Dấn thân với đề tài lịch sử

NDO - Ðề tài lịch sử là một thách thức với người viết. Nó buộc người viết phải dụng công, đọc và hiểu về giai đoạn lịch sử, nhân vật lịch sử mình định viết, rồi hình dung bối cảnh cho tác phẩm... Phải chăng đó là nguyên nhân khiến ngày càng ít người dấn thân cho thể loại tốn nhiều sức lực này?
Dấn thân với đề tài lịch sử

Viết được một truyện ngắn ra hồn, không phải là chuyện dễ. Viết được một truyện lịch sử cho ra chuyện lại khó gấp nhiều lần. Chắc hẳn đó không chỉ là suy nghĩ của riêng tôi khi dấn thân viết truyện lịch sử. Gần đây, nền văn học nghệ thuật xuất hiện rất ít tác phẩm đề tài lịch sử. Dù các cơ quan có trách nhiệm đã tổ chức nhiều cuộc vận động sáng tác riêng cho đề tài này nhưng vẫn chưa thấy tác phẩm lớn. Có lời phàn nàn rằng, các sáng tác văn học trẻ thì "rên xiết" trong những nỗi đau cá nhân, phim ảnh thì hời hợt. Sân khấu cũng lẳng lặng né tránh những "đề tài lớn" phản ánh một thời máu lửa của dân tộc... Hầu hết các cuộc tọa đàm, hội thảo của hầu hết các chuyên ngành nghệ thuật đều mang lại cảm giác ngậm ngùi như thế. Nhưng phải nói rằng, văn học Việt Nam nói chung và văn xuôi nói riêng từ 1986 đến nay có nhiều khởi sắc. Sự khởi sắc của văn xuôi thời kỳ tiền đổi mới và đổi mới có sự đóng góp quan trọng của nhiều thể loại, đặc biệt là tiểu thuyết lịch sử đã phần nào gây được tiếng vang trong dư luận như: Mẫu Thượng ngàn, Hồ Quý Ly, Ðội gạo lên chùa (Nguyễn Xuân Khánh),  Bão táp triều Trần (Hoàng Quốc Hải), Dàn thiêu (Võ Thị Hảo) Gió lửa (Nam Giao), Hội thề (Nguyễn Quang Thân), truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Dị hương (Sương Nguyệt Minh)... Họ, với những nỗ lực của riêng mình, đang ngày càng hoàn thiện và có những đóng góp quan trọng, tạo nên một diện mạo mới cho tiểu thuyết nói riêng và văn học Việt Nam nói chung.

Văn học sáng tác về đề tài lịch sử từ chỗ rất thưa vắng nay đã phong phú hơn. Nhưng, so với các đề tài khác, văn học về lịch sử lại dần trở nên yếu thế, nếu không nói là quá ít tác giả. Hiện nay, tác giả trẻ viết về đề tài này chỉ đếm trên đầu ngón tay, với những Nguyễn Thị Diệp Mai (Kiên Giang), Uông Triều (Tạp chí Văn nghệ Quân đội), Thiên Sơn (Tạp chí Ðiện ảnh), Trần Ðức Tĩnh (NXB Quân đội nhân dân)...  Các tác phẩm cũng chỉ mới dừng lại ở mức độ thử nghiệm chứ chưa thật sự dụng công. Dù sao, tất cả những tác phẩm mang tính tìm đường đó thật sự là đáng quý đối với những cây viết trẻ hiện nay.

Vấn đề đặt ra là vì sao có ít tác giả trẻ chọn đề tài lịch sử làm chủ đề sáng tác? Theo tôi có mấy vấn đề như: Thứ nhất, hạn chế đầu tiên của sáng tác trẻ với đề tài lịch sử là khoảng cách lịch sử. Thời gian là rào cản khó nhất khiến một người trẻ khó tiếp cận. Một phần do hoàn cảnh đất nước ta, trong suốt quá trình dựng nước đã gắn liền với việc giữ nước, với những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm đằng đẵng hàng nghìn năm với rất nhiều biến cố thăng trầm đã khiến cho những tư liệu lịch sử vốn đã không được ghi chép một cách cụ thể, lại bị mất mát nhiều. Lịch sử chúng ta chỉ ghi chép lại phần sự kiện và biến cố lớn mà ít ghi chép những tư liệu thuộc về cá nhân con người nên thế hệ sau rất khó hình dung.

