Chương trình tín dụng cho HSSV đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả do có sự phối hợp và tích cực triển khai của nhiều bộ, ngành. Xin ông cho biết vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc triển khai chương trình này?
Ngay sau khi có Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27-9-2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV,Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai tới tất cả các sở giáo dục và đào tạo, các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp thực hiện công tác tín dụng đào tạo đối với HSSV. Bộ đã chỉ đạo các trường tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng đối với HSSV; chỉ đạo các trường thành lập trung tâm hỗ trợ sinh viên và quan hệ với doanh nghiệp để giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp có cơ hội kiếm việc làm và trả nợ cho ngân hàng. Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH và các bộ, ngành để kiểm tra và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai. Phối hợp với Ngân hàng CSXH tuyên truyền, vận động các ngân hàng tạo nguồn cho chương trình để cho học sinh, sinh viên vay. Cùng Ngân hàng CSXH, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng trang Web vay vốn đi học, nhằm tuyên truyền về chính sách, đồng thời quản lý thống nhất sinh viên được vay vốn.
Theo báo cáo từ các cơ sở đào tạo, từ khi triển khai chương trình đến nay không có học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì lý do không có tiền đóng học phí.
Vào năm học mới 2013-2014, một số trường đã có thông báo về việc tăng học phí, như vậy các khoản chi tiêu của HSSV lại tiếp tục khó khăn. Liệu lộ trình tăng học phí của các trường có phù hợp với thực tế mức vốn được vay của các sinh viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn không thưa ông?
Việc công bố mức học phí của các trường là do các trường quyết định theo khung học phí đã được Chính phủ quy định trong Nghị định 49/2010/NĐ-CP về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015.
Thực tế nguồn vốn vay từ chương trình này khó có thể bảo đảm đủ kinh phí cho HSSV chi phí cho học tập và sinh hoạt, mà các gia đình phải cùng hỗ trợ các em bằng các nguồn khác để cung cấp đủ kinh phí cho con em mình học tập. Tuy nhiên, để hỗ trợ thêm cho HSSV khi các trường điều chỉnh tăng học phí, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành đã đề xuất và đã được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh mức cho vay đối với HSSV tối đa tăng từ 1.000.000 đ/tháng/HSSV lên 1.100.000 đ/tháng/HSSV kể từ ngày 1-8-2013.
Hiện tình trạng HSSV tốt nghiệp ra trường khó kiếm được việc làm hoặc có việc làm với mức lương thấp không đủ chi phí sinh hoạt, như vậy rủi ro cho việc trả nợ của các HSSV vay vốn được Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm và đề ra giải pháp như thế nào?
Bộ đã có văn bản chỉ đạo để tăng cường vai trò của các nhà trường trong việc nắm bắt tình hình HSSV vay vốn, phối hợp quản lý việc sử dụng nguồn vốn vay.
Để hỗ trợ HSSV chọn ngành nghề phù hợp để sau khi ra trường có việc làm, Bộ đã tăng cường công tác hướng nghiệp, phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tư vấn tuyển sinh và đưa ra những khuyến cáo với các ngành nghề có khả năng dư thừa nhân lực trong tương lai gần.
Ngân hàng Chính sách xã hội Lạng Giang.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà trường triển khai mạnh mẽ việc thành lập và hoạt động của các trung tâm hỗ trợ SV và quan hệ với doanh nghiệp để giúp SV tìm việc sau khi tốt nghiệp. Đến nay đã có 150 trường có trung tâm và bộ phận làm công tác này.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã ký kết với các Hiệp hội doanh nghiệp Đức (150 doanh nghiệp), Nhật Bản (gần 1.000 doanh nghiêp) và Hàn Quốc trong việc các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ đào tạo và tạo điều kiện việc làm cho SV tốt nghiệp.
Bộ cũng đã chủ động bàn với Ngân hàng CSXH để tìm cách hỗ trợ các em chưa có việc làm như giãn nợ, kéo dài thời hạn vay vốn, v.v.
Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH, tỷ lệ cho vay HSSV học đại học là cao nhất, tiếp đến là cao đẳng rồi mới đến các trường trung học dạy nghề, trong khi đó nhóm này khả năng ra trường kiếm được việc làm cao hơn. Vậy theo ông, các cơ quan quản lý có tính đến khả năng thay đổi tỷ lệ này?
Đúng là từ khi triển khai chương trình cho đến nay thì tỷ lệ SV đại học, cao đẳng vay chiếm phần lớn.
Hiện nay tỷ lệ HS học nghề vay vốn chương trình tín dụng đào tạo thấp có nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân một bộ phận HSSV và người dân chưa biết rõ về chương trình này.
Để phối hợp khắc phục vấn đề này, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, từ năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo tất cả các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Trung tâm giáo dục thường xuyên, hằng năm trước khi kết thúc học kỳ II phải phối hợp với Ngân hàng CSXH, Sở và Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội tại địa phương tổ chức giới thiệu, tuyên truyền, cung cấp tất cả các thông tin liên quan đến chương trình tín dụng đào tạo cho tất cả HS lớp 9 và lớp 12, để các em biết rõ về chương trình này và có thể vay vốn khi đi học nghề và học cao đẳng, đại học nếu đủ điều kiện.
Xin cảm ơn ông!
Qua hơn 5 năm triển khai, Quyết định này đã giúp cho 2,170 triệu sinh viên là con hộ nghèo, cận nghèo và khó khăn về kinh tế có được sự bình đẳng về cơ hội học tập, hỗ trợ kinh phí để theo học các bậc học khác nhau kể cả đào tạo nghề giúp họ có thể có một việc làm ổn định, phát triển kinh tế cho bản thân và gia đình. |