Tính đến thời điểm hiện tại, đa phần các doanh nghiệp mới có đơn hàng đến hết tháng 9. Để có thể duy trì ổn định sản xuất, các doanh nghiệp đang tiếp tục đàm phán, ký các đơn hàng giá thấp nhằm bảo đảm công ăn, việc làm cho người lao động.
Đối diện khó khăn
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG Nguyễn Văn Thời cho biết, những tháng đầu năm, ngành dệt may Việt Nam trải qua những cung bậc cảm xúc đan xen, mặc dù bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 khiến nguồn cung bị đứt gãy, chi phí vận chuyển tăng cao nhưng lượng đơn hàng dồi dào, đơn hàng giá cao đã tạo cú huých tích cực tới hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.
Khó khăn bắt đầu xuất hiện ở tháng cuối quý II khi các mặt hàng có sự sụt giảm, tình hình lạm phát tại một số nước như Mỹ, EU,... đã khiến cầu giảm, lượng tồn kho lớn. Trước những khó khăn trên, nhờ chủ động triển khai các giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tế đã giúp kết quả kinh doanh của đơn vị trong bảy tháng qua đạt hơn 3,99 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 1,02 tỷ đồng, tương đương 35% so với cùng kỳ năm 2021. Thời gian tới, TNG sẽ tiếp tục đầu tư, đổi mới trang thiết bị, công nghệ, mở rộng cơ sở sản xuất để hoàn thành sớm các mục tiêu đề ra.
Ông Nguyễn Văn Thời cũng nhận định, lạm phát tại một số nước nhập khẩu hàng dệt may chính của Việt Nam đang ở mức cao khiến người dân thắt chặt chi tiêu, dẫn tới cầu tiêu dùng giảm cùng những bất ổn về địa chính trị làm gián đoạn nguồn cung; giá nhiên liệu, nguyên phụ liệu, chi phí vận chuyển tăng cao,... sẽ gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp.
Bên cạnh lợi thế về tỷ giá ngoại hối giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, thu về lượng ngoại tệ lớn hơn trước thì các doanh nghiệp phải chủ động được nguồn cung trong nước, bảo đảm nguồn nhân lực để sẵn sàng đáp ứng mọi đơn hàng, đẩy mạnh sản xuất.
Vị Chủ tịch HĐQT TNG cũng chia sẻ, hiện đơn vị đã có đơn hàng đến hết tháng 9, những tháng tiếp theo sẽ có sự biến động, do các khách hàng còn nghe ngóng, xem tình hình thị trường ra sao rồi mới quyết định. Trước kia các đối tác có thể xác nhận đơn hàng trước sáu tháng thì nay chỉ xác nhận đơn hàng trước ba tháng, thậm chí tiếp tục bị rút ngắn trong thời gian tới.
Tương tự, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty may Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương cho rằng, tỷ giá ngoại hối tăng có lợi cho xuất khẩu, tuy nhiên, hiện tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đồng đô la Mỹ đang neo ở mức thấp khi 1 USD bằng 23.353 đồng, chỉ tăng 1% so với đầu năm cho thấy mức tăng không đáng kể.
Trong khi các nước đều hạ giá đồng nội tệ từ 7% đến 15% khiến các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh rất khốc liệt. Muốn có đơn hàng, doanh nghiệp phải hạ giá từ 20 đến 30%, thậm chí, khách hàng tiếp tục ép hạ xuống thấp hơn mới ký hợp đồng. Do các doanh nghiệp mới có đơn hàng đến hết tháng 9, cá biệt, có đơn vị đến hết tháng 8 đã hết hàng nên mặc dù giá thấp nhưng bắt buộc phải ký để có đơn hàng sản xuất, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động.
Bám sát thị trường
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho biết, đồng tiền và kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong sáu tháng qua được đánh giá tương đối ổn định, tỷ giá giữa VNĐ và đô la Mỹ cũng ổn hơn nhiều quốc gia khác. Trong khi các quốc gia khác có xu thế giảm giá đồng tiền nội tệ.
