Khoảng trống đầy cạm bẫy

“Nguy cơ lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trỗi dậy là có thật. Chúng ta không thể để điều này xảy ra!” - Chủ tịch Ủy ban châu Âu (European Commission/EC) Ursula Von der Leyen tuyên bố, ngày 17/12. Cũng như bà, không ít nhà phân tích quốc tế đang thật sự quan ngại, khi chứng kiến đất nước Syria phân rã thành những mảnh vỡ quyền lực, sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar Al Assad.
0:00 / 0:00
0:00
Syria chỉ còn là những mảnh vỡ.
Syria chỉ còn là những mảnh vỡ.

một thực tế không thể phủ nhận: Cho dù thất bại như núi đổ trước đà tiến công của lực lượng đối lập Hayat Tahrir al-Sham (HTS) - những chủ nhân mới của Damascus hiện tại, thì hơn mười năm qua, quân đội của Tổng thống Bashar Al Assad, với những sự giúp đỡ quan trọng từ quân đội Nga, mới chính là phòng tuyến quan trọng nhất ngăn chặn “bóng ma đẫm máu” IS, trên lãnh thổ Syria.

Nhưng bây giờ, đội quân ấy đã bị giải giáp, để bắt buộc phải từ bỏ nhiệm vụ cũng như các vị trí phòng ngự của mình. Cùng đó, những đơn vị binh sĩ Nga cũng triệt thoái khỏi các căn cứ quan trọng ở Syria, để lại những không gian mênh mông không còn khả năng phòng thủ.

HTS, cũng như các phe nhóm chống Assad khác - thí dụ Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), một liên minh do người Kurd lãnh đạo và được quân đội Mỹ hậu thuẫn - đang cố gắng lấp đầy những khoảng trống quyền lực này. Tuy nhiên, khác với quân đội Damascus trước đây, họ đều thiếu tiềm lực cũng như khả năng phối hợp một cách nhất quán, để trấn áp một kẻ thù có thể “xuất hiện từ hư vô” như IS.

GIÁM đốc chương trình Syria và chống khủng bố tại Viện Trung Đông (của Mỹ), Charles Lister, nhận định trên tờ The New York Times ngày 15/12: Việc chống lại tổ chức IS không hề đơn giản và đòi hỏi các hành động phức tạp có tính kết nối, không chỉ là các hành động quân sự thuần túy. Bởi, IS dựa vào sự bất ổn, đau khổ và bất bình của người dân địa phương để tuyên truyền, lôi kéo, tuyển dụng và biện minh cho các hành động của mình.

Ông khẳng định: Không có cách giải quyết nhanh chóng nào cho vấn đề IS. Nhưng nếu không sớm hành động, các đồng minh của Mỹ tại Syria cuối cùng có thể bị chia rẽ bởi tranh chấp nội bộ và các cuộc tấn công từ bên ngoài, buộc Mỹ phải rút quân khỏi Syria. Bởi vậy, theo Charles Lister: Quân đội Mỹ, hiện bố trí 900 lính tại Syria, sẽ cần phải cảnh giác trong những tuần tới, chuẩn bị tấn công IS ở những nơi chúng tìm cách tích lũy tài nguyên, tập hợp lực lượng hoặc phát động các cuộc tập kích.

Trên thực tế, IS đã tiến hành gần 700 cuộc tấn công ở Syria kể từ tháng một, tăng gấp ba lần so với năm ngoái. Mức độ tinh vi và nguy hiểm của các cuộc tấn công của IS cũng tăng vọt. Thậm chí, trong ngày 8/12, không quân Mỹ đã phải oanh kích hơn 75 mục tiêu của IS trên khắp miền trung Syria, nhằm ngăn chặn những bóng cờ đen “thừa nước đục thả câu”, khi HTS chuẩn bị tiến vào Damascus.

Và cũng trên thực tế, ngoài HTS hay SDF, lãnh thổ Syria còn đang bị chia cắt thành những vùng cát cứ của các nhóm dân quân, các lực lượng được Iran ủy nhiệm, trong khi Israel nhanh chóng đưa quân vượt biên giới tiến vào (đồng thời tuyên bố sáp nhập cao nguyên Golan), chưa kể đến những khu vực ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ. Nói như The New York Times, phần lớn Syria vẫn là một mớ hỗn độn của các lực lượng phe phái, mỗi phe có một động cơ riêng.

PHÓNG chiếu ra một góc nhìn rộng hơn, tính chất quốc tế hóa đầy những lợi ích chồng chéo và rối rắm của cuộc xung đột Syria cũng đang tạo nên cho phương Tây những mệnh đề song trùng không dễ giải quyết. Đơn cử, cả Washington lẫn Brussels đều đã từng chống Assad quyết liệt, nhưng bây giờ, khi chế độ ấy không còn hiện hữu, họ sẽ phải cáng đáng trách nhiệm ngăn chặn IS trỗi dậy tại Syria một lần nữa.

Để làm được điều đó, phương Tây có thể phải thừa nhận HTS, cho dù lực lượng này cũng bị họ đưa vào danh sách các tổ chức khủng bố. Đồng thời, Mỹ và châu Âu còn phải nỗ lực đối thoại để tìm cách hòa giải HTS với các phe nhóm khác, đặc biệt là SDF, chưa kể tới Thổ Nhĩ Kỳ hay Israel, nhằm tái xây dựng một chính quyền trung ương đủ mạnh mẽ ở Syria – điều vừa biến mất, dưới những tác động đánh phá không mệt mỏi, của cả các phe nhóm đối lập lẫn chính… phương Tây.