Giàu nghèo và những con số

Thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 đã sắp qua đi, trên thế giới hằng ngày, hằng giờ, con người vẫn đang lo lắng với ý nghĩa đầy đủ của từ "cuộc sống". Từ nỗi lo toan hằng ngày cho đến mai sau, từ việc tìm kiếm những giá trị vật chất cho đến những giá trị tinh thần, sự thăng hoa của hạnh phúc, của khổ đau, buồn vui, hy vọng...

Những năm đã qua ghi lại những thành tựu đáng khâm phục của loài người về khoa học và công nghệ, những sáng tạo về văn học nghệ thuật, cả những cuộc chiến tranh tàn khốc và những cuộc kháng chiến vĩ đại để hướng tới sự tự do, công bằng và nhân ái. Thế nhưng, nhiều khoảng cách vẫn còn kéo dài đến tận hôm nay bất chấp những nỗ lực không biết mệt mỏi của con người. Khoảng cách giữa nước giàu và nước nghèo, giữa người giàu và người nghèo không bị thu hẹp, và ngược lại ngày càng được nới rộng ra. Trong thế kỷ 20, theo thống kê chỉ số về khoảng cách giàu nghèo của các nước thì năm 1920 là 3/1, năm 1960 là 30/1, 1990 là 60/1, 1997 là 74/1, 2005 là 98/1. Các nước giàu nhất trên thế giới hiện nay chỉ chiếm 17,2 % dân số thế giới, nhưng chiếm 84,6% của cải toàn cầu. Trong khi đó chỉ 1,34% của cải được phân phát cho các nước nghèo với hơn 20% dân số thế giới. Tám nước công nghiệp giàu nhất thế giới với hơn 12% dân số đã chiếm 62,5% tổng thu nhập toàn cầu. Tài sản của 358 tỷ phú trên hành tinh này tương đương với thu nhập của 2,83 tỷ người ở các nước thuộc thế giới thứ ba, gần bằng một nửa dân số thế giới. Mặc dù đã có những tuyên truyền rầm rộ của những dự án triển khai vốn vay của các nước giàu, hay những đợt cứu trợ nhân đạo, nhưng trong thế kỷ 20 vẫn còn 100 triệu người chết đói, đó là chưa kể số người chết vì bệnh dịch và chiến tranh.

Tuổi thọ của người Nhật đã trên 80, trong khi cư dân ở Si-ê-ra Lê-ôn, một quốc gia châu Phi, chỉ tới 39, bằng tuổi thọ của nhân loại nhiều nghìn năm trước đó. Ngay tại các nước phát triển thì khoảng cách giàu nghèo cũng ngày một rộng ra. Trong những thập niên 70 - 80 của thế kỷ 20, lương của một nhà quản lý cấp cao của Mỹ gấp 60 lần của một công nhân bình thường, và đến thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, con số đó đã là 326 lần. Ở Mỹ hiện có 47,3 triệu người sống dưới mức nghèo khổ, và ở châu Âu có trên 50 triệu người nghèo khổ. Những con số ấy mới được thống kê ở những nước phát triển. Còn ở châu Phi, châu Á, Mỹ La-tinh chưa thể thống kê được một con số chính xác bởi mức độ chuẩn nghèo chỉ là tương đối ở các quốc gia. Và liệu rằng, những khoảng cách giàu nghèo ấy có được thu hẹp lại trong những thập niên tới đây, hay lại tiếp tục giãn nở?