An toàn giao thông

Ði bộ cũng phải có ý thức

Những năm gần đây, nhiều đoạn đường, tuyến phố đã được đầu tư xây dựng cầu vượt, hầm dành riêng cho người đi bộ, thế nhưng nhiều nơi đang bị người dân lãng quên không sử dụng.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều người tùy tiện đi bộ sang đường gây nguy hiểm cho bản thân và các phương tiện tham gia giao thông.
Nhiều người tùy tiện đi bộ sang đường gây nguy hiểm cho bản thân và các phương tiện tham gia giao thông.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay có khoảng 70 cầu bộ hành ở các nút giao cắt và khu vực gần bệnh viện, trường học, nơi có mật độ giao thông cao nhằm bảo đảm an toàn cho người đi bộ. Bên cạnh đó là hàng chục hầm đi bộ với chi phí xây dựng lên đến hàng trăm tỷ đồng đã hoàn thành, thế nhưng, hầu hết các hầm đi bộ rất vắng vẻ, ít người qua lại, thậm chí bị bỏ không, gây lãng phí. Tại không ít tuyến phố, nhiều người không tuân thủ đi đúng vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, sẵn sàng băng cắt qua đường bất kỳ chỗ nào cảm thấy thuận tiện, mà không cần biết đi như vậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn cho chính bản thân và những người đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Tình trạng này diễn ra khá phổ biến nhất, đặc biệt tại các địa điểm tập trung đông người như gần cổng các bệnh viện, cổng trường học, hay trên các tuyến đường lớn, quốc lộ, thậm chí trên cao tốc. Nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra mà nguyên nhân do người đi bộ trên cao tốc dẫn đến nhiều hệ lụy. Chiều 16/7 đã xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng tại lối xuống nút giao Sai Nga (huyện Cẩm Khê) cao tốc Hà Nội-Lào Cai hướng đi Hà Nội, xe tải đã tông vào bà Nguyễn Thị Thanh N. (44 tuổi, ở thị trấn Cẩm Khê) khi bà đang đi bộ ở dải phân cách khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.

Nhiều trường hợp người đi bộ đã bị xử lý vi phạm sau khi gây tai nạn, có người đã bị phạt tù. Điển hình là vụ việc năm 2009, khi từ trường Cao đẳng Bách khoa Hưng Yên làm thủ tục dự thi ra về chị Nguyễn Thị D (SN 1990, trú tại thôn Đồng Chung, xã Việt Hưng, huyện Văn Lâm) đã đi bộ băng qua làn đường xe cơ giới chiều Hà Nội-Hải Dương, khi đi đến giữa đường quốc lộ thì xe máy do anh Tạ Đức C. phóng tới va chạm với chị D. Vụ việc khiến anh C. tử vong sau đó. Bị cáo D. đã bị Tòa án nhân dân huyện Mỹ Hào, Hưng Yên tuyên phạt mức án 9 tháng tù và 18 tháng thử thách vì đã có hành vi cản trở giao thông đường bộ.

Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tình trạng người đi bộ vi phạm luật giao thông diễn ra khá phổ biến trên nhiều tuyến đường. Những hành vi này luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất trật tự an toàn giao thông nhưng số biên bản xử lý các trường hợp vi phạm của người đi bộ lại rất ít, không đáng kể.

Trước thực trạng đó, nhiều quy định đã được điều chỉnh theo hướng tăng nặng hình phạt đối với người đi bộ vi phạm luật giao thông. Theo đó, Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 không còn bó hẹp trong phạm vi người điều khiển phương tiện, mà đã mở rộng ra cả người tham gia giao thông, tức là kể cả người đi bộ. Nếu gây nên hậu quả nghiêm trọng như làm chết người và thiệt hại về tài sản trên 1 tỷ đồng thì bị phạt tù từ 7 đến 15 năm. Có thể nói, việc tăng chế tài xử phạt đối với người đi bộ vi phạm Luật Giao thông, đặc biệt là hành vi băng qua đường một cách tùy tiện là điều rất cần thiết và kịp thời để ngăn chặn hành vi vi phạm.

Ði bộ cũng phải có ý thức ảnh 1

Người đi bộ sang đường không đúng quy định sẽ bị xử phạt từ 60.000 - 100.000 đồng. ảnh | Minh Tuệ

Để nâng cao tính răn đe và góp phần thay đổi ý thức cho người khi tham gia giao thông, trong đó có người đi bộ, đầu tháng 11, Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 6 (Phòng CSGT Công an thành phố Hà Nội) liên tiếp xử phạt nhiều trường hợp người đi bộ vi phạm Luật Giao thông, chủ yếu mắc các lỗi: Đi bộ không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn. Một nữ sinh khi bị xử phạt đã khá bất ngờ, không biết mình vi phạm luật giao thông và lý giải nhiều năm nay vẫn sang đường như vậy. Với lỗi vi phạm này, nữ sinh bị xử phạt vi phạm hành chính 80.000 đồng.

Luật đã quy định hành vi cản trở giao thông phải được xử lý bình đẳng. Người đi bộ gây cản trở giao thông cũng giống như các phương tiện khác, phải bị xử lý như nhau. Người đi bộ trái luật cũng là nguồn nguy hiểm cao độ, giống như bất cứ phương tiện giao thông nào khác. Với tinh thần “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, mỗi người dân cần có ý thức tự giác chấp hành nghiêm Luật Giao thông để đem lại hạnh phúc cho chính mình và cộng đồng.