Tuy nước Mỹ nhập khẩu 40% tăng lên trong sáu tháng đầu năm, nhưng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ chỉ tăng có 26%, trong khi các quốc gia khác như Bangladesh, Pakistan,... đều tăng hơn 40%. Thị phần của Việt Nam tại Mỹ đã giảm từ 19,3% xuống 18,6%, mặc dù vẫn đứng thứ hai, nhưng những yếu tố đó thấy rõ áp lực lên doanh nghiệp nội địa.
Với đà tỷ giá tăng trên thế giới, nhưng ở Việt Nam thì tỷ giá giữa VNĐ lại cao so với đồng đô la, vì vậy hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có xu thế đắt hơn so với các quốc gia khác. Ngoài ra, có rất nhiều chính sách phi thuế quan mới đặt ra, sẽ không ảnh hưởng ngay nhưng các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị khi các chính sách có hiệu lực tại khu vực châu Âu và tại Mỹ bao gồm các yếu tố như: sản xuất xanh, yếu tố về hàng hóa tái chế, tuần hoàn,...
Bên cạnh đó, khi có chuẩn bị, các doanh nghiệp không bị bỡ ngỡ, sẵn sàng đáp ứng các tiêu chí, quy định theo yêu cầu.
Ông cũng cho rằng, những tháng cuối năm có nhiều yếu tố mang tính đột biến và khó lường không thuộc quy luật thị trường, sự biến động về giá của nguyên nhiên liệu, lạm phát rất cao ở Mỹ, châu Âu. Ngoài ra, việc Fed tăng lãi suất trong những tháng vừa qua nhằm kìm hãm lạm phát, tuy tiền lương tại Mỹ tăng, nhưng thực chất sức mua giảm.
Trong quý I, II vừa rồi, các ngành hàng hóa nhập khẩu thông dụng của Mỹ đã xuất hiện hiện tượng "quá mua", lạm phát tăng làm cho sức mua giảm. Do vậy, cần phải giám sát từng ngày, từng giờ để điều chỉnh phù hợp với các tín hiệu thị trường. Riêng với Vinatex, đơn vị sẽ bằng mọi biện pháp giữ được việc làm, đơn hàng, khách hàng, không thua lỗ để giữ vững kết quả sản xuất, kinh doanh của sáu tháng qua.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang, mặc dù kim ngạch xuất khẩu dệt may trong sáu tháng qua đạt hơn 22,3 tỷ USD, nhiệm vụ những tháng cuối năm còn gần 50% nhưng ngành dệt may Việt Nam đang phải đối diện với nhiều rủi ro nguy cơ tái bùng phát bởi các biến chủng Covid mới vẫn đang hiện hữu.
Nhiều quốc gia vùng lãnh thổ là đối tác thương mại quan trọng của nước ta như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc),... vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm dệt may của Việt Nam.
Bên cạnh đó, lạm phát cao tại các thị trường tiêu thụ dệt may lớn của Việt Nam như Mỹ, EU cùng diễn biến phức tạp của xung đột Nga-Ukraine khiến giá nhiên liệu, nguyên phụ liệu tăng cao liên tục từ đầu năm đến nay, đơn cử, giá bông tăng 19,1%; giá dầu thô tăng 40%; giá xăng trong nước tăng 67%; chi phí vận tải cao gấp 3 lần so với bình quân 5 năm trở lại đây làm cho chi phí của doanh nghiệp tăng khoảng 20-25%.
Ngoài ra, bất lợi về tỷ giá với các đối thủ cạnh tranh, tình trạng thiếu lao động sau đại dịch, yêu cầu truy soát nguồn gốc bông, vải, sợi hay xanh hóa dệt may từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng là những thách thức mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đối mặt.
Để ổn định sản xuất, hướng tới mục tiêu bền vững trong thời gian tới, bản thân các doanh nghiệp cần bắt kịp xu thế thị trường, đầu tư máy móc công nghệ, chuyển đổi xanh thích ứng với các yêu cầu của nhãn hàng, tăng cường giải pháp xây dựng, đào tạo nguồn lực thích ứng với tình hình khó khăn của thị trường, đặc biệt chú trọng tới nguồn nhân lực thiết kế cho ngành công nghiệp thời trang để từng bước tiến tới làm hàng FOB (mua vật liệu, sản xuất, bán sản phẩm) ODM (thiết kế, sản xuất, bán sản phẩm),...