Đô thị đắt đỏ - còn chỗ cho người nghèo?

Ánh nắng mùa xuân đổ xuống những bức tường mầu mật ong ở Bordeaux, vài du khách trên đường chú ý tới một tấm bảng với dòng chữ “Dân Paris, về nhà đi”, kèm theo hình minh họa tàu cao tốc nối Bordeaux với thủ đô nước Pháp.

Đô thị đắt đỏ - còn chỗ cho người nghèo?

Áp lực của thay đổi

Mùa hè năm trước, tuyến đường sắt cao tốc được khai trương đã rút ngắn thời gian đi lại giữa hai thành phố còn hai giờ. Việc cải tạo thành phố cũng đã được thực hiện ở Bordeaux. Từ khi có sự xuất hiện của tàu cao tốc, những người Paris giàu có bị hấp dẫn bởi bầu trời đầy nắng, nhịp sống chậm hơn và giá bất động sản thấp hơn, đã chuyển tới đây ồ ạt. Hơn 70% người mới đến Bordeaux là từ Paris và thành phố này hiện là một trong những thành phố đắt đỏ nhất của nước Pháp, những căn hộ cũ có giá trung bình 3.730 euro một mét vuông, tăng 12% so với năm trước. Tiền thuê nhà cũng tăng theo.

Cô Julia Tayac, 39 tuổi và bạn trai, anh Cedric Tournemire, 41 tuổi, thấy giá cả trở nên quá đắt đỏ tới mức họ phải chuyển tới Salaunes, một ngôi làng cách Bordeaux 26 km. Cô Tayac phải bỏ việc còn anh Tournemire hằng ngày phải đi khoảng một giờ tới chỗ làm. “Tôi đã gửi đơn xin việc kể từ đó tới giờ nhưng không ai muốn sống quá xa như vậy. Nếu đường phố vắng vẻ thì chỉ mất khoảng nửa giờ lái xe, nhưng giao thông trở nên khủng khiếp trong vài năm qua nên hiện tại, tôi đang sống chênh vênh và không có việc làm. Bordeaux đang thay đổi nhưng không tốt lên. Dân số tiếp tục tăng nhưng cơ sở hạ tầng thì không. Trước đây sống ở thành phố này rất dễ chịu, thật đáng tiếc” -
cô nói.

Nhiều người thậm chí còn chỉ trích tiêu cực hơn, “giờ chỉ có người giàu mới sống được ở Bordeaux mà phần lớn là từ Paris” - Vincent Bart, người đồng sáng lập một trang facebook phản đối người Paris nói. “Chúng tôi không giận người Paris, họ tự do di chuyển như mọi công dân châu Âu khác thôi. Chúng tôi giận chính quyền thành phố Bordeaux vì đã xua đuổi dân nghèo ra những vùng ngoại ô xa xôi”.

Cải tạo đô thị (gentrification) vốn là một thuật ngữ được nhà xã hội học Ruth Glass đưa ra vào năm 1964 nhằm giải thích sự quay trở lại của lớp trung lưu vào trung tâm thành phố London. Ngày nay nghĩa của từ này đã thay đổi, nó thường chỉ quá trình đổi mới và cải tạo; đi kèm với nó là sự xuất hiện của dòng người trung lưu hoặc người giàu vào một khu vực, hoặc một thành phố, thường khiến người nghèo hơn phải chuyển chỗ ở.

Nguyên nhân là do quá trình đô thị hóa toàn cầu khiến các trung tâm thành phố ngày càng trở nên đắt đỏ, các thành phố trên thế giới bắt đầu tái thiết lại các vùng phụ cận. London từng có thời làm tăng giá tiền thuê nhà ở Shoreditch, giờ Shoreditch cũng ảnh hưởng tương tự tới Margate, điều này cũng đang diễn ra ở thành phố Berlin và Leipzig, Toronto và Halmilton và hàng chục nơi khác.

Giáo sư Loretta Lees thuộc đại học Leicester (Anh), tác giả của vài cuốn sách về việc cải tạo đô thị cho biết: “Ở New York, việc chỉnh trang đô thị đẩy giá nhà lên quá cao tới mức các nghệ sĩ không sống nổi. Một số người dân chuyển tới Detroit và những hành động của cư dân mới tiếp tục thúc đẩy quá trình cải biến đô thị ở đó”.

