Đừng để mai một nét xưa

NDO - Ngày nay văn hóa được xác định là động lực và là mục tiêu của phát triển ở tất cả các nước trên thế giới. Ðối với mỗi quốc gia, dân tộc, kinh tế phát triển mà mất văn hóa truyền thống, bị coi như một thất bại nghiêm trọng. Ở Việt Nam, tinh thần này thể hiện rất rõ trong các Nghị quyết của Ðảng.
Đám cưới của người Dao đỏ tại xã Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai).
Đám cưới của người Dao đỏ tại xã Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai).

Nhiều năm qua, hàng loạt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các chính sách, chương trình, dự án bảo tồn văn hóa, phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số đã được ban hành và triển khai một cách rất tích cực. Thông qua đó, chúng ta đã thu được nhiều kết quả tốt. Nhiều lễ hội cổ truyền được phục dựng; nhiều tập tục cổ của các tộc người được chú ý khai thác, vận dụng; vai trò của già làng, trưởng bản, trưởng họ,... được phát huy; nhiều chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng của các dân tộc đã được phát sóng; nhiều tài liệu tuyên truyền, cổ động bằng chữ viết của các dân tộc đã được phát hành... Những cố gắng đó đã góp phần đáng kể, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng miền núi và dân tộc.  Tuy vậy, trong nền kinh tế thị trường, bản sắc văn hóa, các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc đang đứng trước những thách thức lớn.

Trong bối cảnh hiện nay, văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đang phát triển theo các xu hướng chính: Một là: Cố kết cộng đồng, bảo lưu duy trì văn hóa truyền thống. Hầu hết các tộc người đều trải qua hàng nghìn năm giao tiếp văn hóa với các dân tộc khác và với người Việt (Kinh), nhưng văn hóa các dân tộc thiểu số không hề bị mai một, nó vẫn tồn tại và phát triển. Ðó là nền tảng của sự cố kết trong cộng đồng của các dân tộc và ý thức tự giác tộc người của các dân tộc.  Từ sau 1954 đến nay, ý thức tự giác dân tộc của họ lại càng có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Hai là: Cùng với quá trình tộc người diễn ra gần một thế kỷ qua ở Việt Nam, quá trình hòa hợp vào văn hóa Việt Nam thống nhất, đang diễn ra mạnh mẽ đối với tất cả các dân tộc. Quá trình này đặc biệt có cơ hội để phát triển mạnh nhờ có những chính sách dân tộc phù hợp của Ðảng và Nhà nước ta. Ba là: Văn hóa của nhiều dân tộc, nhất là các dân tộc có dân số ít (từ 20.000 người trở xuống) đang trong quá trình mai một. Ngôn ngữ của nhiều tộc người đang bị đẩy đến nguy cơ tiêu vong. Phạm vi giao tiếp của các ngôn ngữ đó ngày càng bị thu hẹp dần, thậm chí nhiều ngôn ngữ chỉ còn được sử dụng trong gia đình.

Hiện tượng đứt đoạn văn hóa giữa các thế hệ cha ông với con cháu hiện nay khá phổ biến ở các dân tộc thiểu số. Thực tế này do bối cảnh xã hội hiện tại quy định, song nó cũng có căn nguyên từ giáo dục gia đình, dòng họ và giáo dục cộng đồng của chính các tộc người. Phổ biến hiện nay, con cháu các dân tộc thiểu số không biết chữ, không biết đọc các sách cổ. Thanh niên Thái không biết đọc sách viết bằng chữ Thái cổ, Thanh niên Tày, Dao, Nùng, Cao Lan, Sán Chỉ,... không biết đọc sách viết bằng chữ nôm Tày, nôm Dao, nôm Nùng,... Nguồn sách cổ quý báu đó chính là kho tàng tri thức về nhân sinh quan, về con đường mưu sinh, về chuẩn mực xã hội và giáo dục con người,... Không tiếp xúc được các tài liệu cổ quý này, lại ít được quan tâm chỉ bảo trực tiếp, là nguy cơ lãng quên văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Thêm vào đó, việc điều tra, nghiên cứu, khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các tộc người, cũng chưa được chú ý thật thỏa đáng. Chúng ta đã cố gắng rất lớn trong nghiên cứu văn hóa truyền thống các tộc người, nhiều di sản văn hóa của các tộc người ở Việt Nam đã được công nhận là di sản văn hóa của nhân loại. Nhưng cũng có rất nhiều công trình, đề tài nghiên cứu chất lượng thấp, không tương xứng với tiền của đã đầu tư; nhiều lễ hội truyền thống, nhiều nghề truyền thống, tập tục cổ truyền của các tộc người được phục dựng, hoặc vận dụng, còn mang tính hình thức. Vì thế, việc khai thác, ứng dụng các kết quả nghiên cứu về các giá trị văn hóa của các dân tộc, trong phát triển kinh tế - xã hội chưa được là bao. Các dự án phát triển kinh tế - xã hội chưa chú ý thật thỏa đáng việc bảo tồn văn hóa truyền thống của các tộc người,...

Như vậy, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các tộc người là một trong bốn nhiệm vụ then chốt của thời kỳ hội nhập, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ then chốt đó cần phải có sự nhận thức đầy đủ, tham gia của mọi người dân, phải bảo đảm các yêu cầu vật chất (thời gian, tài chính,...), có cơ chế chính sách thích hợp, và nhất thiết phải có đội ngũ cần nghiên cứu, quản lý, thực thi các chính sách văn hóa có chất lượng cao. Trước mắt, bảo tồn và phát triển văn hóa của các dân tộc thiểu số vừa là yêu cầu cấp bách, vừa là biện pháp hữu hiệu để hỗ trợ, bảo vệ các dân tộc thiểu số. Cần phải có chính sách tác động để quá trình hòa hợp dân tộc diễn ra hài hòa, trên cơ sở giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ các giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số, duy trì sự đa dạng văn hóa Việt Nam. Trước mắt, cần đẩy mạnh giao lưu văn hóa, đồng thời với phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng miền núi, ổn định và cải thiện đời sống, xóa đói, giảm nghèo, phát triển giáo dục, nâng cao dân trí... đối với vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Cùng với tăng cường công tác chăm lo bảo vệ giống nòi, cần đầu tư nghiên cứu một cách có hệ thống để bảo tồn và phát triển văn hóa của các dân tộc, làm cơ sở cho việc giải quyết tốt mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển.