington nhận thấy không cần thiết phải tái triển khai lực lượng quân sự, sau các vụ tấn công xảy ra gần đây tại Syria.
HTS xuất hiện từ đâu? Theo The Guardian, người sáng lập nhóm phiến quân này, Abu Muhammad al-Jolani, từng là một thành viên của lực lượng nổi dậy ở Iraq chống lại Mỹ, và sau này trở thành bộ phận thuộc Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Trong quá khứ, HTS từng mang những cái tên như Jabhat al-Nusra hoặc Al-Nusra. Có thời kỳ, nhóm này tuyên bố trung thành với al-Qaeda, song đã công khai cắt đứt mối quan hệ đó vào năm 2016 và đổi tên thành Hay’at Tahrir al-Sham, hay Tổ chức Giải phóng Levant. Hiện tại, HTS là lực lượng phiến quân mạnh nhất tại Syria, và bị nước Mỹ đưa vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Một cách ngắn gọn, HTS là một thứ “âm hồn bất tán” của bóng ma IS trong quá khứ, vẫn đang chực chờ tìm cơ hội trỗi dậy một lần nữa, sau bốn năm bị liên quân Nga-Syria đánh bạt khỏi các chiến địa. Chính vì thế, cách mà lực lượng này ồ ạt quay trở lại, khống chế những khu vực rộng lớn có tới bốn triệu dân, với quân số lên đến 30.000 người (và vẫn đang tiếp tục chiêu mộ) thật sự là một hồi chuông cảnh báo gay gắt.
Tốc độ tiến quân đáng kinh ngạc của HTS vừa chỉ ra trạng thái không hề sẵn sàng (cũng như không đủ khả năng) kiểm soát tình hình của quân đội cũng như Chính phủ Damascus – điều gợi lại phương thức mà Chính phủ Iraq trong quá khứ từng phải chấp nhận nhìn những phần lãnh thổ bị tràn ngập bởi IS, vừa gợi lên những nỗi lo lắng vẫn còn nguyên vẹn, về nguy cơ những bóng cờ đen hắc ám một lần nữa tập hợp được lực lượng, từ đổ nát, nghèo đói, hiềm khích, mâu thuẫn và hận thù.
TẤT nhiên, giới quan sát quốc tế vẫn đang chờ đợi quân đội của Tổng thống Syria Al Assad tiến hành phản kích, sau khi đã rút lui và tái tổ chức lực lượng, cùng những sự hỗ trợ cần thiết từ Iran hay quân đội Nga đồn trú. Vẫn còn đủ thời gian để những con đê chắn lũ dữ được xây dựng cấp tốc, và vẫn còn nguyên cơ hội để đẩy lùi cường bạo.
Song, nếu Iran thật sự đưa quân vào Syria, cục diện địa chính trị của cả Trung Đông sẽ có thể biến chuyển vô cùng khó lường, nếu chúng ta xét đến mối quan hệ mâu thuẫn chồng chéo và đầy phức tạp giữa các “kình địch” Iran, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ - điều luôn có thể biến việc quốc tế hóa một vấn đề nội bộ nào đó thành cả lò lửa căng thẳng.
Không phải ngẫu nhiên, và cũng rất đáng mừng, Bộ Quốc phòng Mỹ không (hoặc chưa) đề cập khả năng triển khai các đơn vị binh sĩ của họ, khi địa điểm đồn trú của quân đội Mỹ và quân đội Nga trên đất Syria ở khá gần nhau (cho dù Washington không thay đổi lập trường về Chính phủ Al Assad). Động thái “nể mặt” này có thể xem là một sự gợi mở quan trọng, cho những giải pháp chính trị thuần túy trong tương lai.