Ở Anh, có những dấu hiệu người dân đã và đang rời London tới Leeds và Birmingham trong thập kỷ trước. Cũng theo giáo sư Lees, hiện tượng này đang tác động tới những thành phố và thị trấn như Brighton và Margate, nơi những người địa phương gọi người mới đến là DFl (người từ London tới). Đặc biệt là thị trấn xinh đẹp Hasting, vẻ đẹp lộng lẫy thời Victoria đã phai mờ, những bến tàu được cải tạo, bất động sản khá rẻ chứng tỏ một sự kết hợp hợp lý dành cho người London, những người không may cũng nhận cái nickname đáng buồn từ dân địa phương: FILTH (thất bại ở London, thử nghiệm Hasting). Cũng tại đây, giá cả đã tăng nhanh. Theo các chuyên gia dữ liệu CACI, giá nhà trung bình ở Hasting tăng khoảng 18% từ năm 2015 tới 2017. Giờ đây, cũng như London, vùng đất này đang từng bước chứng kiến sự đầu cơ bất động sản khủng khiếp, khía cạnh tồi tệ nhất của việc tái thiết đô thị.

Hai mặt của vấn đề

Cái gì cũng có hai mặt, ông Randall Hansen, giám đốc của trường Munk ở đại học Toronto (Canada) về quan hệ quốc tế , người nghiên cứu về việc di cư nói: “Cũng như hầu hết mọi thứ trong cuộc sống, cải tạo đô thị có thể vừa tốt vừa xấu. Nhiều người phải chuyển chỗ ở, nhưng những thay đổi cũng có thể đưa một cuộc sống mới tới những nơi này: tỉ lệ tội phạm giảm xuống, những ngôi nhà đổ nát được làm mới, công ăn việc làm được tạo ra, diện mạo và cảm nhận tổng thể của một khu vực được cải thiện đáng kể.

Ông cho biết, khủng hoảng nhà ở ở Toronto khiến người dân đổ xô tới vùng Hamilton bên cạnh, một thành phố công nghiệp cách một giờ xe chạy đã rơi vào thời kỳ khó khăn. “Kết quả trực tiếp của việc cải tạo Toronto là Hamilton cũng đang phải thay đổi và tôi nghĩ ít ai coi đó là điều xấu. Cũng câu chuyện này diễn ra ở Berlin, nơi tôi từng sống. 20 năm trước, Leipzig là một thành phố chết đang mất dần dân số. Nhưng khi Berlin chỉnh trang, mọi người tìm tới Leipzig và vào năm 2015, lần đầu tiên trong lịch sử, người từ Berlin tới Leipzig còn nhiều hơn chiều ngược lại”.

Trong một thành phố nhỏ phi công nghiệp như North Adams, Masachusett (Mỹ), cải tạo thành phố được người dân trông đợi. Thành phố máy xay cũ kỹ bên cạnh núi Berkshire đã từng có nhà máy sản xuất điện nằm chình ình nay đã trở thành bảo tàng nghệ thuật đương đại, MASS MoCA. Bảo tàng này đến lượt nó giúp biến đổi thành phố từ một cộng đồng hậu công nghiệp lạc hậu thành một điểm đến đậm chất văn hóa và nghệ thuật.

Bảo tàng đã đổ 34,4 triệu USD vào nền kinh tế địa phương năm 2015, thu hút khách du lịch, giảm tỉ lệ thất nghiệp và tạo ra cơ hội cho những doanh nghiệp mới. Thành phố được xây dựng cho 20 nghìn dân này hiện chỉ có 13 nghìn người. Rõ ràng cộng đồng cần có thêm người mới.

Cũng có một số định hướng từ các chính phủ cũng như ý kiến của chuyên gia nhằm giảm nhẹ những ảnh hưởng tiêu cực khi thay đổi diễn ra. Có những hành động cụ thể và hiệu quả đã được ghi nhận. Ở Hasting, tòa nhà Rock House được mở cửa vào năm 2016 có chức năng sử dụng hỗn hợp bao gồm cả những khu vực dành cho thuê để làm việc và khu dân cư sinh sống, giá cả phải chăng và có một khoảng không sáng tạo, mở cửa cho những người đáp ứng được tiêu chí “có nhu cầu, nhiệt tình, có đóng góp và kết nối với địa phương”, đặc biệt dành cho cộng đồng lớn hơn. Bà Jess Steele, Giám đốc White Rock Neighbourhood Ventures (WRNV), nơi hợp tác của ba doanh nghiệp xã hội làm chủ tòa nhà Rock House nói: “Chứng kiến sự thay đổi đang diễn ra ở Hasting, chúng tôi rất lo ngại. Không phải chúng tôi chống lại người London hay cố đặt ra một rào cản nào đó, bởi bạn không thể đổ lỗi cho những người muốn đến sống ở một nơi đẹp đẽ, giá rẻ và đầy sức sáng tạo như Hasting nhưng chúng tôi chống lại việc cải tạo thành phố, đẩy người nghèo ra ngoại ô. Vì thế, với chúng tôi, cách tốt nhất để giải quyết những tác động xấu của việc này là tạo ra một số khu vực giá rẻ để sống và làm việc, ít nhất là vậy”.

Đô thị đắt đỏ - còn chỗ cho người nghèo? ảnh 1

Một góc thị trấn cổ Hasting.