Vòng xoay mịt mờ, trong một quỹ đạo mở

Cho đến những ngày cuối cùng của năm 2024, bản đồ địa chính trị thế giới vẫn mang một diện mạo tổng thể u ám, dưới những màn sương mù vô định. Những lò lửa xung đột vẫn sôi sục nóng bỏng, mà bên cạnh đó, có những sự kết thúc nhiều khả năng lại chỉ xuất hiện để trở thành điểm bắt đầu cho các mâu thuẫn mới bùng lên, hắt những ánh gay gắt sang vòng quay 365 ngày tiếp nối.
0:00 / 0:00
0:00
Chiến sự ở miền đông Ukraine sắp chạm mốc tròn ba năm.
Chiến sự ở miền đông Ukraine sắp chạm mốc tròn ba năm.

Trạng thái này, thậm chí, được thể hiện ngay ở những động thái đối kháng trong nội bộ chính trường nước Mỹ - cường quốc số 1, với những quyết sách có thể tác động đến mọi quốc gia, khu vực hay vùng lãnh thổ trên thế giới.

Cuộc tổng tuyển cử của họ - cuộc đua quyền lực luôn nằm trong tâm điểm chú ý của giới quan sát quốc tế, kể từ đầu năm 2024 - đã khép lại, với chiến thắng tuyệt đối thuộc về cựu Tổng thống Donald Trump, cũng như đảng Cộng hòa của ông.

Tuy nhiên, trong khoảng hơn hai tháng còn tại vị, chính quyền Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden vẫn cố gắng hết sức theo cách của mình, song điều đó vô hình trung có thể có những tác động đối với lộ trình “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại (Make America Great Again)” mà ông Donald Trump đã lựa chọn. Đơn cử, như Reuters thông tin ngày 20/12, ông chủ Nhà trắng đương nhiệm đã sẵn sàng thông qua gói viện trợ quân sự cuối cùng trong nhiệm kỳ của mình cho Ukraine, trị giá khoảng 1,2 tỷ USD. Điều này có nghĩa là cuộc chiến ở Ukraine sẽ vẫn còn khả năng kéo dài, và hành động này cũng có thể xem là một cách “thọc gậy bánh xe” đối với cương lĩnh đối ngoại của tổng thống chuẩn bị tiếp nhiệm, khi ông Trump từng đe dọa rằng ông sẽ cắt hoàn toàn viện trợ cho Kiev, và thúc đẩy đàm phán Nga-Ukraine nhằm chấm dứt chiến tranh.

Cuộc xung đột “giữa những người anh em Slave” ấy đã tiến rất gần đến cột mốc tròn ba năm, với những diễn biến khốc liệt trên chiến trường, cùng những hệ quả sâu sắc tạo nên cho toàn thế giới, về cả địa chính trị lẫn các khía cạnh kinh tế-xã hội, đồng thời đến tận lúc này cũng vẫn tồn tại những mệnh đề không khoan nhượng từ cả hai phía.

Mặc dù vậy, trong bối cảnh cụ thể hiện tại, khi Nhà trắng đổi chủ, triển vọng hạ nhiệt Chiến dịch quân sự đặc biệt của nước Nga có lẽ vẫn “sáng sủa” hơn chuyện dập tắt “lò lửa Trung Đông” - nơi chồng chéo lợi ích cốt lõi của các trung tâm quyền lực quốc tế, cũng như đang dồn dập bùng nổ các diễn biến đáng lo ngại mới.

Ở đó, trong năm 2024, quân đội Israel cũng đã nối dài cuộc xung đột trả đũa lực lượng Hamas bằng những hành động quân sự không ngừng nghỉ. Không chỉ vậy, họ còn mở rộng phạm vi hoạt động đến mọi nơi có người Palestine sinh sống, ở cả Bờ Tây lẫn Dải Gaza, bất chấp phản ứng của dư luận chung toàn cầu. Bởi vậy, Trung Đông hiện thời đã chính thức trở thành một thảm kịch nhân đạo, với 44.786 người Palestine thiệt mạng, theo số liệu tính đến ngày 10/12 từ Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA), cùng hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, không nơi trú ngụ và rất cần được cứu trợ khẩn cấp.

Chưa hết, trong những ngày cuối năm 2024, chính quyền Tổng thống Syria Bashar Al Assad bất ngờ sụp đổ một cách dễ dàng trước sức tiến công của lực lượng đối lập Hayat Tahrir al-Sham (HTS), trong sự sửng sốt của toàn thế giới. HTS tiến vào Damascus, còn quân đội Israel cũng gấp rút băng qua biên giới, tiến vào lãnh thổ Syria, không kích dữ dội vào các kho vũ khí của chính quyền Al Assad, đồng thời không giấu giếm ý định chính thức sáp nhập cao nguyên Golan.

Nhưng dù sao, khi xé đi những tờ lịch cuối của năm 2024, các nhà phân tích cũng vẫn có lý do để cảm thấy nhẹ nhõm. Cuối cùng, nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự toàn diện giữa Israel với Iran - điều có thể làm tình hình trở nên trầm trọng hơn, cũng đã không (hoặc chưa) xảy ra. Hai phía đều đã không vượt qua những lằn ranh cuối, vì lý do này hoặc lý do khác, cho dù cũng đã áp dụng một số biện pháp “ăn miếng trả miếng”.

Ở bên kia của đại lục Âu-Á, mọi việc cũng có thể tạm coi như vẫn nằm trong tầm kiểm soát, dù căng thẳng gia tăng từ eo biển Đài Loan đến Biển Đông, hay cho dù Hàn Quốc trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ bốn thập niên qua, với một lệnh ban bố thiết quân luật của Phủ Tổng thống chỉ có thể tồn tại trong vòng sáu giờ đồng hồ.

Từ một góc nhìn khác, sự phân mảnh của thế giới đương đại cũng được thể hiện khá rõ nét ở vị thế ngày càng được khuếch trương rộng rãi của nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS. Năm 2024 đánh dấu việc BRICS mở rộng quy mô thành viên (kết nạp thêm Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), chiếm tới 32% tổng GDP toàn cầu, qua đó chính thức trở thành đối trọng của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7).

Ngược lại, năm 2024 chứng kiến những diễn biến tương đối hỗn loạn và đáng lo ngại tại Liên minh châu Âu (EU), với những vấn đề nóng bỏng ở các lĩnh vực an sinh xã hội, kinh tế hoặc di trú, mà hệ quả là lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng vọt. Từ đó, chủ nghĩa dân tộc cực đoan cũng như các đảng cánh hữu giành ưu thế, ở cả cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) lẫn các cuộc bầu cử nội bộ quốc gia. Cả Pháp lẫn Đức - hai cường quốc dẫn dắt EU - đều chao đảo bởi những cơn sóng gió chính trường chưa hồi kết, nối dài sang năm 2025.

2025 cũng sẽ là thời điểm cả thế giới “nín thở” chờ đợi những hệ lụy đáng sợ đối với nền kinh tế toàn cầu, với việc khơi lại cuộc “thương chiến Mỹ - Trung”. Nhưng, xét cho cùng, từ địa chính trị đến địa kinh tế, mọi vấn đề đều đang (bắt buộc phải) xoay theo một quỹ đạo khó lường, trong tiến trình tái định hình trật tự thế giới. Và, làm thế nào để “đứng trên vai những người khổng lồ” chứ không phải bị cuốn vào giông bão, chính là yêu cầu bức thiết đặt ra cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam