Khuyến khích phụ nữ tham gia ngành bảo tồn

Phụ nữ là lực lượng lao động tiềm năng và chất lượng cần được phát huy tốt hơn nữa trong ngành bảo tồn. Tuy nhiên, đị nh kiến giới, sự bất bình đẳng và môi trường làm việc thiếu an toàn dường như đang ngăn cản phụ nữ tham gia và phát triển trong lĩnh vực này.
0:00 / 0:00
0:00
Phụ nữ cần được trang bị đầy đủ kiến thức và vật dụng cần thiết để hoạt động thực địa đảm bảo an toàn, hiệu quả cao.
Phụ nữ cần được trang bị đầy đủ kiến thức và vật dụng cần thiết để hoạt động thực địa đảm bảo an toàn, hiệu quả cao.

Vô số rào cản

Bảo tồn vốn được cho là một ngành nghề “đặc thù” dành riêng cho nam giới bởi quan điểm công việc này đòi hỏi sức chịu đựng và sức mạnh về mặt thể chất. Song, những năm gần đây, nữ giới ngày càng tham gia mạnh mẽ hơn vào ngành này với nhiều vai trò khác nhau. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy xã hội đã có nhiều thay đổi tích cực hơn trong cách nhìn nhận về lực lượng lao động là nữ giới trong bảo tồn.

Phụ nữ làm việc trong ngành này phải đối mặt với nhiều thách thức như: bất bình đẳng giới trong cơ hội việc làm và thăng tiến sự nghiệp, quấy rối và tấn công tình dục trong môi trường làm việc. Những vấn đề này đã góp phần dẫn đến tình trạng các nhà bảo tồn nữ từ chức, bỏ việc hay thậm chí là bỏ nghề. Trên thực tế, nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng việc cảm thấy không an toàn trong môi trường làm việc khiến họ cảm thấy không an tâm trong lúc thực hiện công việc dẫn đến giảm hiệu suất công việc. Cụ thể là: các nhà khoa học nữ thường từ chức sớm hơn phụ nữ ở các ngành nghề khác, đặc biệt khi họ phải làm việc trong môi trường không công bằng, không an toàn do các vấn đề như quấy rối tình dục hay bất bình đẳng (Theo nghiên cứu của Glass và cộng sự năm 2013, Clancy và cộng sự năm 2014).

Vấn đề giới trong ngành bảo tồn hiện nay không chỉ được nêu ra bởi các nghiên cứu nước ngoài, mà còn được chỉ ra tại các báo cáo và nghiên cứu tại Việt Nam. Cụ thể, từ ngày 16/7 đến hết ngày 10/8/2020, Trung tâm Hành động vì Động vật hoang dã Việt Nam (WildAct) đã tiến hành khảo sát với 114 nhà bảo tồn, nhà bảo vệ môi trường và nhân viên trong các Viện nghiên cứu, Vườn quốc gia về hành vi quấy rối tình dục trong môi trường làm việc. Kết quả cho thấy, đại đa số người tham gia trả lời rằng họ cảm thấy môi trường làm việc của họ không xuất hiện quấy rối tình dục qua câu hỏi trực tiếp. Tuy nhiên, cứ 6 người thì có đến 5 người từng bị quấy rối trong môi trường làm việc trong vòng 2 năm qua. Quấy rối tình dục xảy ra với cả nam và nữ giới, bất kể chức vụ, tuy nhiên tỷ lệ phụ nữ bị quấy rối tình dục cao hơn nam giới và xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Quấy rối có hai hình thức chính, đó là: lời nói và hành động, trong đó quấy rối bằng lời nói là hình thức phổ biến hơn, tuy nhiên, quấy rối bằng hành động đã được ghi nhận. Không chỉ vậy khảo sát còn chỉ ra, những người thường làm việc tại hiện trường và thực địa, có nhiều khả năng bị quấy rối tình dục cao hơn những người làm việc tại văn phòng là chủ yếu.

Bất bình đẳng giới trong cơ hội tiếp cận nghề nghiệp cũng là một trong những giới hạn và thách thức nữ giới phải đối mặt khi tham gia ngành bảo tồn. Các Hội nghị, Hội thảo và Đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ thường có xu hướng được thiết kế dành cho nam giới và chỉ có rất ít phụ nữ được tham gia. Cụ thể: tại hội nghị cấp cao COP27 năm 2022 về biến đổi khí hậu được tổ chức tại Ai Cập, trong số hơn 112 lãnh đạo từ các quốc gia chỉ có duy nhất 1 nữ lãnh đạo. Điều này đã thể hiện rõ rệt sự mất cân bằng giới trong môi trường làm việc và chỉ ra được thực tế về sự bất bình đẳng giới trong cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp trong ngành bảo tồn và môi trường nói chung.

Mặt khác, tính chất nghề bảo tồn yêu cầu làm việc thực địa là chủ yếu, thế nhưng các thiết bị và công cụ hỗ trợ cho nữ giới nhằm bảo đảm an toàn, nâng cao hiệu quả công việc vẫn chưa được trang bị đầy đủ. Hầu hết các nữ cán bộ thực địa ở các tổ chức bảo tồn tại Việt Nam vẫn chưa trang bị đầy đủ cũng như phổ cập kiến thức về những vật dụng cần thiết khi đi tiến hành công tác thực địa, thí dụ như: Bộ công cụ phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới, bộ nguyệt san dành cho kỳ kinh nguyệt, bộ đồ phòng hộ phản quang... Điều này dẫn đến cảm giác thiếu an toàn, mất tự tin và gặp nhiều bất lợi trong quá trình thực thi nhiệm vụ cho các nữ cán bộ bảo tồn. Cứ thế, động lực của họ giảm dần theo thời gian, cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp của họ ít đi, biểu hiện như 100% Giám đốc các Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam là nam giới.