Thứ hai, lịch sử là đề tài khó, muốn viết được cần nhiều công tìm hiểu tư liệu, nghiên cứu. Viết cho đúng giọng điệu, bối cảnh lịch sử và truyền đạt những thông điệp cũng là một việc làm khó. Sáng tạo văn học không phải là công việc ghi chép các chi tiết hay tổng hợp những tư liệu về một sự kiện, một giai đoạn hay một nhân vật. Lịch sử làm ra bởi con người. Vì vậy trực tiếp hay gián tiếp thì cái cốt yếu trong tác phẩm văn học viết về lịch sử là dựng nên nhân cách và tinh thần sống của những con người làm nên lịch sử, bằng cái nhìn vừa mang tính khoa học, vừa đầy trí tưởng tượng phong phú.

Thứ ba, có vẻ như các nhà văn trẻ và cả người đọc hiện nay không còn mấy thiết tha với lịch sử. Ðời sống văn học Việt Nam, gần đây, người ta hay nói đến sự hụt hơi của các nhà văn trẻ, đến sự hạn chế của kinh nghiệm và vốn sống lẫn sự chú tâm trong trau dồi vốn sống. Họ hướng đến số đông công chúng bình dân và được công chúng bình dân tiếp nhận rộng rãi. Họ quan tâm nhiều tới những đề tài đương đại, và lịch sử trở thành một món ăn cũ kỹ với không ít người.

Một mặt nữa, bệnh chung của người viết văn sau này là sự tự thỏa mãn mình đã dẫn đến sự thiếu khiêm tốn, cầu thị. Họ cho rằng: mình là trung tâm, là số một nên không chịu học hỏi kinh nghiệm người đi trước. Chính sự huyễn hoặc mình nên họ luôn né tránh với những đề tài được xem là nghiêm túc, khó khăn, mảng đề tài yêu cầu cần có những kiến thức tổng hợp về địa văn hóa lịch sử.

Ðầu tháng 9-2012, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức cuộc hội thảo "Sáng tác văn học về đề tài lịch sử". Theo đánh giá đây là cuộc hội thảo quy mô, chuẩn bị kỹ lưỡng, thu hút được sự quan tâm của nhiều người trong giới và đông đảo bạn đọc. Rất nhiều tác giả, học giả, nhà lý luận phê bình nổi tiếng được mời tham gia. Tuy nhiên, dường như cuộc hội thảo này đã không "dành cửa" cho người trẻ! Việc thiếu vắng các gương mặt trẻ trong cuộc hội thảo đã đặt ra nhiều suy nghĩ. Phải chăng hiện nay quá hiếm hoi các tác giả trẻ tâm huyết với đề tài lịch sử hay người trẻ chưa thật sự được quan tâm, cũng như ghi nhận một cách đúng mức với đề tài lịch sử?  Có ý kiến tỏ ra nghi ngờ, thậm chí phủ nhận những nỗ lực rất đáng quý, đáng trân trọng của tác giả trẻ với đề tài này. Và cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng cần có một "cú hích" lớn để tạo điều kiện hơn nữa xây dựng đội ngũ viết trẻ, động viên, khuyến khích cũng như tạo hành lang pháp lý cho sáng tác trẻ bằng cách "dành cửa" cho họ ở các cuộc thi, các hội thảo để họ có thể nói lên được cảm quan, cách nghĩ về đề tài lịch sử, qua đó có thể là động lực cho họ nhìn nhận và có cách nhìn nhận nghiêm túc, chuyên sâu. Có như thế họ mới có thể là thế hệ kế thừa và phát huy truyền thống của những người đi trước để tiếp tục duy trì đề tài khó khăn, thử thách nhưng cũng đầy hấp dẫn này.

Lịch sử là tiến trình liên tục của những thay đổi trong đó có sự chuyển động tương tác tạo nên hiệu ứng tiềm ẩn những bất ngờ. Với ý tưởng đó người ta nhận ra rằng, từ một sự việc rất nhỏ có thể tạo ra sự kiện lịch sử lớn. Và hơn ai hết các nhà văn khi đối diện với lịch sử sẽ phải tự hỏi "tại sao lịch sử diễn ra như thế này mà không phải thế kia". Cho dù giờ đây, mới chỉ có một thiểu số tác giả đi trên con đường sáng tác về đề tài đầy gập ghềnh, thì con đường ấy vẫn đầy hấp dẫn sáng tạo. Và khi những thuận lợi, hạn chế đã được vạch ra một cách rõ ràng, chúng ta sẽ có điều kiện soi chiếu khả năng của mình để có thể lấp đầy khoảng trống đó.