Bản sắc văn hóa của đô thị hình thành từ cấu trúc, tính chất và chức năng của nó, và trên hết, cộng đồng dân cư đã duy trì và (làm/góp phần) biến đổi nó. Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh chẳng hạn, cái gì có thể coi là ADN của đô thị này? Có lẽ cần bắt đầu từ việc nhận dạng những đặc trưng của đô thị, từ cảnh quan tự nhiên đến văn hóa của cộng đồng.
Ðô thị sông nước
Sông Sài Gòn là giao thông đường thủy quan trọng nhất, cảng Sài Gòn là cửa ngõ thông thương với nước ngoài. Hệ thống kênh rạch dày đặc là những con đường huyết mạch để vận chuyển lúa gạo và các loại nông sản, hàng hóa khác từ đồng bằng sông Cửu Long lên cảng Sài Gòn để xuất khẩu. Thương cảng Sài Gòn, từ góc độ lịch sử có thể coi là đặc điểm chủ yếu của đô thị Sài Gòn.
Hệ thống sông rạch làm nên cảnh quan "trên bến dưới thuyền" của Sài Gòn: những con sông, kênh rạch với những bến sông nổi tiếng sinh hoạt buôn bán, cảnh quan văn hóa đặc trưng: sông - bến chợ - phố chợ ven sông - làng ven sông - giao thông đường thủy - ghe thuyền - cầu qua sông...
Hiện nay đại lộ Đông Tây được xây dựng đã đáp ứng nhu cầu giao thông và mang lại bộ mặt hiện đại cho thành phố, nhưng trả giá cho việc này là dọc hai bên sông - cũng là dọc theo đại lộ, những dãy nhà phố buôn bán biến mất, những tòa cao ốc đã và đang mọc lên. Vẻ đẹp cổ xưa "trên bến dưới thuyền" sầm uất mà hồi giữa thế kỷ 20 vẫn còn được ghi nhận đã không còn nữa.
Ðô thị của sự đa dạng văn hóa
Sài Gòn có một hệ thống sông lớn và có cửa biển Cần Giờ nên đây là một cảng thị từ rất sớm, cũng là nơi có sự giao lưu mạnh mẽ với các quốc gia khác qua đường biển. Từ thế kỷ 17, nhiều cư dân từ nơi khác đến khai phá vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sự hình thành đô thị Sài Gòn là quá trình tụ cư và hội nhập văn hóa nhanh chóng của người Việt, người Hoa với những tộc người bản địa. So với Hà Nội hay Huế thì di tích lịch sử ở Sài Gòn không nhiều, niên đại muộn, đặc trưng kiến trúc- trang trí thể hiện sự giao lưu văn hóa đậm nét. Từ những con người của Sài Gòn và sống - ở - Sài Gòn, Sài Gòn đã dung nạp, tiếp nhận tất cả các yếu tố văn hóa khác nhau: phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, tiếng nói, ẩm thực, trang phục... Và quan trọng là Sài Gòn không làm thay đổi những nét văn hóa riêng của từng cộng đồng người, vẫn nuôi dưỡng tất cả để tạo nên sự phong phú đa dạng của văn hóa Sài Gòn.
Quá trình lịch sử và hoàn cảnh xã hội đã tạo nên tính cách "người Sài Gòn" có thể là đại diện cho "người Nam Bộ": Người Sài Gòn có tính thực tế cao nhưng không bị chuyển thành sự tư lợi mà ngược lại là cơ sở cho tính cộng đồng cao, việc xã hội, "việc nghĩa" được coi là chuyện bình thường. Vì vậy dễ dàng chia sẻ, đùm bọc người tứ xứ nhập cư.
Sài Gòn được xây dựng theo kiểu đô thị phương Tây
Lấy sông Sài Gòn làm chuẩn các đường phố ngang dọc chia đô thị Sài Gòn (vốn trải dài ven sông, kênh rạch) thành những ô vuông, trong đó là các công sở, biệt thự, trường học, bệnh viện và các công trình công cộng khác. Những công trình kiến trúc dành cho công sở cho đến nay vẫn còn giữ được công năng, cảnh quan khu trung tâm thành phố là những con đường với hàng cây cao vút, những biệt thự mang vẻ đẹp của kiến trúc cổ điển đã trở nên quen thuộc, là một phần không thể thiếu của thành phố, là "dấu ấn Sài Gòn" đối với người đi xa và người đến Sài Gòn. Đến Sài Gòn ai cũng phải đến Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện, Nhà hát lớn, Ủy ban Nhân dân, khu Eden, Chợ Bến Thành... và khu trung tâm Nguyễn Huệ - Lê Lợi - Hàm Nghi. Đó là nơi "lắng hồn" đô thị Sài Gòn.
Đặc biệt, khu vực trung tâm (văn hóa, chính trị, kinh tế) thể hiện tính chất ADN của đô thị rõ ràng nhất. Chính ADN giúp xác định giá trị văn hóa cho những di sản trong khu vực đó, đồng thời mang lại giá trị kinh tế cho các công trình cổ và mới. Sự thay đổi không gian lịch sử cần được cân nhắc và thực hiện hết sức cẩn thận, nếu làm đúng cũng sẽ giúp cải thiện không gian lịch sử và trở thành giá trị mới cho thế hệ hiện tại, giúp gia tăng bản sắc và cảm nhận tích cực về nơi chốn. Quá trình biến đổi không gian lịch sử nên được xem là một cơ hội để phát huy tiềm năng kinh tế và văn hóa của khu vực. Sự biến dạng của đường Đồng Khởi và khu vực vòng xoay Nguyễn Huệ - Lê Lợi là một "thất bại" trong việc bảo tồn gìn giữ "không gian lịch sử" hơn 100 năm của thành phố!
Lịch sử của mỗi đô thị cũng như chuỗi vòng xoắn ADN kéo dài vô tận mà trong đó sự "phát triển" kinh tế là sức sống mới từ những tế bào nhân đôi nhưng "bảo tồn" văn hóa lại giữ vai trò cấu trúc ổn định của chuỗi vòng xoắn. Khi cấu trúc này bị phá vỡ, đô thị không còn bản sắc riêng có của nó.
Một đô thị không có bản sắc riêng thì nó sẽ biến mất trong ký ức cộng đồng, sớm hay muộn mà thôi.
Sài Gòn không làm thay đổi những nét văn hóa riêng của từng cộng đồng người, vẫn nuôi dưỡng tất cả để tạo nên sự phong phú đa dạng của văn hóa Sài Gòn.
ADN giúp xác định giá trị văn hóa cho những di sản trong khu vực đó, đồng thời mang lại giá trị kinh tế cho các công trình cổ và mới.