Cánh sao biển thứ năm
Chiều cuối năm trên quân cảng Cam Ranh. Những hàng phi lao trong khuôn viên doanh trại của thủy thủ tàu ngầm nghiêng mình soi bóng bên làn nước biếc. Phía cửa vịnh Cam Ranh, một vài tàu ngầm thực hiện chuyến đi biển cuối cùng trong năm đang trở về, kéo những hồi còi chào cảng trầm vang. Trên cảng, những con tàu lớn nhỏ san sát bên nhau, cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới.
Nghe nhiều, xem nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, giờ đây tôi mới thật sự được tận mắt nhìn thấy những con tàu ngầm Kilo 636, kiêu hãnh phơi mình trong nắng gió Cam Ranh. Đại tá Nguyễn Văn Quán, Bí thư Đảng ủy, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 189 cho biết, sau hơn 30 năm mong đợi, ngày 29/5/2013, tại quân cảng Cam Ranh, Quân chủng Hải quân tổ chức Lễ công bố quyết định thành lập và trao Quân kỳ quyết thắng cho đơn vị tàu ngầm hiện đại đầu tiên mang tên Lữ đoàn tàu ngầm 189.
Còn nhớ, phát biểu tại lễ thượng cờ hai tàu ngầm hiện đại mang số hiệu HQ-182 Hà Nội và HQ-183 TP Hồ Chí Minh ngày 3/4/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: "Đây là một sự kiện đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của Quân đội nhân dân Việt Nam". Và, sau nghi thức đọc quyết định điều động, đưa hai tàu ngầm hiện đại ấy vào biên chế của Lữ đoàn tàu ngầm 189 Hải quân, đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao quốc kỳ cho thuyền trưởng của hai con tàu và chia sẻ tâm tình: "Hòa bình không thể chỉ khát khao, mong muốn mà có. Chúng ta phải mạnh lên về mọi mặt".
Rồi tin vui nối tiếp những tin vui. Lần lượt, tổng số sáu tàu ngầm lớp Kilo 636 thực hiện theo hợp đồng ký kết giữa Việt Nam và Nga đã được đưa vào đội hình chiến đấu của Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam. Và lực lượng này trở thành cánh sao biển thứ năm trong năm cánh sao biển của Quân chủng Hải quân, gồm tàu mặt nước, tàu ngầm, không quân hải quân, hải quân đánh bộ và tên lửa bờ. Còn nhớ, chưa tới thời điểm bàn giao tàu ngầm, truyền thông quốc tế đã sốt sắng bình luận rằng, sự kiện Nga bàn giao cho Việt Nam những chiếc tàu ngầm Kilo là "bước tiến khổng lồ" đối với một quốc gia Đông Nam Á trong việc nâng cao năng lực phòng thủ. Việt Nam giờ đây đã có khả năng triển khai quân đội ở cả bốn mặt trận: trên đất liền, trên biển, trên không và cả trong lòng biển.
Ẩn mình trong lòng đại dương sâu thẳm, tàu ngầm lớp Kilo 636 hiện đại lặng lẽ thực hiện sứ mệnh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Mỗi con tàu là một ngôi nhà, kết nối, đong đầy yêu thương của cán bộ, thủy thủ đến từ khắp các vùng miền khác nhau của Tổ quốc. Trong không gian chật hẹp của tàu ngầm, anh em, đồng đội trở nên gần gũi, thấu hiểu và yêu thương nhau nhiều hơn.
Uống... nước biển, hôn... búa tạ
Trong lòng đại dương thăm thẳm, thời gian trôi thật chậm. Không đắm mình trong không gian rộn ràng Tết, không nhìn thấy hoa mai, hoa đào khoe sắc vườn nhà, ý niệm ngày Tết với những người lính tàu ngầm càng thêm phần tha thiết, xen lẫn nhớ nhung. Đại tá Nguyễn Văn Quán cho biết, với phương châm "Đón Xuân mới an toàn, vui tươi, tiết kiệm, sẵn sàng chiến đấu cao", Lữ đoàn duy trì nghiêm kế hoạch huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu và quan tâm động viên tư tưởng, xây dựng bản lĩnh cho cán bộ, thủy thủ. Chuẩn bị rất kỹ, cho nên cái Tết của anh em luôn đủ đầy vật chất và chan hòa tình cảm đồng chí, đồng đội.
Ngày Tết, trên bàn thờ Tổ quốc, bên cạnh ảnh Bác Hồ và ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lính tàu ngầm kính cẩn đặt chai nước biển lấy từ độ sâu lớn nhất mà tàu ngầm chinh phục được trong năm, như một cách báo công với Bác và Đại tướng về thành quả đạt được trong năm, lấy đó làm động lực phấn đấu trong năm tới. Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 189, Thiếu tá Đào Văn Thắng, chia sẻ: "Lính tranh thủ những ngày nghỉ, giờ nghỉ trang trí đón Xuân, làm báo tường, gói bánh chưng, viết câu đối Tết... Thủy thủ rất thích xin chữ đầu năm. Trong đơn vị có nhiều thủy thủ viết thư pháp rất đẹp nên thường viết tặng anh em những chữ như "tâm", "tài", "phúc", "lộc"; hoặc là tên người yêu, tên vợ, tên con...".
Trong thời khắc giao thừa thiêng liêng, các tàu ngầm đồng loạt kéo còi đón chào năm mới. Từng hồi còi trầm, ấm ngân vang hòa cùng tiếng sóng biển, cùng hơi thở của đất trời đang chuyển mình vào Xuân, tấu nên những khúc nhạc rất riêng của thủy thủ tàu ngầm. Sau giao thừa, đồng chí lữ đoàn trưởng đến từng tàu động viên, chúc Tết và mừng tuổi cán bộ, thủy thủ. Thủy thủ chúc Tết nhau bằng "đặc sản" của lính tàu ngầm là những ly nước biển lấy từ độ sâu lớn nhất mà tàu ngầm đã chinh phục trong năm. Mỗi người uống hai ly, với quan niệm "lính tàu ngầm lặn, nổi bằng nhau". Ở đây, nước biển mặn đã trở thành một chất men say, cho những tâm tình kết nối, sẻ chia.
Rồi cán bộ, thủy thủ tàu ngầm cùng nhau "hôn búa". Trước mắt tôi là một chiếc búa... tạ đang đong đưa, dao động mạnh như một con lắc. Người hôn búa phải thật khéo, chọn thật đúng thời điểm hôn, nếu không, sức nặng của cả chiếc búa tạ sẽ va vào miệng... Hôn, mà phải làm sao đó để giữ cho được nguyên vẹn... hàm răng. Quả thật, chỉ có lính tàu ngầm mới có. Nghi thức này nhắc nhở thủy thủ dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải hành động mau lẹ nhưng hết sức chuẩn xác. Các thủy thủ lại quây quần bên nhau, kể nhau nghe những câu chuyện Tết trên quê hương mình; cùng nhau nhìn lại năm cũ, hướng tới năm mới. Họ cảm nhận Xuân thật nhiều ý nghĩa khi đón năm mới ở "ngôi nhà thứ hai" của mình.
Sáng mồng một Tết, các tàu tổ chức chào cờ đầu Xuân. Cờ đỏ, sao vàng kiêu hãnh tung bay trên tháp chỉ huy tàu trong sớm Xuân trong trẻo. Sau lễ chào cờ, các tàu ngầm đồng loạt sấy máy đầu năm. Tiếng máy tàu giòn tan, rền vang trong nắng Xuân thanh bình.
"Gửi em giữ giùm tia nắng"
Trong không gian rạo rực đất trời Xuân, tôi nghe một người lính ôm đàn ghi-ta say sưa hát:
"Anh lặng lẽ ra khơi nơi biển sâu xanh thẳm
Gửi em giữ giùm tia nắng
Mang theo nụ cười em sáng trong đêm dài".
Tôi nhớ ra, ấy là bài Nơi biển sâu anh đến của nhạc sĩ Quỳnh Hợp. Trong lòng biển sâu, ngày cũng như đêm. Mang theo hơi ấm của nụ cười hậu phương, người lính hướng lòng về phía bầu trời tươi sáng, với những tia nắng trong tâm tưởng mà vững vàng thêm một niềm tin.
Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Lâm, nhân viên lái tín hiệu tàu ngầm HQ-183 TP Hồ Chí Minh chia sẻ: "Đây là lần thứ ba liên tiếp tôi đón Tết xa gia đình. Vợ sinh con được sáu tháng rồi mà tôi chưa được về thăm. Đón Tết xa gia đình, nhớ vợ con, thiếu vắng không khí gia đình; song bù lại, chúng tôi được sự quan tâm của cấp ủy, chỉ huy các cấp, có đồng chí, đồng đội kề vai sát cánh bên nhau. Qua đây, cho phép tôi nhắn gửi về gia đình, nhất là người vợ thương yêu, hãy luôn là hậu phương vững chắc, tiếp thêm sức mạnh để thêm vững ý chí, trọn niềm tin, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc".
Thượng úy Nguyễn Thế Duy, Phó Thuyền trưởng, Kíp tàu ngầm số 7 kể: Khi nghe anh nói về những khó khăn, thử thách mà những người phụ nữ có chồng là bộ đội tàu ngầm phải trải qua, người bạn gái Thanh Nga chăm chú lắng nghe, rồi nói: "Ai trong đời cũng cần có một gia đình để yêu thương, một công việc để theo đuổi và một Tổ quốc để phụng sự. Với em, các anh là những người hùng, bởi chính các anh là những người hy sinh những ngày tháng thanh xuân của mình, giữ cho Tổ quốc được bình yên". Duy xúc động lắm và tự tin bày tỏ tình yêu của mình dành cho Thanh Nga. Thanh Nga đã trở thành con dâu của Lữ đoàn tàu ngầm 189 và tháng 6/2021, Duy - Nga chào đón con trai đầu lòng. Ngày Thanh Nga sinh con, Duy cũng không thể về bên cạnh vợ. Cho tới nay, Duy vẫn chưa được gặp lại vợ và nhìn thấy mặt con.
Lính tàu ngầm tháng ngày biền biệt, xa nhà. Trong hoàn cảnh đó, làm vợ lính tàu ngầm đồng nghĩa với nhận lấy về mình phần hy sinh về nhiều mặt. Các chị, các em phải vừa là mẹ, vừa vào vai bố trong nhà để người bố an tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ nơi biển khơi sâu thẳm. Đảm đang. Và kiên cường. Có lẽ, xuất phát từ tình cảm đó mà Thuyền trưởng Nguyễn Thành Vinh, tàu ngầm HQ-186 Đà Nẵng đã nói vui với bạn gái của mình như thế này: "Nếu yêu anh, em sẽ là cô gái Việt Nam anh hùng. Nếu lấy anh, em sẽ là người vợ Việt Nam anh hùng. Và nếu sinh con cho anh, em sẽ được làm người mẹ Việt Nam anh hùng". Lính đùa. Nhưng xem ra ý nhị lắm!