Tất cả những thách thức này đang dần khiến mức độ cam kết với nghề của các nhà bảo tồn nữ giảm dần và gây ảnh hưởng đến mức độ đóng góp của họ cho sự thay đổi của ngành bảo tồn tại Việt Nam.

Biến thách thức thành cơ hội

Dù phụ nữ trong ngành bảo tồn vẫn đang gặp phải nhiều thách thức thế nhưng tất cả đang dần được nhìn nhận lại. Hiện nay trên thế giới vấn đề đa dạng giới trong ngành nghề đang được chú ý, chính vì vậy nhiều cơ hội nghề nghiệp, học tập, phát triển và tham gia các hoạt động bảo tồn cũng đang dần mở ra dành cho nữ giới.

Cho đến nay các giải thưởng vinh danh, học bổng lãnh đạo/ phát triển học cao học ưu tiên nữ giới nhằm thúc đẩy cơ hội và khuyến khích tham gia vào đa dạng ngành nghề khác nhau đang vô cùng rộng mở. Một số tổ chức quốc tế khuyến khích và đề cao vai trò của phụ nữ trong ngành bảo tồn như: Women in Nature Network, Daughters for Earth, hay WWF... đang mở ra rất nhiều cơ hội nghề nghiệp hay tập huấn đào tạo năng lực cho các phụ nữ trong ngành bảo tồn. Không chỉ dừng tại đó, một số chính sách phúc lợi làm việc hiện nay về các vấn đề sức khỏe tinh thần và thể chất cho nữ giới cũng đã cởi mở hơn. Cụ thể, nữ giới làm việc trong ngành bảo tồn sẽ có ngày nghỉ kinh nguyệt, chế độ ưu tiên cho nữ cán bộ có con nhỏ hoặc đang trong quá trình dưỡng tiền và hậu sinh sản... Bên cạnh đó, các dự án nhằm cung cấp kiến thức và trang bị các bộ công cụ bảo hộ, phòng thân đang được các tổ chức bảo tồn tại Việt Nam chú ý và đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Đơn cử, Trung tâm Hành động Vì động vật hoang dã Việt Nam - WildAct sẽ cung cấp 10 bộ phòng hộ thực địa cho các nữ bảo tồn trong nhóm đề xuất dự án được lựa chọn tài trợ trong khóa tập huấn Thúc đẩy phụ nữ tham gia hoạt động bảo tồn 2023-2024. Với bộ phòng hộ được cấp, các nữ bảo tồn tự tin và cảm thấy an toàn trong hoạt động nghề nghiệp...

Khuyến khích phụ nữ tham gia ngành bảo tồn ảnh 1

Các chương trình liên quan đến bình đẳng giới luôn nhận được sự quan tâm và tham gia nhiệt tình của các bạn trẻ, đặc biệt là nữ giới. Ảnh trong bài | WildAct cung cấp

Tại Việt Nam, WildAct là một trong những đơn vị tiên phong đưa các chương trình, hoạt động về giới lồng ghép vào lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã. Chị Trần Yến, Điều phối Chương trình và Vận hành tại WildAct cho biết: “Chúng tôi luôn tin tưởng rằng khi được trao cơ hội, phụ nữ sẽ vượt qua các thách thức để có những đóng góp đáng kể cho ngành bảo tồn. Trong những năm qua, chúng tôi đã thực hiện các chương trình liên quan đến bình đẳng giới và thúc đẩy phụ nữ tham gia vào ngành bảo tồn bằng cách tổ chức nhiều hoạt động bao gồm tạo môi trường làm việc an toàn và bình đẳng, trao quyền cho phụ nữ trong ngành bảo tồn, tập huấn nâng cao năng lực cho các nhà bảo tồn nữ, khuyến khích phụ nữ và trẻ em gái địa phương tham gia hoạt động bảo tồn”.

Ngành bảo tồn vất vả nhưng không chỉ dành cho nam giới. Chị Lê Thu Hà, cán bộ kiểm lâm tại Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, là người hoạt động tích cực và hiệu quả trong công tác bảo tồn. Có cơ hội tham gia các khóa học, tập huấn, năng lực chuyên môn của chị được nâng lên, biểu hiện rõ ở hiệu quả công việc. Chị bày tỏ mong muốn, công tác bảo tồn phát triển mạnh mẽ hơn, người dân không phải phụ thuộc vào rừng nhiều nữa, qua đó bảo vệ được môi trường và sự đa dạng sinh thái...

Để thay đổi quan điểm về giới trong ngành bảo tồn tại Việt Nam, cần có thêm nhiều thời gian, cần sự cởi mở và hợp tác từ cộng đồng bảo tồn, đặc biệt là nam giới trong và ngoài ngành. Bên cạnh đó, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan nhà nước và các đơn vị bảo tồn về vấn đề giới trong ngành bảo tồn sẽ tạo ra ảnh hưởng tích cực. Đặc biệt, chính những người phụ nữ trong ngành bảo tồn cần không ngừng nâng cao năng lực và nắm bắt các cơ hội để phát triển bản thân, khẳng định giá trị và đóng góp của mình cho hoạt động bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường.