Dấu ấn sáng tạo Helsinki

Tới nhà thờ để ngắm nhìn nét kiến trúc độc đáo và thưởng thức hòa nhạc. Vào nhà nguyện để đắm chìm trong thanh âm của sự tĩnh lặng. Là công trình tín ngưỡng nhưng cánh cửa luôn mở rộng đón chào, để tất cả mọi người - không phân biệt tôn giáo, quốc tịch, màu da tìm thấy nơi trú ngụ của tâm hồn giữa nhịp đời hối hả. Đến với Nhà thờ Đá và Nhà nguyện Kamppi, tôi mới hiểu vì sao thủ đô Helsinki của Phần Lan lại được vinh danh là "thành phố văn hóa của châu Âu", là "Thủ đô thiết kế của thế giới".

Thiết kế nội - ngoại thất đầy sáng tạo của nhà nguyện Kamppi.
Thiết kế nội - ngoại thất đầy sáng tạo của nhà nguyện Kamppi.

Những ý tưởng hiếm thấy

Đất nước Bắc Âu xinh đẹp Phần Lan luôn là điểm đến mà những tín đồ đam mê sáng tạo, đam mê những ý tưởng không giới hạn và không khoảng cách mong muốn được khám phá. Bởi có thể bắt gặp những dấu ấn độc - lạ mang đậm phong cách tinh tế - tiện dụng - tối ưu hóa và cá nhân hóa của những nhà thiết kế tài ba ở mọi góc phố, mọi công trình. Đậm đặc sắc mầu Phần Lan, không thể lẫn vào đâu được!

Không phải ngẫu nhiên mà Helsinki được vinh danh là "Thủ đô thiết kế thế giới năm 2012" sau khi nhận danh hiệu "Thành phố văn hóa châu Âu" vào năm 2000. Bởi trên thế giới chỉ duy nhất thành phố này có riêng một quận mang tên Thiết kế. Bắt đầu từ khu vực Công viên Diane, vài trăm cửa hàng chuyên thiết kế từ thời trang đến nội thất, từ gallery nghệ thuật đến bảo tàng tỏa ra khắp các trục phố chung quanh như Kamppi, Lulanlinna, Punavuori..., với một logo nhận diện hình tròn mang dòng chữ "Design District Helsinki" dán trên cửa kính. Dành cả ngày lang thang nơi đây, du khách có thể thỏa sức ngắm nhìn 75 nghìn hiện vật, 40 nghìn bản vẽ cùng 100 nghìn tấm ảnh lưu giữ dòng chảy lịch sử của trào lưu thiết kế Phần Lan tại Bảo tàng Thiết kế hay trầm trồ thán phục trước những ý tưởng độc đáo được các nhà thiết kế danh tiếng như Harri Kosniken hay Sara Hulkkonen trưng bày ở Diễn đàn thiết kế Phần Lan.

Chính vì vậy, dù đã sở hữu hai công trình tôn giáo tuyệt đẹp là Nhà thờ Tin lành Helsinki với gam mầu trắng tinh khiết và Vương cung thánh đường Upenski - nhà thờ Chính thống giáo đỏ sậm vương giả với mái vòm dạng củ hành có hai mầu vàng - xanh nhưng Nhà thờ Đá và Nhà nguyện Kamppi kể trên vẫn là điểm nhấn kiến trúc đặc biệt luôn nằm trong danh sách "50 công trình độc đáo phải ngắm nhìn một lần trong đời" của mọi du khách quốc tế khi có cơ hội khám phá Helsinki.

Điểm chung của hai công trình này nằm ở sự khác biệt vô cùng lớn giữa vẻ ngoài và nội thất bên trong. Nhiều người không giấu được vẻ thất vọng, khi nhìn phần cửa ra vào thấp lè tè và dáng hình cục mịch như một pháo đài quân sự của Nhà thờ Đá (còn gọi là Nhà thờ Tamppeliaukio) từ phía bên ngoài. Và tạo hình nhang nhác một chiếc thùng gỗ ủ rượu nho án ngữ giữa quảng trường tấp nập của Nhà nguyện Kamppi cũng mang lại cảm giác tương tự.

Dấu ấn sáng tạo Helsinki ảnh 1

Thế nhưng chỉ cần bước vào bên trong, phong cách kiến trúc vô cùng độc đáo của cả hai công trình sẽ khiến tất cả phải ồ lên thán phục. Không gian rộng lớn hình bầu dục có chiều cao 13 mét của Nhà thờ Đá được tạo nên từ một khối núi đá granite tự nhiên khổng lồ. Những bức tường đá bề mặt thô ráp và xù xì, hầu như chưa hề được gia công hay mài giũa. Mái vòm với đường kính 24 mét phản chiếu sắc đỏ của những khối dây đồng cuốn lại thành hình tròn. Những luồng ánh sáng tự nhiên luôn ngập tràn không gian huyền bí nhờ 180 tấm kim loại đồng tâm kết nối mái vòm với những mảng tường đá xù xì được lợp kính. Xuất phát từ ý tưởng kiến trúc táo bạo của hai anh em kiến trúc sư Timo và Tuomo Suomalainen, công trình được thánh hiến vào tháng 9 năm 1969, cách đây vừa tròn nửa thế kỷ. Ngoại trừ một không gian thờ tự khiêm nhường với thánh giá, bình hoa và giá nến ở nơi trang trọng nhất cùng những hàng ghế gỗ bọc nỉ đỏ mềm mại xếp hình vòng cung, điểm nhấn trang trí nội thất nằm ở cây đàn organ khổng lồ với những ống đồng bố trí rải rác quanh các mảng tường.

Còn nhà nguyện Kamppi nằm ở phía nam quảng trường sầm uất Narinkka, từng nhận "Giải thưởng kiến trúc quốc tế cho thiết kế mang tính toàn cầu xuất sắc nhất năm 2010" là tác phẩm của KTS Mikko Summanen và cộng sự thuộc Công ty K2S Architects Ltd. Được đánh giá là "công trình kiến trúc sử dụng vật liệu gỗ cực kỳ sáng tạo và thân thiện", mặt bao uốn vòng không hề có cửa sổ của nhà nguyện nhỏ nhắn này giúp ngăn hết mọi âm thanh xao động từ bên ngoài. Với quy mô khiêm tốn chỉ 270 m2, khối công trình bằng gỗ vân sam cao 11,5 m với đường uốn cong mềm mại luôn thừa thãi ánh mặt trời nhờ một giếng trời được bố trí cực kỳ thông minh chạy theo gờ trần. Toàn bộ mặt bên trong được bao phủ bằng những thanh gỗ ghép theo chiều ngang, đồ đạc theo phong cách tối giản cũng được làm bằng gỗ dương tía với dáng hình mềm mại. Tất cả được phủ một lớp sáp mịn trên bề mặt tạo cảm giác thân thiện và ấm cúng. Chung quanh là không gian mở hướng ra quảng trường, nơi giáo sĩ và người dân thoải mái gặp gỡ và trò chuyện.

Dấu ấn sáng tạo Helsinki ảnh 2

Nhà thờ Ðá đã trở thành một địa chỉ sinh hoạt văn hóa hấp dẫn của Helsinki.

Sáng tạo là chìa khóa cạnh tranh với thế giới

Nhìn từ trên cao, Nhà thờ Đá có hình dạng như một đĩa bay khổng lồ. Ở góc nhìn ngang, nó như một phiên bản của ngôi mộ cổ nổi tiếng ở Newgrange (Ireland). Còn khi ngồi tĩnh tâm trong "nhà nguyện của sự im lặng" Kamppi, người ta dễ liên tưởng không gian mộc mạc mầu gỗ tới con thuyền Noah huyền thoại để rồi chợt nhận ra, tâm hồn có thể được cứu rỗi bởi vẻ tĩnh lặng tuyệt đối đó.

Không tượng thánh, không tranh thờ, không có cả quả chuông, Nhà thờ Đá chỉ tổ chức cầu nguyện một buổi duy nhất mỗi tuần vào ngày Chủ nhật (sử dụng hai ngôn ngữ Phần Lan và Anh, với một bản thu âm tiếng chuông phát qua hệ thống loa). Thời gian còn lại, nó trở thành địa điểm tổ chức hòa nhạc lý tưởng, một địa chỉ sinh hoạt văn hóa hấp dẫn với du khách cùng cư dân thành phố. Nhờ vào cấu trúc thô mộc xù xì nguyên bản, những bức tường đá tự nhiên đã biến thành chiếc hộp cộng hưởng âm thanh tuyệt hảo giúp tiếng đàn, lời ca thánh thót hơn, trong trẻo hơn và cũng quyến rũ hơn. Khả năng kỳ diệu ấy của thiên nhiên, bàn tay của những chuyên gia âm thanh đại tài cũng không thể làm nổi. Với tấm vé vào cửa có giá ba euro, du khách có thể thoải mái ngắm nhìn nhà thờ độc nhất vô nhị này. Nhưng nếu may mắn có mặt đúng hôm buổi hòa nhạc diễn ra, họ sẽ có cơ hội thưởng thức miễn phí.

Ý tưởng xây dựng nhà nguyện giữa trung tâm thành phố xuất phát từ các thành viên của giáo xứ Helsinki. Nhưng sau khi hoàn thành, người ta chợt nhận ra một không gian để tĩnh tâm, để tìm lại sự cân bằng cần thiết giữa nhịp đời hối hả là cực kỳ cần thiết, với bất kỳ ai. Vì thế, tổ chức nghi lễ cùng những hoạt động của giáo đoàn trở thành công năng thứ yếu. Nhà nguyện mở cửa phục vụ tất cả những ai muốn tìm chút yên bình trong tâm tưởng và trở thành không gian sinh hoạt ấm cúng cho cả cộng đồng.

Rất khó để phân định rạch ròi đây là công trình tôn giáo hay điểm đến du lịch, là địa chỉ văn hóa hay không gian tín ngưỡng vì những công năng và mục đích đa dạng mà cả hai đang gánh vác. Nhưng có thể nói, vượt qua mọi quy chuẩn thông thường và khai thác hiệu quả những ý tưởng sáng tạo không giới hạn, hai công trình đặc sắc này thu hút cả triệu lượt khách ghé thăm mỗi năm.

Người Phần Lan luôn tự hào, rằng dân tộc mình "sinh ra để sáng tạo", rằng "sáng tạo là chìa khóa giúp chúng tôi cạnh tranh với cả thế giới". Lời khen tặng của kênh truyền hình nổi tiếng CNN: "Hai công trình này cho thấy khả năng mê hoặc và truyền cảm hứng từ kiến trúc đương đại có thể đạt tới mức không tưởng" đã chứng minh niềm tự hào dân tộc ấy hoàn toàn có cơ sở.