Trao đổi ý kiến

Khôn ngoan chẳng lọ thật thà

Chung quanh đề án đăng cai Đại hội thể thao châu Á năm 2019 (ASIAD 18) tại Việt Nam, nhất là mấy con số liên quan đến kinh phí, đang có nhiều ý kiến khác nhau. Thí dụ: Đề án cho rằng cơ sở vật chất hiện có đã đáp ứng 80% yêu cầu của ASIAD 18, song theo giáo sư Dương Nghiệp Chí, nguyên cán bộ lâu năm trong ngành TDTT thì con số 80% mới chỉ là phần "khung và xác nhà sẵn có, còn thực chất cơ sở vật chất chỉ đáp ứng 30%".

Về "kinh phí cần thiết" từ nguồn ngân sách nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra mức 150 triệu USD, tuy nhiên ý kiến phản biện cho rằng đó là một cách tính chứ không hẳn con số thực. Một người từng là Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA games, ASIAD và Olympic ước tính tiết kiệm nhất cũng phải chi không dưới 400 triệu USD. Còn kinh phí từ nguồn xã hội hóa? Ngành chủ quản đặt mục tiêu phấn đấu 72%, song không ít chuyên gia phân tích và nhận định: đạt được tỷ lệ ngược lại (28% từ xã hội hóa, 72% kinh phí nhà nước) đã mừng rồi.

Điều đáng nói ở đây là những con số vênh nhau quá lớn, và bộc lộ một kiểu "việc đã rồi" hay xảy ra trong đầu tư công. Đó là: người ta tìm mọi cách nén tổng mức đầu tư hoặc dự toán kinh phí từ ngân sách nhà nước xuống mức thấp để dễ được phê duyệt. Trong quá trình triển khai đề án, chi phí thực bộc lộ, có khi tăng gấp hai, gấp ba lần dự toán, nhưng các cơ quan có thẩm quyền khó dừng lại, bởi đã rơi vào thế "đâm lao đành phải theo lao". Cái mẹo này có khi được việc cho ngành hoặc địa phương, nhưng lại đẩy ngân sách vào thế bị động, dung dưỡng cơ chế xin-cho (nhất là xin bổ sung vốn), kéo theo không ít hậu quả và hệ lụy.

Việc xây dựng cơ sở vật chất chuẩn bị ASIAD 18, kết hợp tạo bước phát triển quan trọng của cơ sở hạ tầng TDTT đương nhiên phải thực hiện nghiêm chỉnh yêu cầu tái cơ cấu đầu tư, trước hết là đầu tư công. Trong đó, nên chú trọng xác định đúng thứ tự ưu tiên đầu tư; thu hút đa dạng các nguồn vốn; đặc biệt là hạn chế tiêu cực, thất thoát, lãng phí và sử dụng đồng vốn hiệu quả cao, không chỉ hiệu quả kinh tế mà cả về xã hội, thông qua cách làm trung thực, minh bạch và công khai.