Đây là sáng kiến rất hay, đặc biệt trong bối cảnh vẫn còn có những ý kiến khác nhau liên quan đến khái niệm giám sát của Quốc hội (Giám sát của Quốc hội là gì? Giám sát khác với thanh tra, kiểm tra, kiểm toán như thế nào? Giám sát là giám sát ai? Giám sát có chế tài không? Chế tài của hoạt động giám sát là gì?...).
Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới đề ra nhiệm vụ liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội: “Tiếp tục nghiên cứu để xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội phù hợp thực tiễn; nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng việc theo dõi, xem xét, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát; thực hiện nghiêm việc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội”. Như vậy, những vấn đề cơ bản nhất liên quan đến khái niệm giám sát của Quốc hội như phạm vi, đối tượng giám sát…vẫn cần được xác định rõ hơn và phù hợp hơn với thực tiễn.
Theo lý thuyết và thực tiễn của quốc tế thì giám sát của quốc hội là quá trình quốc hội theo dõi, đánh giá các hành động và quyết định của nhánh hành pháp, bao gồm các cơ quan chính phủ và các quan chức công vụ, mục tiêu chính là bảo đảm tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, sự tuân thủ luật pháp và chính sách của hành pháp. Khái niệm này rất quan trọng để duy trì cân bằng quyền lực trong nhà nước và thúc đẩy quản trị tốt.
Theo Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), giám sát là chức năng quan trọng của nghị viện để giữ chính phủ chịu trách nhiệm về hành động và quyết định của mình. Giám sát quốc hội nhằm mục đích thúc đẩy tự do và phúc lợi của người dân, đồng thời nâng cao trách nhiệm giải trình và sự minh bạch trong chính phủ. Các quy trình giám sát đánh giá tác động của hành động chính phủ đối với xã hội, đảm bảo rằng các nguồn lực phù hợp được cung cấp để thực hiện các chương trình của chính phủ, xác định các tác động không mong muốn hoặc tiêu cực của chính sách và hành động của chính phủ.
Hiến pháp năm 1946 của nước ta cũng hàm ý đối tượng giám sát của Nghị viện nhân dân (Quốc hội) là Chính phủ và các quan chức Chính phủ. Theo Điều thứ 36, khi Nghị viện không họp, một trong ba quyền của Ban thường vụ (tương đương với Ủy ban Thường vụ Quốc hội) là kiểm soát và phê bình Chính phủ. Điều thứ 55 quy định: “Các Bộ trưởng phải trả lời bằng thư từ hoặc bằng lời nói những điều chất vấn của Nghị viện hoặc của Ban thường vụ”.
Sự kiện Giám đốc cơ quan mật vụ Mỹ Kimberly Cheatle phải từ chức sau cuộc điều tra của Quốc hội về vụ ám sát hụt cựu Tổng thống Donald Trump ngày 13/7/2024 là minh họa rõ nét về khái niệm và đối tượng giám sát của quốc hội. Sau vụ ám sát hụt này, Quốc hội Mỹ đã tổ chức các phiên điều trần nghiêm ngặt để điều tra về thất bại an ninh của cơ quan mật vụ. Trong các phiên điều trần, bà Cheatle không thể trả lời rõ ràng các câu hỏi về cách thức kẻ tấn công không bị ngăn chặn trước khi bắn nhiều phát vào ông Trump. Sự bất mãn và áp lực từ các nghị sĩ dẫn đến việc bà Cheatle phải từ chức. Sự việc này cho thấy vai trò của quốc hội trong giám sát và áp đặt trách nhiệm giải trình đối với các cơ quan hành pháp, bảo đảm rằng các cơ quan này hoạt động hiệu quả và an toàn cho công chúng.
Từ những phân tích và thí dụ nói trên, chúng ta có thể nhận thấy phạm vi và đối tượng giám sát của Quốc hội nước ta là quá rộng. Quốc hội đang giám sát cả Chính phủ, cả Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và cả các Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Phạm vi và đối tượng rộng như vậy vượt ra khỏi khung khái niệm về hoạt động giám sát của nghị viện, gây khó khăn, chồng chéo cho vận hành thể chế của cả nền quản trị quốc gia và làm cho Quốc hội luôn bị quá tải.
Nên chăng, chúng ta cần đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội theo hướng hội nhập sâu hơn với các chuẩn mực của thế giới hiện đại. Trước hết, cần làm rõ hơn khung khái niệm giám sát của Quốc hội, đồng thời xác định hợp lý hơn và thiết thực hơn đối tượng giám sát của Quốc hội. Cụ thể, đối tượng giám sát của Quốc hội chỉ nên là các cơ quan hành pháp (Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ), chứ không phải là quá rộng như hiện nay.