Nếu như ngày 4/12, người sẽ tiếp nhiệm cương vị Tổng thống Mỹ thứ 47 vào ngày 20/1/2025 khẳng định: “Tôi rất tự hào khi đã đấu tranh chống lại những hành vi lạm dụng (của Big Tech) trong nhiệm kỳ đầu, và sắp tới, nhóm chống độc quyền của Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục công việc đó!”, thì đến ngày 9/12, tờ Bloomberg đã giật tít: “Trump đang trên đường xung đột với Liên minh châu Âu (EU), về chính sách siết chặt kiểm soát đối với Big Tech”.
Donald Trump, dĩ nhiên, không có nhiều lý do để yêu mến Big Tech. Có lẽ chưa ai trong số những người quan tâm đến thời sự - chính trị quốc tế kịp quên cách mà ông (khi đó vẫn còn là Tổng thống thứ 45 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ) bị “bịt miệng” trên mọi nền tảng mạng xã hội lớn (thuộc Big Tech), như Facebook của Tập đoàn Meta, hay Twitter (nay đã đổi tên thành X), chưa kể đến sự thù địch công khai từ Google (thuộc Tập đoàn Alphabet), Apple hay Microsoft, PayPal và Amazon.
Lý do đơn giản và dễ thấy nhất cho sự đồng loạt quay lưng này, là bởi khi thúc đẩy “thương chiến Mỹ - Trung”, ông chủ Nhà trắng thời điểm ấy đã làm tổn hại không ít đến lợi ích kinh tế của các đại gia công nghệ. Và rồi, khi “xóa sổ” hầu như mọi thông điệp của Donald Trump khỏi internet toàn cầu, họ đã gián tiếp tạo nên thất bại - thất bại mà ngày đó ông không cam lòng chấp nhận.
Tuy nhiên, hiện tại, thời thế lại đang làm phai mờ những khía cạnh gay gắt của câu chuyện bốn năm về trước.
Sắp tới, những Apple, Alphabet, Meta, và cả nền tảng mạng xã hội X của tỷ phú Elon Musk (người góp công lớn vào chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này của ông Donald Trump, thông qua việc mua lại Twitter, đổi tên và biến nó thành một kênh vận động hữu hiệu cho ứng viên đảng Cộng hòa, nghĩa là đưa ông Trump trở lại “cõi mạng” để dễ dàng tiếp cận với nhiều cử tri hơn) có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt lên đến hàng tỷ USD, cùng những yêu cầu khắc nghiệt khác (như chia tách các mảng kinh doanh chính, hay thậm chí bị buộc thoái vốn), theo diễn tiến hàng chục cuộc điều tra đang diễn ra tại EU.
Riêng Elon Musk đối diện nguy cơ bị EU phạt nặng theo Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) vì không xử lý nội dung bất hợp pháp trên nền tảng X. EU thậm chí còn cân nhắc tính toán mức phạt dựa trên tài sản cá nhân của Musk - động thái có thể kích động sự trả đũa từ phía chính quyền Trump, bởi vị tỷ phú đang được đề cử vào vị trí người đứng đầu Bộ Hiệu quả Chính phủ Mỹ sắp tới.
Nhưng hơn thế, ông Trump từng tuyên bố sẽ không để EU “lợi dụng các công ty của chúng ta”, và cũng từng nhiều lần chỉ trích cách hành xử “bất công” của những người bạn cũ bên kia Đại Tây Dương - những đồng minh thân cận mà ở nhiệm kỳ trước của ông đã trở nên xa cách.
Câu chuyện, thực tế, cũng không có gì khó hình dung. Cứ cho là Tổng thống Mỹ vừa đắc cử vẫn còn “ghim hận” với Big Tech, thì ông cũng vẫn sẽ phải bảo vệ quyền lợi của họ. Bởi, những vết thương mà Big Tech phải nhận từ các đòn trừng phạt của châu Âu cũng chính là sự suy yếu của quyền lực mềm Mỹ, là những tổn thất mà nền kinh tế Mỹ phải chịu đựng.
Và đó là điều ông Donald Trump khó chấp nhận. Buộc phải mang “chiếc vòng kim cô” mà chính mình tạo nên - khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết (America First)!”, ông thậm chí sẽ còn có thể tỏ ra cứng rắn gấp bội, và không buồn đếm xỉa đến một chu kỳ lạnh nhạt mới trong quan hệ Mỹ - EU, bất chấp những cơn nhức đầu.